“Nếu nhìn nhận cuộc đời qua những cảnh quay đặc tả, thấy cuộc sống là một bi kịch, nhưng nếu nhìn nó qua những cảnh quay cự ly xa, lại thấy cuộc sống là những vở hài kịch... Nếu soi xét cuộc đời qua kính hiển vi, quả thật khiến chúng ta rùng mình sợ hãi, vì vậy chúng ta cần có những câu chuyện hài hước, nó sẽ trở thành món ăn tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt lên phía trước...” - Đó là điều mà Vua hề Charles Chaplin luôn tâm niệm.
Gương mặt hề vẫn đượm vẻ buồn
Nhắc đến Charles Chaplin, công chúng yêu thích “nghệ thuật thứ bảy” nhớ ngay đến hình ảnh một kẻ lang thang, vóc dáng nhỏ nhắn, cây gậy trên tay, chiếc mũ chóp bé xíu úp hờ trên đầu, chùm ria mép gọn ghẽ dưới mũi, chiếc áo khoác ngộ nghĩnh vừa dài vừa rộng, chiếc quần không khác gì một chiếc bao tải, chân đi hai chiếc giày to tướng, “lạch bạch” như con vịt trên sân khấu... vừa đáng yêu, vừa buồn cười.
Ông vừa là diễn viên hài đại tài, vừa là nhà sáng tác kịch bản và đạo diễn của ngót một trăm bộ phim hài. Điều đặc biệt ở chỗ, trong hầu hết các phim đó, Charles đều đóng vai phụ, nhưng vai phụ của ông lại làm lu mờ các vai chính, khiến cho khán giả xem xong chỉ còn nhớ đến Charles.
Cho đến nay, chưa có một ai có khả năng làm cho đông đảo khán giả say mê, thán phục đến như thế. Charles chỉ được học một cách chính quy vẻn vẹn có hai năm ở bậc tiểu học, còn lại là học ở cuộc đời.
Hình ảnh anh hề Charles là sự tái hiện những năm tháng anh sống trong sự bần hàn, đói khát. Cất tiếng khóc chào đời chưa được bao lâu thì Chaplin đã mất bố - một ông bố nát rượu và nhu nhược. Mẹ của Chaplin là một diễn viên hài kịch chẳng mấy tài năng, nhưng vẫn phải cố diễn để đắp đổi qua ngày và nuôi con khôn lớn. Cũng vì túng bấn nên bà mẹ chẳng thể cho Chaplin đến trường, mà thường phải mang theo cậu bé đến sàn diễn. Chaplin cứ tha thẩn chơi bên cánh gà xem mẹ diễn và cái nghiệp “cầm ca” đã vận vào cậu bé tự khi nào chẳng biết. Có một lần, bà mẹ đang diễn thì mất giọng và sau đó ngất xỉu. Ông chủ nhà hát đánh liều đem Chaplin ra diễn thế.
Không hiểu vì cám cảnh cho số phận của bà mẹ, hay vì tán thưởng một mầm non nghệ thuật mới nhú mà khán giả đã tán thưởng cậu bé một cách cuồng nhiệt. Khi người mẹ bị mất giọng hẳn, hai mẹ con phải vào nhà tế bần, sau đó người mẹ bị đưa vào nhà thương điên, còn Chaplin được đưa đến một trại trẻ mồ côi ở ngoại ô
Lên 7 tuổi, Charles Chaplin rời trại trẻ mồ côi, sống lang thang trên đường phố kiếm sống, đã từng đi bán báo, phục vụ ở các hiệu tạp hóa, bán đồ chơi, giúp việc cho thầy thuốc, quét nhà trong các nhà hàng giải trí. Và như một sự sắp đặt của số phận, một tối nọ, Charles đang quét nhà tại một cửa hàng giải trí thì ông chủ cửa hàng hoảng hốt chạy đến cầu cứu cậu diễn thế cho một diễn viên hài chủ chốt bị ốm đột xuất. Charles vui vẻ nhận lời và mặc luôn bộ trang phục của người diễn viên bị ốm. Người diễn viên này có thân hình to lớn, nên khi “bơi” trong trang phục của ông ta, Charles trông hết sức buồn cười. Cậu vừa bước ra sân khấu, chưa kịp “diễn” gì cả, cả rạp hát liền cười nghiêng ngả. Cứ thế, Charles diễn mấy đêm liền, mà đêm nào rạp cũng chật ních người. Có ai ngờ được rằng, bộ quần áo to quá khổ mà Charles mặc để đóng thế trong tối hôm ấy đã trở thành bộ trang phục “thương hiệu” suốt đời của Charles Chaplin.
Dần dà, Charles đã gây được ấn tượng nhất định trong lòng công chúng và được giới kinh doanh nghệ thuật để ý. Nhờ sự tiến cử của chủ đoàn kịch hài London, Charles chính thức trở thành diễn viên của đoàn hài kịch Karno.
Năm 17 tuổi, Chaplin bắt đầu đi lưu diễn ở Mỹ và ngay lập tức tên tuổi ông nổi như cồn, rồi lọt vào “mắt xanh” của Công ty Điện ảnh khôi hài Mỹ và được mời đóng ba bộ phim liền. Năm 1914, Chaplin quay bộ phim đầu tay mang nhan đề “Kiếm sống” và trong năm tiếp theo quay liên tục 35 bộ phim nữa.
Mặc dù chỉ được học 2 năm ở trường tiểu học, nhưng do chịu khó tự học, đọc nhiều tác phẩm văn học, triết học, nghệ thuật, Charles đã tự học nghề sáng tác và đạo diễn, trong đó ông đã để lại khá nhiều bộ phim nổi tiếng như: “Tìm con gặp tiên”, “Ký sự đãi vàng”, “Ánh sáng đô thành”, “Mốt thời đại”, “Đời sống sân khấu”, “Ông vua ở New York”, “Nhà độc tài”...
Bộ phim “Nhà độc tài” được Chaplin làm vào thời điểm cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp bùng nổ. Ý tưởng làm bộ phim xuất phát từ việc Hitler cấm chiếu tại Đức những bộ phim có Charles đóng, với lý do Charles có khuôn mặt và điệu bộ trông giống hệt ông ta.
Thêm vào đó, Charles và Hitler lại sinh cùng năm (1889), cùng tháng, chỉ hơn kém nhau 4 ngày. Sau này một số nhà sử học định giá về hai nhân vật này như sau: một người mang lại niềm vui và tiếng cười cho hàng trăm triệu người, còn người kia (Hitler) lại đem đau khổ và tai họa cho hàng trăm triệu người khác.
Charles làm bộ phim này để châm biếm tên trùm phát xít Hitler. Chaplin bắt chước cử chỉ, động tác của Hitler thông qua những thước phim tư liệu về kẻ độc tài. Trong bộ phim này, Charles đóng cả 2 vai Hitler và vai ông thợ cắt tóc người Do Thái. Charles đã phải mất hai năm để hoàn thành bộ phim này, tiêu tốn 2 triệu USD. Bộ phim quay xong thì Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Một số phần tử phát xít viết thư đe dọa Charles. Trong 15 tuần liền, bất cứ rạp nào chiếu “Nhà độc tài” cũng bị ném lựu đạn hoặc bắn thủng màn hình, xong người đến xem “như điên loạn”. Khi đem trình chiếu ở nước Anh - quê hương của Chaplin, bộ phim đã đạt kỷ lục vượt trội về lượng vé bán ra.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Charles hầu như toàn đóng vai phụ, nhưng các nhân vật đó đều được ông khắc họa hết sức công phu. Đó là những nhân vật bị xã hội vùi dập, nhưng không bị ngã gục, cuối cùng đều chiến thắng số phận, tiến lên phía trước đón nhận những thách thức mới. Những nhân vật đó đều xuất thân từ tầng lớp lao động bình thường và ít nhiều mang yếu tố hài hước, pha lẫn sắc thái cao bồi lang thang đầu đường xó chợ, đôi khi nhuốm màu sắc triết lý.
Vua hề Charles Chaplin
Thông qua những nhân vật này, Charles muốn vạch trần, lên án mạnh mẽ sự xấu xa, thối nát của xã hội tư bản. Đằng sau sự châm biếm những thói tiêu cực, Chaplin thể hiện lòng nhân ái cao cả đối với con người. Diễn xuất của Chaplin bao gồm cả hai yếu tố là hài hước và nghiêm túc, làm cho những bộ phim của “Vua hề” không sa vào hiện tượng thông tục rẻ tiền, mà đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.
Chaplin luôn đi sâu nghiên cứu tìm tòi kết cấu các vở hài kịch để cù khán giả. Ông trau chuốt về thủ pháp để tính hài xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ phim. Ông luôn tâm niệm, muốn giành được thành tích vượt trội thì một nhà hoạt động nghệ thuật phải có gan phá bỏ những khuôn mẫu cũ kỹ lỗi thời để tiến hành sáng tạo một cách tự do, phóng khoáng...
Nhìn diện mạo, Chaplin không hề điển trai, song tài năng đã khiến “Vua hề thế giới” trở thành nỗi ước ao của biết bao nữ diễn viên trẻ đẹp. Bên Chaplin luôn rất đông các bà các cô quý phái. Vốn là người lãng mạn, lại là người nổi tiếng, chuyện tình cảm của Chaplin rất rắc rối và phức tạp.
Ông thường bị “vướng” vào những sợi dây tình cảm do các diễn viên xinh đẹp “giăng” ra. Chaplin đã nhiều lần kết hôn, lại còn gắn bó không chính thức với độ vài chục cô gái khác. Các tài liệu viết về Chaplin tiết lộ, từ khi trai trẻ đến cuối đời, Chaplin đã “mắc” phải 20 cạm bẫy tình ái, đa phần liên quan đến các minh tinh màn bạc trẻ đẹp.
Năm 29 tuổi, Chaplin vướng phải tình yêu sét đánh và nhanh chóng kết duyên với cô Mildred Harris 16 tuổi. Cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại trong 2 năm và đã gây không ít tai tiếng cho Chaplin.
Sau khi ly dị với người vợ đầu được 4 năm, Chaplin lại cưới cô Lorita Mackmory là diễn viên, cũng 16 tuổi. Cô này sinh cho Chaplin 2 cậu con trai nhưng sau đó cũng lại ly hôn với Chaplin.
Vụ ly hôn lần này khiến tiếng tăm của Chaplin bị sa sút, một số câu lạc bộ phụ nữ đã lên tiếng phản đối và kết quả là phim của Chaplin bị cấm chiếu ở một vài bang của Mỹ trong một thời gian.
Người vợ thứ ba là một diễn viên ca múa tên là Browren Gaude, 21 tuổi. Chaplin ở với Gaude được 6 năm rồi chia tay. Năm 1941, Chaplin lại làm quen với Joan Berry - một diễn viên trẻ đẹp và cùng cô cho ra đời một bé gái xinh xắn. Berrty kiện Chaplin là cha của bé gái.
Phán quyết của tòa án buộc Chaplin phải nuôi dưỡng đứa trẻ này. Lại một lần nữa phim của Chaplin bị tẩy chay trong một thời gian. Năm 54 tuổi Chaplin lại kết hôn với Ona Oneill. Cuộc hôn nhân này bị bố của cô gái phản đối kịch liệt. Song đây là cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc nhất. Hai người đã có với nhau 8 người con.
Theo ANTG