Thứ Ba, 01/10/2024 08:33 SA
Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt:
Phu chữ ngó lời phương nao?
Thứ Tư, 23/04/2008 07:49 SA

Thú thật, tôi không biết bắt đầu như thế nào khi viết về nhà thơ Lê Đạt. Nghe tin ông qua đời sáng 21/4/2008, cảm thấy đột ngột quá. Nhà thơ Lê Đạt vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Ông vẫn đi đứng nhanh nhẹn, vẫn nói cười rổn rảng. Vậy mà, sau một cú ngã giữa khuya, mờ sớm hôm sau ông tất tả rời khỏi cõi trần, rời khỏi cõi thơ, rời khỏi cõi đam mê ý tứ!

 

080423-ledat.jpg

Nhà thơ Lê Đạt - Ảnh: L.T.NHƠN

Bước qua tuổi 80, nhà thơ Lê Đạt vẫn đang miệt mài từng trang bản thảo. Ông cặm cụi làm thơ, cặm cụi viết truyện ngắn, thỉnh thoảng viết dăm ba bài báo rất có duyên. Suy tư của ông rất hoạt, chữ nghĩa của ông rất lạ. Thật sự, tôi nghĩ rằng, sự nghiệp của Lê Đạt đã đầy đặn cho một đời văn, nhưng cái khoảng trống mà ông để lại chính là sự hụt hẫng điểm tựa khi cây bút trẻ nào đó muốn trình bày một lý lẽ hoặc một quan niệm mang dấu ấn cá nhân.

 

Từ vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, hơn 30 năm sau Lê Đạt mới xuất hiện trở lại trên văn đàn và lập tức gây tiếng vang bằng tập thơ “Bóng chữ” (1994). Bên cạnh những câu thơ tươi tắn đầy ma lực như “Em về trắng đầy cong khung nhớ. Mưa mấy mùa, mây mấy độ thu” hay “Cây gạo già lơi tình lên hiệu đỏ. La lả cành cởi thắm để hoa bay”, thì Lê Đạt khẳng định một giá trị thăng hoa khác của thơ, đó là xúc cảm bằng bóng của chữ. Không thể phủ nhận, đó là một đóng góp cho tiến trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Và sau khi nhận mình là “phu chữ”, nhà thơ Lê Đạt còn có một đóng góp nữa: khai sinh thể loại thơ Haikâu. Ông cho rằng: “Trên nền tảng những bài thơ tứ tuyệt của cổ nhân, tôi muốn thử một cách dần tiết kiệm. Thơ Haikâu ra đời từ bận tâm chống lãng phí. Có thể tôi lầm, nhưng thủ pháp giản ước quá hấp dẫn như thúc đẩy tôi một liều ba bảy cũng liều. Còn tại sao lại viết Haikâu chứ không phải Haicâu, tôi xin thành khẩn khai báo rằng, tôi tuyệt đối không mảy may có ý muốn lập dị. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Haikâu không phải một bài tứ tuyệt cắt đôi hay hai câu thơ đơn thuần, mà là một thể hoàn chỉnh tự đủ trên cơ sở những “chíp” chữ đa năng, đa nghĩa”.

 

Trong suốt một thập niên, nhà thơ Lê Đạt chăm chỉ chứng minh sức sống của thể loại thơ Haikâu bằng những sáng tác của ông, mà cụ thể là hai tập “Ngó lời” (1997) và “U 75 từ tình” (2007). Ông dùng tên một loài hoa để khắc họa một cuộc chia lìa “Nắng lạnh heo mày hoa lạnh. Mimôza chiều khép cánh mimôixa”. Ông khám phá thế giới mobifone cũng theo cách nhanh gọn “Di động tìm gọi em tun tút mãi. Tin nhắn hoài vùng ngoại sóng vô tâm”. Và ước vọng tung hứng của nhà thơ Lê Đạt cũng tạo nên không ít câu thơ ngộ nghĩnh bước vào cuộc sống “Từng bước đi xuân từng sóng sánh. Em đùi thắng cảnh, mắt danh lam”.

 

Nếu so với ba người bạn cùng thời là Phùng Quán, Hoàng Cầm và Trần Dần thì phong cách Lê Đạt được hình thành muộn hơn, nhưng cũng thực sự độc đáo hơn về mặt cấu trúc ngôn ngữ. Theo tôi, Phùng Quán trọng khí chất, Hoàng Cầm trọng rung động, Trần Dần trọng đột phá, còn Lê Đạt trọng âm vị. Thơ Lê Đạt như một dòng chảy riêng, tự tin trôi ngang mọi sự khen chê thường tình. Đọc một câu thơ, dù chưa thành công lắm của Lê Đạt, vẫn không hề nhầm lẫn với bất kỳ ai. Bởi lẽ, chính Lê Đạt luôn thao thức “nhà thơ làm mối cho những từ chưa quen biết nhau, càng xa lạ càng tốt”. Thật vậy, Lê Đạt trông vời “Hoa gạo” bâng khuâng: “Đào cuối mùa lòng xoan chưa cạn. Gạo lão tình tiếp quản đỏ đầu sông”, Lê Đạt định nghĩa “Quyết toán” chộn rộn: “Đầu tâm liều nghiệp yêu quên phá sản. Lòng không đang quyết toán khoản dư tình”, Lê Đạt lý giải “Nợ” rành rọt: “Nợ một khoản bạc đầu chưa trả hết. Lãi mẹ lãi con lụy mấy kiếp lời”. Vì thế, đọc thơ Lê Đạt là đọc sự chuyển dời của chữ, đọc sự tiếp biến của nghĩa!

 

Từ “Bóng chữ” đến “Ngó lời” có thể xem như một vận động sáng tạo của nhà thơ Lê Đạt, mà thành tựu rõ nét là thơ Haikâu. Bây giờ không biết “phu chữ” đang “ngó lời” phương nao, nhưng tôi và thế hệ sau vẫn “ngó lời” của ông để thêm tin yêu con đường nhọc nhằn thi ca!

 

LÊ THIẾU NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
14 ngày
Thứ Ba, 22/04/2008 13:24 CH
Bao giờ có không gian văn hóa cho áo dài?
Chủ Nhật, 20/04/2008 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek