Thứ Sáu, 29/11/2024 19:50 CH
Sitcom Việt hóa - tiếng cười... nhạt
Thứ Năm, 28/02/2008 14:29 CH

Việt hóa nhưng chưa thật thuần Việt cũng là điểm chính khiến các phim truyền hình sitcom VN hóa không được công chúng hồ hởi đón nhận như các phim do người VN viết.

 

Đầu năm nay, không hẹn mà gặp, cùng “xông đất” giờ vàng mới dành cho phim Việt trên VTV3 là hai bộ phim truyền hình dài tập kiểu sitcom (situation comedy-hài tình huống): Cô gái xấu xíNhững người độc thân vui vẻ. Tính từ khi Lẵng hoa tình yêu - phim truyền hình sitcom đầu tiên - xuất hiện, khán giả VN đã được làm quen với thể loại này 4 năm, tuy nhiên cho đến nay những tác phẩm sitcom phiên bản Việt hầu như không tạo được sức hút như chính nơi nó xuất xứ.

 

080228-Co-gai-xau-xi.jpg

NSƯT Ngọc Hiệp trong vai cô gái xấu xí

 

THIẾU HỒN VIỆT

 

Bản gốc của Lẵng hoa tình yêu tại đất nước Hàn Quốc, còn Nguyệt quán được tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thể từ kịch bản Nhà hàng Ý của Ý, chị cũng là người “Việt hóa” tác phẩm Người mẹ nhí của Tây Ban Nha. Cô gái xấu xí mua bản quyền từ Colombia, còn phiên bản gốc của Những người độc thân vui vẻ có xuất xứ từ Trung Quốc. Hầu hết các phim này đều rất ăn khách tại bản xứ và những nơi nó đi qua. Điển hình như Cô gái xấu xí (tựa gốc Betty la Fea- Betty xấu xí) thành công vang dội tại Colombia khiến cho nhiều hãng phim truyền hình danh tiếng của Mỹ, Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Brazil, Cộng hòa Czech, Trung Quốc, Malaysia, Anh, Hồng Kông, Úc... phải mua lại bản quyền phát sóng và bản quyền sản xuất. Độ ăn khách của phim còn “hot” đến nỗi một bộ phim hoạt hình cùng tên đã được sản xuất để chiều lòng khán giả hâm mộ.

 

Tuy nhiên tại VN, Cô gái xấu xí có vẻ chưa đủ sức tạo nên cơn sốt nơi người xem khi phát sóng. Được dàn dựng theo kiểu sitcom (hài tình huống, nghĩa là mỗi tập đặt ra một tình huống, giải quyết ngay trong tập đó để người xem nếu bỏ sót một tập vẫn có thể dễ dàng theo dõi), nhưng ở 3 tập đầu của Cô gái xấu xí, người xem chưa thấy có tình huống gì để giải quyết, còn chi tiết gây cười thỉnh thoảng vẫn có nhưng hơi nhạt. Từng thực hiện hai sitcom Nguyệt quánNgười mẹ nhí nên đạo diễn Nguyễn Minh Chung khá có kinh nghiệm trong việc chọc cười khán giả, nhưng đôi lúc những sáng tạo “Việt hóa” khá độc đáo của anh (chẳng hạn một gia đình có cha, mẹ, con mỗi người nói giọng một miền) lại gây khó chịu cho người xem. Nhưng dù sao phim chỉ mới phát sóng vài tập đầu.

 

Việt hóa nhưng chưa thật thuần Việt cũng là điểm chính khiến các phim truyền hình sitcom VN không được công chúng hồ hởi đón nhận như các phim do người VN viết kịch bản. Xem Nguyệt quán mà tưởng như đang xem phim Tàu bởi những cái tên nhân vật thật khó nhớ, như: Ngự Nguyệt, Lục Duy, A Ngầu, Mạnh Cung. Với Người mẹ nhí, dẫu biết câu chuyện mang màu sắc thần thoại mà trong đó nhân vật chính là một bà mẹ già ẩn trong thân xác của một đứa trẻ lên 10 nhưng người xem khó mà chấp nhận khi thấy cô bé Uyển Lan ăn nói với người lớn bằng giọng điệu đanh đá, xấc láo. Trên các diễn đàn phim ảnh, ý kiến bình luận về các phim VN luôn đông hơn so với các phim truyền hình sitcom VN, những phim như Thám tử tư, Kiều nữ và đại gia, Tình yêu còn lại... đang phát sóng vẫn được người xem chú ý nhiều hơn Cô gái xấu xí hay Những người độc thân vui vẻ.

 

ĐUA NHAU NHẬP

 

Một trong những lý do nữa khiến “ngọn gió” sitcom VN không cuốn được người xem là chất kịch lấn át. Chất kịch xuất phát từ diễn xuất cường điệu của diễn viên. Do yêu cầu thu tiếng trực tiếp nên phần lớn diễn viên được huy động từ nguồn sân khấu-những người vốn quen với kiểu diễn xuất hơi phô. Ngoài ra, sự đơn điệu trong bối cảnh (chủ yếu là nội cảnh) cũng làm giảm đi chất điện ảnh khiến khán giả xem phim mà tưởng như đang xem kịch tại nhà. Ở Lẵng hoa tình yêu hay Người mẹ nhí, việc để tiếng cười nền vang lên trong những tình huống gây cười càng tạo cho người xem cảm giác như đang xem một vở kịch hài trên truyền hình.

 

Mặc dù sitcom VN chưa gặt hái thành công như thể loại này đã làm được ở các nước nhưng các hãng phim VN vẫn không chùn tay mua bản quyền chuyển thể các tác phẩm sitcom nổi tiếng của nước bạn, mặc dù chi phí không hề rẻ. Mở hàng cho năm 2008, Công ty Cát Tiên Sa đang tất bật chuẩn bị bấm máy 52 tập phim sitcom Những chàng trai những cô gái, mua bản quyền của Malaysia. Ngoài ra, hãng Vifa cũng có 500 tập phim Vườn ảo thuật (bản quyền từ Hàn Quốc). Mặc dù không đơn vị nào chính thức công bố tiền mua nhưng với những bộ phim cực kỳ ăn khách như Cô gái xấu xí, số tiền phải trả cho mỗi tập không dưới 1.000 USD, đó là chưa kể tiền thuê người chuyển ngữ và Việt hóa kịch bản gốc. Phim có ngôn ngữ càng hiếm người thông thạo như tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha thì chi phí dịch càng cao. Biết là tốn kém nhưng bù lại các tác phẩm sitcom sẽ giúp giải quyết nhu cầu khan hiếm nguồn kịch bản hay và lấp đầy thời lượng phát sóng (vì nhiều sitcom kéo dài cả trăm tập). Việc mua bản quyền chuyển thể tác phẩm nước ngoài trong điều kiện VN chưa có là chuyện bình thường nhưng nếu bỏ tiền đua nhau đi nhập sitcom theo kiểu ăn sẵn thành quả của người khác thì sẽ không bao giờ có được những bộ phim sitcom bản quyền VN và sẽ càng làm thui chột sức sáng tạo của đội ngũ sáng tác trong nước.                         

 (NLĐ)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek