Không phải chờ đến phim Thái tổ Lý Công Uẩn, điện ảnh Việt
Không có trường quay, các đạo diễn đau đầu mỗi khi chọn bối cảnh (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) |
VÁC MÁY CHẠY RÔNG TÌM BỐI CẢNH
Nhiều người trong đoàn làm phim Hà Nội mùa đông năm 46 của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn nhớ, để có những cảnh quay ở Bắc Bộ phủ, đạo diễn phải chọn mãi mới tìm được một phòng ở Bệnh viện K, một trong những bệnh viện đông nhất Hà Nội. Và cảnh vài chục người với máy móc lỉnh kỉnh “quần đảo” một phòng bệnh viện quả là không dễ chịu chút nào. Đạo diễn Đào Duy Phúc kể lại, khi làm phim Sau những mùa trăng, để thực hiện một cảnh cuốc nương làm rẫy, cả đoàn làm phim đã mất cả ngày lội suối, leo đồi, núi vác máy móc đi đến tận nơi, nhưng chưa kịp quay thì đã phải leo xuống vì mưa lớn. Để làm phim, chẳng còn cách nào khác, các đạo diễn phải ngược xuôi tự tìm bối cảnh cho phim của mình mà phần lớn là về các làng quê ven Hà Nội hoặc Hà Tây. Đạo diễn Đặng Nhật Minh được coi là người đã phát hiện ra “làng Hollywood” Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội khi ông về đây quay phim Thương nhớ đồng quê, mở đường cho rất nhiều đạo diễn khác thực hiện phim của mình tại đây, trong đó có phim Đất và người của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
“TRƯỜNG QUAY” PHIM TRUYỀN HÌNH: KHU NHÀ TẬP THỂ HỘI PHỤ NỮ
Mỗi năm, chỉ riêng Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã sản xuất khoảng 350 tập phim. Thế nhưng cho đến trước khi bộ phim truyền hình tương tác Nhật ký Vàng Anh được phát sóng (vì có nhà tài trợ), VFC hoàn toàn không có một trường quay đúng nghĩa. Các nghệ sĩ, diễn viên vẫn luôn trong tình trạng ăn xổi ở thì “tranh diễn viên, cướp bối cảnh”, và cũng từ sự thiếu thốn ấy, rất nhiều “làng Hollywood” đã mọc lên như cách nói vui của các nhà làm phim. Nằm ngay trên phố Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội, khu tập thể Hội Phụ nữ mấy năm trước từng là trường quay dễ đến hơn 100 bộ phim truyền hình. Khu nhà này là điển hình cho dạng khu tập thể thời bao cấp: nhà cấp 4, mái ngói, trước mặt có hàng cây còi cọc và một lối đi lát gạch, có bể nước, khu vệ sinh chung để các gia đình ra rửa rau, vo gạo, tắm táp... rất phù hợp với các bối cảnh thời chiến tranh, bao cấp, cuộc sống tập thể. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Giám đốc VFC, cho biết phần lớn bối cảnh được chọn trong phim mà VFC sản xuất đều là nhà dân và công sở sẵn có. Mà đã đi mượn thì tất nhiên phải lép vế, không được đòi hỏi, chỉ đạo, cấm người ta đứng xem hay gây phiền nhiễu. Đó là chưa kể đến nhiều gia đình điên tiết vì nhà cửa xáo trộn đã mời khéo đoàn làm phim ra khỏi nhà. Khi làm phim Xin hãy tin em, chính Đỗ Thanh Hải cùng đoàn làm phim đã phải thực hiện những cảnh quay trong toilet của Trường ĐH Sư phạm nồng nặc mùi hôi.
TRƯỜNG QUAY QUỐC GIA: CÒN LÀ Ý TƯỞNG
Năm 2001, dự án xây dựng trường quay Cổ Loa được xới lại khi bản quy hoạch phát triển ngành điện ảnh đến năm 2010 được trình Chính phủ, trong đó trường quay Cổ Loa được đầu tư thành trường quay quốc gia với vốn đầu tư giai đoạn đầu là 75 tỉ đồng. Thế nhưng, ngay cả khi đã trình Chính phủ thì việc xây dựng một trường quay đúng nghĩa cho điện ảnh Việt vẫn còn nhiều bàn cãi. Đạo diễn Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh, từng tới khu Đồng Mô, Hà Tây để chọn địa điểm và cho rằng, đây là nơi rất thích hợp cho việc xây dựng phim trường. Ông cũng từng có ý định xây dựng đề án đề nghị Bộ Văn hóa thông tin (cũ) cho phép xây dựng một trường quay cả nội, ngoại cảnh. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là ý tưởng của ông cục trưởng. Trong khi đó, ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, lại cho biết nhiều hội viên của hội mong muốn xây trường quay ở Nha Trang vì nơi đó được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, cái vướng lại là quỹ đất. Và bàn đi tính lại, Cổ Loa lại là sự lựa chọn số một vì đây là đất của ngành điện ảnh, lại nằm không xa trung tâm. Nhất là khi vấn đề trường quay đã trở nên quá cấp thiết cho việc thực hiện 2 bộ phim lịch sử về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, Cổ Loa cũng chỉ là một trường quay nội, còn ngoại cảnh, lại phải tính sau. Hiện ngành công an cũng đang tính phương án xây dựng một trường quay nội cảnh có diện tích 550 m2 nằm trên đường Lê Đức Thọ với kinh phí đầu tư khoảng 90 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ nằm trong dự kiến.
Phải đến phim Những người độc thân vui vẻ, phía Bắc mới có một phim làm trong phim trường đúng nghĩa. Trong buổi họp báo ra mắt phim Những người độc thân vui vẻ, cả đạo diễn Khải Hưng lẫn đạo diễn Đỗ Thanh Hải cùng hoan hỉ thông báo lần đầu tiên một bộ phim được quay với phim trường tử tế rộng tới... 500 m2. Lần đầu tiên, các diễn viên được làm việc một cách thoải mái, không lo vừa đứng giữa đường mếu máo khóc lóc hay yêu đương vừa phải trông chừng những cặp mắt tò mò. Còn các đạo diễn thì sung sướng phát điên vì không lo phim đổ nửa chừng do mất dấu bối cảnh. Và hình như đó cũng là lần đầu nền truyền hình “chạy rông” bấy lâu có một nơi trú ngụ vững chãi cho bộ phim dài tập của mình.
YẾN ANH - (NLĐ)