Thứ Tư, 02/10/2024 02:32 SA
Người Việt có mê đọc sách?
Chủ Nhật, 23/03/2008 14:00 CH

Nhân Hội sách TPHCM 2008, một cuộc hội thảo đã được tổ chức với chủ đề “Người Việt có mê đọc sách?”. Nhiều vấn đề thú vị đã được khơi dậy, và nhiều đề xuất giải pháp chấn hưng văn hóa đọc ở nước ta cũng đã được mạnh dạn nêu ra. 

 

080322-Doc-sach.jpg

Chương trình giao lưu ngôi sao làm “đại sứ” cho sách. - Ảnh: L.T.N

 

Trong đề dẫn, nhà văn Nguyên Ngọc nêu ra một câu hỏi lớn: “Làm thế nào chúng ta có được một xã hội đọc như xã hội Nhật, nơi một cuốn sách khó như Bàn về tự do của John Stuart Mill cách đây gần ba thế kỷ đã được dịch và in đến 2 triệu bản khi dân số Nhật chỉ có 36 triệu? Làm thế nào chúng ta có được một xã hội đọc như xã hội Pháp, riêng năm 2006 người ta đã mua đến 494 triệu cuốn sách, nghĩa là trung bình mỗi người dân mua 8 cuốn sách? Làm thế nào đến một lúc nào đó ra đường ta có thể thấy nhiều người trên các phương tiện giao thông công cộng hay trên các ghế đá công viên hoặc ở quán cà phê… cầm sách say sưa đọc?”

 

Để lý giải tình trạng người Việt hiện nay ít đọc sách, tiến sĩ Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) dẫn chứng vài con số thống kê đáng e ngại: “Rõ ràng, người Việt không chỉ là nhóm 5-7% dân số bao gồm tri thức chăm đọc sách và một số công chức văn phòng thích đọc báo và lên mạng. Số người Việt cơ bản là 70% nông dân, có trình độ tiểu nông, manh mún. Câu hỏi: người nông dân Việt Nam hiện nay đọc cái gì, để làm gì và đọc như thế nào, là câu hỏi không khó trả lời. Đa số họ biết chữ nhưng rất ít đọc. Thiếu cái để đọc và thiếu động cơ để đọc!”. Còn nhà phê bình Vương Trí Nhàn lại nhìn ở một góc độ khác, thông qua một câu chuyện: “Hồi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi còn sống, ông hay nói với tôi về công chúng của sân khấu. Là con trai và cũng là người kế nghiệp Thế Lữ, ông Nguyễn Đình Nghi khá thạo sân khấu trước 1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Ông bảo, qua sự sa sút của công chúng thời nay, càng thấy công chúng thời trước rất nghiêm chỉnh. Họ đến với sân khấu thiêng liêng như đến với nhà thờ. Và Nguyễn Đình Nghi cắt nghĩa, sở dĩ có điều ấy vì hồi đó có một lớp công chúng chọn lọc là tri thức xuất thân từ các trường Pháp – Việt, họ tạo nên những chuẩn mực trong thưởng thức và lôi cuốn mọi người. Tình hình đọc sách gần đây cũng có nhiều nét tương tự bên sân khấu, nên cách giải thích sự sa sút là gần nhau, từ đó cách tổ chức lại công chúng cũng không thể khác. Phải trở lại với cái đúng, cái tốt đã có trong quá khứ!”

 

Cần giải pháp gì để chấn hưng văn hóa đọc? Giáo sư Trần Hữu Tá khẳng định: “Tôi nghĩ đến vai trò của các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo – những cố vấn đầy uy tín đối với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi. Một buổi chiều chủ nhật đưa trẻ đi nhà sách và dành món tiền nhỏ trong khoản lương khiêm tốn của cha mẹ để mua sách cho con, rồi rảnh rỗi thì trò chuyện với con về cái hay, cái lý thú của cuốn sách mới mua… không thể coi thường những việc tưởng như vặt vãnh ấy. Thói quen, niềm vui đọc sách tốt nhất là được nhen nhóm và hình thành ngay từ thuở ấu thơ”. Ngược lại, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho rằng: “Với thu nhập của đại bộ phận người dân trong cả nước, thì sách vẫn được coi là mặt hàng cao cấp. Muốn tạo thói quen mọi người mê đọc sách đòi hỏi phải có một cuộc vận động lớn, chẳng hạn phát động một ngày toàn dân đọc sách. Hiện nay toàn cầu đã có ngày 23/4 là Ngày thế giới đọc sách, thế thì Việt Nam tại sao không có Ngày người Việt đọc sách?”

 

Trước thực trạng lượng sách được in ấn hàng năm vẫn chủ yếu nằm ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM, thì chưa thể nào trả lời dứt khoát câu hỏi: Người Việt có mê đọc sách không? Tuy nhiên, kích cầu văn hóa đọc phải được nghĩ đến ngay hôm nay, như ưu tư của tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Xây dựng văn hóa đọc, khuấy động và kích thích sự ham đọc là việc hệ trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Nó không chỉ phụ thuộc vào người đọc, nó còn phụ thuộc vào cách ứng xử của các nhà chức trách, vào những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học, vào các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực phát hành sách. Quyền đọc là một quyền cơ bản của người dân, họ phải giành lấy quyền đó để học, để phát triển bản thân, làm giàu cho chính mình và làm mạnh cho dân tộc!” 

 

 

TÂM HUYỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nữ họa sĩ Việt chinh phục công chúng Tây
Chủ Nhật, 23/03/2008 07:00 SA
Trả hận
Thứ Bảy, 22/03/2008 14:22 CH
Viên ngọc đen của Hollywood
Thứ Bảy, 22/03/2008 07:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek