Thứ Tư, 02/10/2024 15:16 CH
Vĩnh biệt nhà khoa học xuất sắc, thích vẽ tranh và làm thơ
Thứ Năm, 28/02/2008 08:29 SA

Sáng qua, như bao buổi sáng trong tuần, tôi tranh thủ lướt web trước khi bắt tay vào công việc, và sững sờ khi đọc một dòng tít trên Vietnamnet: Giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng qua đời!

 

Tôi vội nhắn tin cho một giáo sư ở UIA (Liên hiệp Khoa học - Công nghệ Tin học ứng dụng, tổ chức trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), để xác nhận nguồn tin trên. Vị giáo sư này bảo ông ấy chuẩn bị đến viếng nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam trên lĩnh vực nông nghiệp.

 

080228--hoang.jpg
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm DSTT VN

 

Nơi đây, cách Hà Nội hơn một ngàn cây số, tôi không thể đến viếng nhà khoa học mà mình kính trọng. Và, trong buổi sáng không còn bình thường như bao buổi sáng, tôi hình dung gương mặt hiền từ của ông, vóc dáng gầy gò mảnh khảnh của ông, lối nói chuyện từ tốn, gần gũi của ông trong một cuộc gặp gần sáu năm trước.

 

Khi ấy, giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng vào Phú Yên để dự một hội thảo hay hội nghị do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (gọi tắt là Liên hiệp hội) tỉnh tổ chức. Khi ấy, CLB Dưỡng sinh tâm thể Phú Yên đã là một thành viên của Liên hiệp hội. Phương pháp luyện tập nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật mà không dùng thuốc này đã được UIA đứng ra bảo trợ từ năm 1995. Cũng trong năm đó, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể ra đời tại Hà Nội. Thế nhưng đến thời điểm 2002, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, kể cảù Phú Yên, vẫn có không ít ý kiến cho rằng DSTT là một kiểu mê tín dị đoan, là tà đạo. Vì vậy, được tin giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng vào Phú Yên, tôi quyết gặp và phỏng vấn ông về vấn đề này.

 

Khi tôi nói với ông là có những ý kiến cho rằng DSTT là mê tín dị đoan, vì kết quả thì có đấy, nhưng ngay cả hướng dẫn viên của phương pháp này cũng khó có thể giải thích một cách cặn kẽ vì sao lại đạt được kết quả như vậy, giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng nói: “Vấn đề tâm linh và khá nhiều vấn đề khác, như ngoại cảm, là những hiện tượng có thật. Chúng tôi có cho anh em nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học. Hiện nay những vấn đề này còn rất khó giải thích, nhưng không phải vì khó giải thích mà ta cho đó là mê tín, trừ phi người ta sử dụng những vấn đề tâm linh để làm những việc trái với phong tục tập quán, trái với lễ nghi của dân tộc. Tôi cho rằng trước những vấn đề đó, chúng ta nên có thái độ khách quan và cũng không nên đả phá người ta. Nếu vấn đề đó phù hợp với yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho con người thì chúng ta nên tôn trọng”.

 

Cũng trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi đó, tôi và hai người nữa được giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng ký họa chân dung. Ông vẽ rất nhanh, loáng cái đã xong, và trông khá giống. Tôi đã đem bức ký họa chân dung của mình đi ép plastic và giữ gìn rất cẩn thận, vì dưới bức ký họa, dưới dãy số 10.10.2002 còn có cả chữ ký của giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng.

 

080228-gap-em.jpgSau này tôi mới biết, nhà khoa học này vẽ mọi lúc mọi nơi, đến nỗi ông không nhớ mình đã ký họa chân dung cho bao nhiêu người, từ những người quen thân cho đến những người xa lạ (như tôi chẳng hạn). Ông vẽ rồi tặng chủ nhân, còn mình giữ lại bản photo. Ngoài ký họa, ông vẽ tranh bằng bột nước, bột màu… Ông còn dự định tổ chức triển lãm tranh.

 

Cuối năm 2006, đang tất bật làm báo, chúng tôi nhận được một bài thơ mà tác giả là… giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng. Và, đi kèm với bài thơ là bức ký họa chân dung thiếu nữ, có cả chữ ký của ông. Chúng tôi đăng bài thơ ấy trong đặc san Xuân 2007 và nói với nhau: Nhà khoa học này tài hoa thật!

 

Vậy mà con người xuất sắc và tài hoa ấy đã rời cõi nhân gian.

 

Giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng không còn. Nhưng tôi tin chắc rằng ở một đất nước mà khoảng 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, rất nhiều người sẽ còn nhớ và nhắc đến ông.

 

Những người đang luyện tập DSTT ở các trung tâm, các CLB trên khắp cả nước sẽ còn nhớ và nhắc đến ông, một nhà khoa học đã lên tiếng ủng hộ phương pháp của họ. 

 

Còn tôi tiếp tục giữ gìn cẩn thận bức ký họa chân dung của mình, như một kỷ niệm khó quên về lần phỏng vấn một nhà khoa học nổi tiếng nhưng cũng rất giản dị, gần gũi.

 

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2/12/1938, quê Hà Nội, con trai của nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan, em trai của nhà văn, họa sĩ Vũ Giáng Hương

 

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng là Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Chính phủ, là đại biểu Quốc hội các khóa VIII, XI và XII hiện nay… 

 

Là giáo sư, tiến sĩ  khoa học nông nghiệp xuất sắc của Việt Nam và thế giới, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đã được trao các giải thưởng lớn như  Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng hai, Giải thưởng Lúa Thế giới, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật (năm 2000). 

 

Ông qua đời hồi 21 giờ ngày 26/2/2008 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).

 

LÂM VY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek