Cách đây không lâu, bạn đọc Phú Yên có dịp biết đến cuốn tiểu thuyết Bên gốc me già của tác giả Phương Yến (Trần Thiện Lục). Cuốn sách viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Phú Yên. Nối tiếp nguồn mạch này, cuối năm 2007, tác giả đã cho ra mắt tập truyện Hồng và Lam do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành...
Ảnh: N.HÂN
Qua ngót hai trăm trang sách, tác giả đã tập hợp bảy tác phẩm truyện và ký mà ông viết trong nhiều năm. Trong đó, có truyện được hình thành ngay trong lửa đạn chiến trường và bây giờ Phương Yến mới có dịp hoàn chỉnh. Ông cho biết, hầu hết những nhân vật trong tập truyện này đều được ông xây dựng từ nguyên mẫu là các đồng chí, đồng đội cùng chung chiến hào trong những năm tháng ác liệt, gian khổ. Bên cạnh đó là những người “ở phía bên kia” với những mặc cảm, dằn vặt. Đặc biệt là những người dân trong vùng tạm chiếm, họ hết lòng vì cách mạng. Họ sống giản dị, chất phác nhưng đầy quyết liệt và ăm ắp nghĩa tình; có lúc họ sai lầm rồi gượng dậy làm lại từ đầu. Tất cả họ, những nhân vật được khắc họa trong tập sách, đều có tính cách sống động thông qua những chi tiết về cuộc đời mình. Qua cơn lốc xoáy của chiến tranh, những tính cách ấy càng nổi bật, càng làm cho thân phận của nhân vật được thể hiện rõ nét.
Trong chiến tranh, tình quân dân như cá với nước ngày càng được củng cố. Nếu nhân dân quay lưng thì không có ngày chiến thắng, không có những chở che đùm bọc để người làm nhiệm vụ thoát hiểm trong gang tấc. Đây là tâm tư của một chiến sĩ:
“Tôi hiểu mỗi khi xuống nằm hầm bí mật tính mạng của chúng tôi hoàn toàn nằm trong tay người dân, chỉ cần một cơ sở phản bội đưa tin cho địch thì máu cũng như thi thể của chúng tôi vĩnh viễn nằm ở bờ tre.”
Một người như ông già Đờn (Gia đình ông lão bên đầm) quyết ở lại bám đất bám làng, vận động bà con chống lệnh dồn dân của địch đã kêu gọi tự đáy lòng: “Tôi vẫn sống với bà con, với cái đầm, cái ruộng (…) Lần này là lần thứ mười lăm…người chết, nhà cháy (…) Nhưng vong linh mồ mả ông bà ở đây, đầm này, rẫy này ở đây bỏ đi sao đặng? Lấy gì mà sống? Con chim có tổ, con cá có nước, con người có tông tộc. Bây giờ bà con mình chụm vào ở xóm Đá, xóm cổng cho chúng dễ tù, dễ cướp à?”
Ở truyện Bờ tre, nhân vật ông Bốn Tơ tuy xót con nghé bị trúng chông do sơ suất của nhóm trẻ chăn bò, nhưng khi thấy hành động của lớp nhỏ đem lại thắng lợi cho cách mạng, ông lại xởi lởi: “Thằng Cườm được, thiếu nhi các con được. Tuyến chông bay bố phòng êm đó. Giờ phải chia cái bờ tre ra từng đoạn cho các cụ, phụ nữ, cho thiếu niên rồi thi đua bố phòng, du kích xã đi kiểm tra chấm điểm.”
Trong chiến tranh, người dân không tiếc gì với cách mạng. Họ sẵn sàng bám làng để làm cơ sở hoạt động, sẵn sàng hy sinh của cải vật chất, người thân và ngay chính bản thân mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Nhưng đôi khi sự khắc nghiệt của chiến tranh cũng làm họ yếu lòng, giản đơn và bị kẻ địch lợi dụng. Trong truyện Tội lỗi, một bà mẹ sau khi mắc sai lầm đã tự dày vò trước một chiến sĩ đồng đội với con mình để vơi bớt nỗi lòng:
“-Ừ!...tao nói! Tao nói tất cả-Bà già thổn thức-Chính thằng chận vịt là thiếu úy cảnh sát tao đã lầm kể chuyện vợ chồng thằng Hai nhà tao cho nó. Nó đã đến đây cùng thằng Mỹ, thằng đại úy cảnh sát bắt tao chỉ hầm để bắt vợ chồng thằng Hai con tao. Nó hứa bảo đảm tính mạng cho vợ chồng thằng Hai. Thương con tao đã lầm.-Bà già nói như thét lên-Chính tao đã giết con…-bà nói như rên-con tao… Bốn à! Bà lại thét lên: “Mày! Mày hãy bắn tao đi Bốn! Nè bắn thím đi con! Cho tao chết! Chỉ có cái chết mới làm thỏa tấm lòng!””.
Đó là sự thật của chiến tranh, và tác giả Phương Yến qua ngòi bút của mình vẫn trân trọng người mẹ, vẫn cảm thông và chia sẻ qua những số phận bị chiến tranh xô đẩy. Ông nhập vai người lính Mỹ ngơ ngác sang Việt
“Giôn Bớt dập mũi giày đứng nghiêm rồi quay gót xách súng đi, cố gắng với tư thế hiên ngang, gã chẳng quay lại nhưng gã vẫn biết viên chỉ huy đang hằm hằm nhìn mình. Tự nhiên giọt nước mắt tủi hổ chảy tràn trên mặt, Giôn Bớt nghĩ thầm: “Mình cầm súng đánh Vi-xi cho ai, cho tổng thống hay cho mình? Mình đưa văn minh Mỹ tới đây tại sao người bản xứ lại hằn học mình? Và nếu mình chết, sẽ có lợi gì?...” Những ý nghĩ xoáy cuộn dằn vặt Giôn Bớt, gã ngao ngán lủi thủi xách súng về đại đội” (Cây mai).
Từ suy nghĩ đó nhân vật lại liên hệ với bản thân, suy nghĩ về số phận mình và của những người đồng cảnh ngộ:
“Đám chết và đám cưới lộn xộn diễn ra trong một ngày. Giôn Bớt lại thấy chán ngắt cuộc sống ở đây. Cái chết chẳng những từng ngày, từng giờ vây lấy gã mà cả những người bản xứ. Họ chết có gia đình, thân quyến và được đưa ma, còn mình, nếu chết sẽ được cho vào bao bóng ướp đường rồi đưa ra ngoài hạm đội và vượt Đại Tây Dương về chính quốc Hoa Kỳ. Nhưng đấy là số phận của những quân nhân da trắng, còn những quân nhân da đen tất nhiên số phận sẽ khác, những chuyến trực thăng chở xác Mỹ da đen và xác lính Thiệu đổ xuống biển ai cũng biết. Ngay cả cái chết nước Mỹ cũng phải có tính toán kinh tế cho đỡ tốn kém…”
Những suy nghĩ bi quan, chán nản và có phần “nhụt chí” của người lính Mỹ cũng là điều dễ hiểu. Họ đi tham chiến ở một đất nước xa xôi và có nhiều khác biệt với văn hóa Mỹ, lại không có lý tưởng, không có hậu thuẫn to lớn là nhân dân, thế thì làm sao họ có tinh thần tham chiến?
Trong khi đó, những chiến sĩ cách mạng từ nhân dân mà ra, được nhân dân nuôi dưỡng và trưởng thành đã sống và chiến đấu đến giây phút cuối cùng không đắn đo gì khi đã xác định mục tiêu, lý tưởng mà mình đã chọn.
Trong truyện Hồng và Lam, tác giả dùng tên của hai nhân vật nữ làm tên truyện. Họ là “vai chính” và được tác giả trân trọng đến từng chi tiết. Họ sống đẹp và lúc hy sinh cũng để lại những ấn tượng bi hùng trong lòng đồng đội.
Đây là cái chết của Lam, nhẹ nhàng trên tay đồng đội:
“Lam đi như một người ngủ say. Trong sắc nhợt nhạt trên khuôn mặt mất nhiều máu vẫn ửng lên sắc hồng của thời con gái…Mấy cô nữ ở huyện tắm rửa cho Lam xong, đặt Lam nằm ngay ngắn…”.
Và cái chết của Hồng, khúc bi tráng của chiến trường:
“Từ trên núi, nhìn xuống bờ mương tôi vẫn nghe tiếng súng nổ, Hồng nằm sát bên một mô đất nhướn người quăng lựu đạn về phía địch. Sau tiếng lựu đạn nổ, bốn tên địch nằm chết trên bờ mương cách Hồng không đầy mười mét. Tôi bỗng thấy Hồng vùng dậy đập súng xuống đất. Một loạt đạn AR.15 bắn gần, Hồng ngã dụi xuống bên mô đất. Tôi bỗng thốt lên: “Hồng ơi!...Không xong rồi!...”.
Để kết thúc bài này, xin trích nhận xét của nhà văn Đào Minh Hiệp ở lời giới thiệu đầu sách: “Thật ra đọc những truyện ký và truyện ngắn này của Phương Yến, ta khó có thể phân biệt được đâu là sự thật và đâu là hư cấu văn học, vì tất cả những gì hiện lên qua từng con chữ đều là sự thật mà nhà báo Trần Thiện Lục đã trải trong thời gian công tác ở Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên, trong những đợt anh xuống cơ sở hoặc trực tiếp tham gia chiến đấu…Ở đây, ta bắt gặp những chi tiết, những sự việc và những trang viết vô cùng xúc động mà những người chưa trải không thể hư cấu, bịa đặt.
Tính chân thực về cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ở chiến trường Phú Yên là yếu tố quan trọng làm nên tác phẩm văn xuôi của Phương Yến. Sự hiểu biết sâu sắc của Phương Yến về Đất và Người ở Phú Yên đã giúp cho những trang viết của anh trở nên sống động. Sự thành công của tác phẩm là ở đó và nó sẽ có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc”.
QUỲNH HÂN