Ca sĩ Mỹ Tâm Nguồn: VNN |
Đã qua rồi sự mặc cảm “xướng ca vô loài”, ca sĩ đang được coi là một nghề có khả năng phản ánh sự thịnh vượng của xã hội, cho nên rất cần được vun đắp thỏa đáng. Nội lực giọng hát sẽ khẳng định ca sĩ, nhưng công nghệ biểu diễn thời WTO không chỉ trông chờ vào cách nhả chữ, cách luyến láy hoặc tinh tế hơn là hồn vía nghệ sĩ mà vươn lên thành danh. Kỹ năng sân khấu và hiệu quả phòng thu đã và đang mang lại nhiều cảm giác thăng hoa mới. Chính vì lẽ ấy mà nhiều năm qua, chúng ta đã có những công ty tổ chức biểu diễn tương đối đủ tài lực và không ít ca sĩ tương đối đủ tư chất, nhưng vẫn chưa có một tên tuổi nào vượt ra khỏi biên giới. Vì sao? Rất đơn giản, vì chúng ta chưa hình dung được và chưa kiến tạo được vẻ đẹp của một ngôi sao. Và để làm được điều ấy, không còn cách nào khác là chúng ta phải dấn thân “mang chuông đi đánh xứ người”.
Qua những chuyến đi, có thể dưới hình thức quay video-clip hay biểu diễn, các ca sĩ Việt dần dần hình thành xu hướng tự tin khi xuất hiện ở nước ngoài với tư cách nghề nghiệp của mình. Chỉ cần điểm qua những VCD hay DVD của các ca sĩ thành danh, sẽ thấy không ít cảnh sắc của Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Úc. Mỹ… Thế nhưng, có thể phát hành băng đĩa nhạc hay hợp tác sản xuất băng đĩa nhạc tại nước bạn lại là một cung bậc khác. Từ khi nhạc nhẹ trỗi dậy mạnh mẽ đến đây, thử điểm lại danh sách ca sĩ khao khát hội nhập có thể thấy dăm ba tín hiệu lạc quan. Chẳng hạn, với thị trường Nhật, nhóm Tam ca Áo Trắng đã giới thiệu album 1,2,3 chào hay ca sĩ Mỹ Linh phát hành khá thuận lợi album Chat với Mozart. Dù vẫn vướng víu không ít nghi ngờ về hiệu quả của những cuộc “lấn sân” ấy nhưng cũng phải công tâm thừa nhận rằng sự nhút nhát đã dần được xóa bỏ trong nhạc Việt.
Lựa chọn con đường làm đại sứ du lịch, ca sĩ Đan Trường không chỉ tung ra băng đĩa của mình mà còn tổ chức live show tại Đài Loan. Hiện nay, cũng với tư cách đại sứ du lịch, việc tiếp thị tiếng hát Đan Trường tại xứ sở hoa tulíp Hà Lan không phải là tham vọng quá xa vời. Tuy nhiên, bao giờ chúng ta mới có những tên tuổi chinh phục cả khu vực châu Á như Bi - Rian của Hàn Quốc, F4 của Đài Loan hay Dung Tổ Nhi của Hồng Kông thì quả là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp!
Để biết nhạc Việt mạnh hay yếu khi “xúc tiến thương mại” với thế giới, chỉ còn cách đơn giản nhất là nhìn xem ca sĩ đã mang về những gì qua những chuyến ra đi. Sau khi tham dự Festival FOLTE (viết tắt của cụm từ Friends Of Love The Earth) tại Bussan – Hàn Quốc, ca sĩ Mỹ Linh tiếp tục được mời tham dự đêm diễn ASEAN Divas tại thành phố Nagoya - Nhật Bản. Sự mạnh dạn của Mỹ Linh khi đứng cạnh những tên tuổi nước bạn như Yuming, Ayka hay Sandy Lam chứng tỏ về thẩm mỹ giọng hát thì ca sĩ Việt Nam không có gì đáng phàn nàn. Chỉ đáng tiếc, đến hôm nay, sau một thời gian ký kết với nhà đại diện JTB thì album của Mỹ Linh vẫn chưa thu được kết quả mỹ mãn trên thị trường băng đĩa Nhật Bản.
Gần đây một cuộc hội nhập có vẻ hào hứng hơn đó là chuyến “du Hàn” của ca sĩ Mỹ Tâm. Năm 2007, album Vút bay làm theo kiểu Hàn Quốc cũng tạo chút ít ấn tượng với công chúng trong nước, nhưng công ty đối tác của Mỹ Tâm là Norimaru Picture chỉ rụt rè đưa Vút bay qua mạng digital album để người nghe dowload bằng một khoản chi phí tượng trưng nên giống như một “phép thử” mà thôi. Và dù việc học vũ đạo ở Hàn Quốc đã cho Mỹ Tâm một hình tượng không khác gì ca sĩ miền đất củ sâm, nhưng cuộc đột nhập thứ hai của cô vào thị trường âm nhạc đang được chú ý của châu Á này trong năm 2008 vẫn là một ẩn số. Trước khi lên đường thực hiện album Thời gian và tôi, ca sĩ Mỹ Tâm nói: “Trang thiết bị phòng thu của họ hiện đại hơn ta rất nhiều lần. Tôi nghĩ, nếu kỹ thuật tốt hơn thì giọng hát của tôi cũng rõ ràng và tình cảm hơn!”. Liệu tính chuyên nghiệp của nhà sản xuất băng đĩa nổi tiếng của Hàn Quốc Cho Sung Jin có giúp ca sĩ Mỹ Tâm vinh danh Thời gian và tôi hay không, thật là dự đoán phập phồng. Tất nhiên, hy vọng bao giờ cũng đỡ mỏi mệt hơn thất vọng. Nhạc Việt thời hội nhập rất cần sự động viên từ nhiều phía, cả giới truyền thông và công chúng trong nước! Hãy vỗ tay động viên!
TUY HÒA