Những ván cờ lóc cóc ngựa xe
Cội sung cũ bốn mùa thay lá
Trái đơm đầy rụng xuống hư vô.
Ồn ào theo ly rượu chiều góc khuất
Liêu xiêu anh chân mỏng bước về
Áo phóng sự nhạt nhoà nỗi áo
Thơ tình loanh quanh như chiếc Quây (Wave) rêu.
Rồi giật mình khi tháng ngày giáp mặt
Vội vã cười trừ với khoản nợ trăm năm
Không kịp gửi lời chào ngã tư đèn đỏ
Không kịp bật diêm đốt điếu thơm đời!”.
Tác giả Lê Thiện Ngân (bên phải) và bạn văn - Ảnh: Đ.Đ.TUẤN |
Đó là bài thơ Trăm năm vội vã của anh Lê Thiện Ngân. Một bài thơ tôi thuộc. Một bài thơ mà giờ đọc lại, tôi sửng sốt vô cùng, vì nó đã phảng phất dự báo sự ra đi đột ngột của anh.
Anh đã “đi” quá đột ngột, sau một ca tai biến mạch máu não rất nặng. Vô phương cứu chữa. Mấy ngày hôn mê nơi phòng cấp cứu bệnh viện, rồi biền biệt “đi” luôn. Không hé được một tí mắt nhìn thấy vợ con, bạn bè lần chót. Không mở được miệng thốt nửa lời từ giã. Tất cả vây phủ im lặng. Im lặng, im lặng và vĩnh hằng. Anh đã nằm trong ngôi nhà màu đỏ, chòng chành trên vai đưa tiễn, lắc lư mộng ước chưa thành.
Bạn văn nghệ của anh khá đông, trong đó có tôi, tất cả đều bàng hoàng. Vẫn biết sống chết lẽ thường nhưng sao cứ cay mắt, se lòng. Anh là cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh, hiểu sâu triết lý Phật giáo, thế nên anh sống từ tốn và từ tâm, luôn vận động cuộc sống của mình trên nền tảng “thiện”, thế nên ai ai cũng quí mến. Đối với chúng tôi, anh luôn là bạn hiền, một người bạn gương mẫu. Nhìn di ảnh anh trên hương án mà bùi ngùi. Vầng trán cao vượt, nước da sạm nắng, thần thái khắc khổ mà dí dỏm, quai hàm cương nghị nhưng ấm áp tình người. Tất cả tinh anh ấy như vẫn còn lảng vảng đâu đây.
Còn nhớ một chiều nơi quán xép, chúng tôi bốn người bạn thân ngồi uống rượu, trò chuyện. Gió mát từ sông Đà Rằng thổi tràn tung tóc, mang những tiếng cười vui tung lên không trung. Chúng tôi đọc thơ, bàn chuyện đời đến mãi tận khuya. Anh đã đọc bài thơ Cổ tích sông ơi rất hay mà bây giờ tôi không thể nào nhớ được. Bài thơ ấy có một hình ảnh ấn tượng, hình ảnh cô lái đò úp mặt xuống lòng thuyền rạn vỡ để khóc, để mà tan nát trái tim. Anh chỉ làm thơ, nhưng thơ cũng lâu lâu mới làm, không lấy đó làm đam mê. Anh còn lo cho gia đình, còn cha già phải phụng dưỡng. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến bốn câu thơ của Đoàn Vị Thượng:
Đôi khi bỗng thấy xa xôi
Những bạn bè cũ đang ngồi quanh đây
Lòng không tỉnh cũng không say
Đêm đi phúng điếu anh, tôi cùng mấy người bạn ngồi nơi bàn nước hiên ngoài. Ngồi cùng bàn có một cụ già, mà những nét nhăn nheo trên khuôn mặt như cứng lại, để chịu đựng một nỗi buồn đau. Đó là bố của anh Lê Thiện Ngân. Cụ mãi im lặng, không thốt một lời. Chúng tôi se lòng. Lá vàng ngồi đấy, lá xanh bay rồi!
Bài thơ Trăm năm vội vã của anh, giờ tôi đọc lại, thấy phảng phất một thứ ánh sáng khác thường. Bài thơ như một dự báo cho sự ra đi vội vã của anh : “Không kịp gửi lời chào ngã tư đèn đỏ/ Không kịp bật diêm đốt điếu thơm đời.” Đúng là trăm năm vội vã!
Chúng tôi là bạn cùng thích thơ, thích trí tuệ, thích sự sáng tạo và cả lạc quan như anh. Nhóm bạn chúng tôi quí mến anh vì anh trầm tĩnh, sâu sắc, hòa nhã và nghị lực. Thế nên cứ gọi anh là “nước”. Trong khi có anh khác lại nóng nảy, ồn ào nên gọi là “lửa”. Lại có anh khác chịu đựng dạn dày, thế nên phải gọi là “đất”. Lại có anh khác nữa không định hình, luôn biến chuyển đổi thay, nên phải gọi là “gió”. Thế là, dùng ngôn ngữ đao to búa lớn, chúng tôi tự gọi là nhóm “Tứ Đại” cho oách! Theo triết học Hy Lạp cổ, đó là tứ đại nguyên tố luận, vũ trụ vạn vật do bốn nguyên tố lớn tạo thành: đất, nước, gió, lửa. Và, đó cũng là thân tứ đại của quan niệm Phật giáo: đất, nước, gió, lửa cấu thành thân muôn vàn sinh vật trong vũ trụ. Vui thật, hay thật, mà cũng ngông nghênh thật!
Hỡi anh Lê Thiện Ngân quá cố! Anh là “nước”, nhưng chúng tôi biết anh là nước suối trong vắt ở thượng nguồn. “Nước” ấy giờ đã ra biển lớn mênh mông. Chúng tôi cầu chúc anh thênh thang, an lạc… Một nén hương lòng thay mặt bạn bè xin gửi đến anh!
NGÔ PHAN LƯU