Thứ Năm, 28/11/2024 12:42 CH
Bao giờ có không gian văn hóa cho áo dài?
Chủ Nhật, 20/04/2008 07:00 SA

Mở cửa bước ra với thế giới, người Việt có thể tự hào về một từ đã được quốc tế hóa, đó là “aodai”. Gìn giữ vẻ đẹp áo dài cho người Việt đã là việc đáng làm, mà gìn giữ vẻ đẹp áo dài cho bè bạn năm châu thưởng lãm lại càng đáng làm hơn. Bao giờ chúng ta mới có không gian văn hóa cho áo dài? Một bảo tàng áo dài, hay một nhà hát áo dài - tại sao không? 

 

080419-Ao-dai-1.jpg
Một mẫu áo dài với hình vẽ độc đáo trên thân áo
Trang phục đồng hành với lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam, từ áo giao lãnh đến áo tứ thân và thêm một bước đột phá trở thành áo dài là chặng đường dài, mà câu chuyện kể lại có thể là vưu vật đối với mỗi tâm hồn người Việt. Thế nhưng, bước vào thế kỷ 21, giữa ngổn ngang những chuyện cần dốc tài, dốc sức cho đất nước bước vào vận hội mới, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một địa chỉ văn hóa hay một công trình nghiên cứu công phu nào dành cho áo dài. Ở lĩnh vực chuyên môn, tại sao không thể có Hiệp hội những nhà thiết kế áo dài? Ở lĩnh vực tiêu dùng, tại sao không thể có Câu lạc bộ Những người yêu áo dài? Và cao hơn nữa, tại sao không thể có Bảo tàng áo dài?

 

Trong cuốn sách “Những dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài” của UBND TP HCM, có một dự án khiến nhiều người Việt hân hoan mà người nước ngoài cũng hứng thú, đó là dự án Nhà hát Áo dài của nhà tạo mẫu Sỹ Hoàng. Đã có công ty thiết kế thời trang, lại có quán Điểm của một thời chuyên biểu diễn áo dài, nhà tạo mẫu Sỹ Hoàng hoàn toàn có quyền mơ đến một Nhà hát Áo dài, và anh khẳng định có thể bỏ cả quãng đời còn lại để theo đuổi dự án này. Nếu làm được thì đây sẽ là một cơ hội để vinh danh áo dài Việt Nam.

 

Ở đây, xin nhắc lại, chính nhờ Hội chợ Huế mùa xuân năm 1939 mà chiếc áo dài mới được ra mắt rộng rãi công chúng.  Khi ấy, họa sĩ  Nguyễn Cát Tường và họa sĩ Lê Phổ từ Hà Nội đã vào tham dự hội chợ, với màn trình diễn thời trang lần đầu tiên trên đất Huế: áo dài hai tà thay cho bốn tà (tứ thân), chính thức đưa chiếc áo Le Mur bước vào đời sống thị dân. Ngay lập tức, phụ nữ Huế tiếp nhận “cuộc cách mạng thời trang” này. Sự biến chuyển về xu hướng ăn mặc ở một xứ sở không dễ dàng thay đổi nếp cũ như Huế, đã được thi nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị ghi lại bằng hai câu thơ: “Giày cô đi là giày cao gót. Áo cô mặc là áo Le Mur”. Vì vậy, hôm nay nghĩ đến một Nhà hát Áo dài, có nghĩa chúng ta đang tìm thêm một cơ hội để tiếp thêm giá trị bền vững cho chiếc áo quyến rũ của dân tộc! Trên thế giới, nhiều quốc gia tiến bộ lưu trữ cả những viên gạch vỡ mang dấu vết lịch sử hay văn hóa của họ, cho nên chúng ta tự hào lưu trữ vẻ đẹp áo dài cho đời sau, cho nhân loại!

 

080419-ao-dai.jpg

Hai người đẹp Trần Thị Quỳnh và Hương Giang trong trang phục áo dài tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: HOÀNG QUYÊN

 

Nhà tạo mẫu Sỹ Hoàng mường tượng về Nhà hát Áo dài như sau: “Công trình sẽ được xây theo kiểu kiến trúc của VN mà hình mẫu là nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế – đây là nhà hát cổ duy nhất còn lại của VN, được xem như một tác phẩm, một tuyệt tác về kiến trúc được UNESCO công nhận về di sản văn hóa thế giới. Chất liệu xây dựng phải bằng đá, tất cả những loại đá đẹp nhất ở xứ mình. Một công trình kiến trúc xây toàn bằng đá như thế sẽ có một giá trị bền vững cùng thời gian. Ta sẽ hình dung vào ban đêm, với hệ thống chiếu sáng nhìn từ xa nhà hát như một viên ngọc lung linh. Khuôn viên nhà hát khoảng 10 hécta, sẽ có rừng tre, ở đó sưu tập tất cả các loại tre trúc của VN, ngoài ra có hồ nhưng chỉ thả sen. Đó là những loại cây biểu tượng cho con người VN. Nhưng phần trong sân khấu thì rất hiện đại. Hệ thống của sàn diễn sân khấu có những hiệu ứng về mưa, về gió, về lửa, về khói,... nâng lên hạ xuống bổ trợ cho nội dung của tiết mục, tăng sức hấp dẫn cho người xem. Ngay cả phần thiết kế ghế ngồi cho khán giả cũng vậy, tùy theo đối tượng khách mà ghế có thể ngồi theo kiểu ghế trong rạp nhưng thiết kế thoải mái như dạng ghế salon. Công trình được xây dựng không những là một tác phẩm kiến trúc mà còn là một tác phẩm điêu khắc nữa. Có những chỗ sẽ được chạm khắc trực tiếp lên cột, tường... Khi khách đến nhà hát sẽ đi qua bảo tàng trưng bày về trang phục, sẽ được nhìn ngắm tất cả các trang phục của các dân tộc Việt. Điểm nhấn vẫn là bảo tàng áo dài, áo dài xưa và áo dài mới, có cả mảng lấy áo dài như một ý tưởng thiết kế để nó trở thành như một tác phẩm nghệ thuật không hẳn chứa đựng công năng sử dụng. Những chương trình của nhà hát diễn ra là những gì chắt lọc nhất về âm nhạc, về múa của các dân tộc thiểu số và của người Kinh. Tất cả các làn điệu được phục hiện một cách nguyên gốc, nguyên mẫu. Và như vậy người xem sẽ cảm thấy không chỉ để giải trí mà còn được có thêm kiến thức sự hiểu biết về văn hóa Việt một cách tinh tế, sâu sắc nhất”.

 

Dự án Nhà hát Áo dài bao giờ trở thành hiện thực vẫn còn là một câu hỏi thường trực đối với người yêu áo dài. Rõ ràng với khả năng của cá nhân thì nhà tạo mẫu Sỹ Hoàng khó lòng xây dựng được Nhà hát Áo dài, cho nên anh bày tỏ sòng phẳng: “Bất cứ ai lấy ý tưởng này làm đều quý, đáng trân trọng. Bởi vì mục đích cuối cùng của tôi là có nhà hát, có bảo tàng, để phục vụ cho lớp con cháu sau này thấy được giá trị vốn quý của nó, thấy được công trình mà thế hệ trước để lại. Đối với tôi không phải là cái tâm mà nó như một thứ đạo - đạo ông bà. Nghĩa vụ con cháu là sự ghi nhớ công ơn tổ tiên, đây là cách hay nhất, nghĩa vụ của tất cả các người Việt ở khắp nơi trên thế giới”.

 

TÂM HUYỀN 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khu di tích Đền Hùng
Thứ Ba, 15/04/2008 13:27 CH
Về với cội nguồn
Thứ Ba, 15/04/2008 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek