Thứ Năm, 28/11/2024 18:25 CH
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - khát vọng sống và yêu
Thứ Ba, 08/04/2008 10:00 SA

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến không chỉ nổi tiếng với bài thơ Gửi tình yêu đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, trở thành ca khúc của nhiều thời, mà còn được biết đến bởi một nhan sắc mặn mà, sang trọng. Thơ của chị nghiêng về nội tâm, đằm thắm, trữ tình nhưng cũng mãnh liệt, khao khát. 

 

080408-DTLL.jpg

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến tại buổi giới thiệu tập thơ mới

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ THƠ

 

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống của Đoàn Thị Lam Luyến vất vả từ nhỏ, khi bước vào đời lại gặp nhiều éo le ngang trái. Là một người phụ nữ mặn mà, năng động và sáng tạo nhưng cuộc sống riêng tư nhiều trắc trở, nên chị có nhiều điều muốn tâm sự, giãi bày. Ngoài thơ ra, không ai có thể chia sẻ cùng người phụ nữ đa đoan những nỗi muộn phiền, nhọc nhằn của cuộc sống. Có phải vì thế mà thơ chị “ thật” hơn, “đời thường” hơn?

 

Chị nói: “Đã đi vào nghiệp văn chương là phải dấn thân và cả hy sinh nữa. Mỗi câu thơ đứng được đều có trả giá. Không chịu mất đi một thứ gì thì không thể có nghệ thuật, có thơ hay”.

 

Làm thơ, ôm cái nghiệp thơ vào thân là chấp nhận gian khổ, nhọc nhằn. Nghệ thuật an ủi tâm hồn con người, song con đường nghệ thuật dài đằng đẵng. Bài học đó bổ ích cho lớp trẻ làm thơ chúng tôi, khi chưa hiểu nhiều về đời, về nghệ thuật và cái giá phải trả cho nghệ thuật. Trước đây, khi còn là sinh viên, tôi đã say đắm khi nghe bài hát Khát vọng do nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ chị. Tôi cũng đọc được một số bài thơ của chị in trên báo. Nhưng như vậy chưa đủ để hiểu về một nữ nhà thơ đầy khát vọng. Sau này, chị khi giao lưu cùng sinh viên Khoa Sáng tác (Trường ĐH Văn hóa) tôi hiểu hơn về chị và được “truyền lửa” từ một người của thế hệ trước.

 

Và có phải đây chính là nhan sắc thơ Đoàn Thị Lam Luyến: “Gửi tình yêu vào đất/ Được hoa trái đầy cành/ Gửi lên trời cao rộng/ Sẽ được ngọn gió xanh/ Ta trao cả cho anh/ Một tình yêu cháy bỏng/ Như một cánh buồm xinh/ Hiến mình ra biển rộng”(Gửi tình yêu). Và “Đã từ hai mảnh tay không/ Kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người/ Dở dang suốt nửa cuộc đời/ Bỗng nhiên hiện một mặt trời trong nhau/ Chị thản nhiên mối tình đầu/ Thản nhiên em nhận lá trầu về têm”(Chồng chị, chồng em)? 

 

KHÁT VỌNG SỐNG VÀ YÊU

 

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến ít khi tâm sự với người khác về chuyện tình yêu, trừ một số người bạn thân thiết như nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, Đoàn Thị Ký... Cho nên bạn đọc chỉ nhận thấy những tâm sự đó trong thơ. Trong thơ, chị giãi bày hết, tận cùng sâu thẳm tâm hồn mình. Tôi hỏi: “Có bao giờ chị thấy bất lực trước thơ, có nghĩa là chị không tìm được sự nâng đỡ từ thơ nữa?”. Chị bảo khi đã ở trong tình trạng đó, thì khả năng sống và sáng tạo đã cạn hẳn rồi. Chị còn sống, còn sáng tạo, còn nhiều dự định cần phải làm. Cho nên, chị vẫn tìm thấy điểm tựa cho thơ trong lòng mình.

 

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sinh ngày 14/6/1953 tại huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Năm 13 tuổi, chị được cử vào học Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật khu tự trị Tây Bắc; từ 1976 - 1982 học Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Chị  từng làm biên tập viên ở NXB Thanh Niên. Từ năm 2001, Đoàn Thị Lam Luyến công tác trong Hội Nhà Văn. Chị hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam.

Trên tay tôi là tập thơ mới của chị, tập thơ gồm 36 bài tuyển chọn. Mỗi bài thơ là tiếng lòng, là điểm tựa chị tìm được trong suốt những chặng đường của cuộc sống. 36 bài thơ là những tâm trạng buồn, nhưng đều ánh lên niềm lạc quan yêu đời. Những người đàn ông đi qua cuộc đời đã để lại trong tâm hồn chị những vết xước, sự tổn thương, nhưng chị không oán trách họ. Chị nhận về mình những mất mát, thiệt thòi, và lại trách mình đã quá vụng dại trong tình yêu. “Không hoang cây chỉ hoang đồi/ Em hoang con bởi có người đi  hoang/ Số cầm tinh con dã tràng/ Có viên ngọ cát biển mang đi rồi/ Lỡ chồng gỡ lấy con thôi/ Lẽ đâu cam cái phận trời dành cho”.

 

Chị là vậy, chắt chiu từng chút hạnh phúc, dù là nhỏ nhất. Cho nên đọc thơ chị, người đọc không thấy sự bi quan nào. Chị luôn tìm lối thoát.

 

Khát vọng sống và yêu, và tìm lối thoát, cho nên bi kịch vẫn không ngừng xảy ra. Lam Luyến nhận mình quá ư vụng dại, vụng dại cả khi tuổi đã cao. Đời chị, như một sự vụng dại kéo dài “Em đầy ngộ nhận như tôi/ Cũng yêu chí chết cái người mình yêu” hay “Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu năm/ Khi tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy/ Giá được hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy/ Em sẽ chờ như thể một tình yêu/...Em ở hiền, em có ác chi đâu/ Mà trời lại xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác?”. Có ai như chị?

 

Bến đậu của tâm hồn chị là thơ, thay cho sóng gió của gia đình riêng. Những vần thơ đưa chị đến với người đọc, đến với bạn bè, với sự đồng cảm. Ở những vần thơ đó, mỗi người phụ nữ đều tìm thấy một phần của mình. Tôi hỏi chị có dự định gì sắp tới cho thơ mình, chị cười, trả lời: “Tôi sẽ lại làm những vần thơ vụng dại!”. Không, chị sẽ viết những bài thơ không hề vụng dại. “Ta muốn ôm cả đất/ Ta muốn ôm cả trời/Mà sao không yêu trọn/ Trái tim một con người…”

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trăm năm vội vã
Chủ Nhật, 06/04/2008 14:01 CH
Ca sĩ Việt ra đi và mang về những gì?
Chủ Nhật, 06/04/2008 08:16 SA
Những “siêu phẩm” của mùa hè 2008
Thứ Bảy, 05/04/2008 08:00 SA
Chiến tranh qua những phận người
Thứ Sáu, 04/04/2008 07:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek