Đã thành truyền thống, đêm nay, rằm tháng Giêng Mậu Tý, dưới chân tháp Nhạn (TP Tuy Hòa), đông đảo bạn yêu thơ trong và ngoài tỉnh sẽ lại gặp nhau dưới ánh trăng huyền ảo để lắng nghe, thưởng thức những câu thơ chan chứa niềm tin yêu cuộc đời, con người…
Một đêm thơ Nguyên Tiêu trên núi Nhạn - Ảnh: LÊ MINH
Trong 297 thi phẩm gởi về Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên tham dự Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 28, qua quá trình thẩm định, Ban tổ chức đã tuyển chọn 64 bài, in thành tập Thơ Nguyên tiêu 2008 trình bày rất ấn tượng. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, thành viên Ban tuyển chọn, cho biết: Nét mới của thơ Nguyên tiêu năm nay là số lượng tác phẩm gởi về tham gia rất đông, chất lượng cũng được các tác giả chăm chút hơn. Không chỉ những người viết trong tỉnh mà nhiều cây bút ở Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, thậm chí ở tận Texas (Mỹ)… cũng gởi về các sáng tác tâm đắc của mình. Điều này chứng tỏ Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã có sức sống bền bỉ với bề dày hơn một phần tư thế kỷ, thực sự là một sinh hoạt văn hóa mang tính đại chúng và có tiếng vang.
Đến với Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 28, ta sẽ bắt gặp, bên cái hào sảng quen thuộc như máu thịt của tuyệt tác thơ thần Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) - được ví như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc; nét ung dung mang cốt cách nhà hiền triết phương Đông của lãnh tụ - thi nhân Hồ Chí Minh trong Nguyên tiêu, là những rung động, cảm xúc của các tác giả trước mùa xuân, tình yêu cuộc sống. Trong Gặp em ngày xuân, lão nông viết văn xuôi Ngô Phan Lưu như thấy mình trẻ lại tuổi đôi mươi bởi vì:
Em đẹp mùa xuân cũng đẹp
Anh nhủ mình phải yêu lần hai!
Còn nghệ sĩ sân khấu đã ngoại lục tuần Phạm Ngọc Sơn, vào một sáng đầu xuân chợt thức dậy, đã Ngỡ rất dễ thương:
Ơ hay! Lên “cụ” rồi ư?
Vậy mà cứ ngỡ còn như thuở nào
Ngỡ mình trai trẻ, phổng phao…
Và ông khẳng định:
“Cụ” rồi, đâu hết ước mơ
Cũng khát khao, cũng đợi chờ và…yêu!
Ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nhà giáo Nguyễn Thị Hồng góp mặt đêm thơ với thi phẩm Xuân phai, trong đó có những câu chữ đầy tâm trạng khi nhớ về những tháng ngày đã một đi không trở lại:
Có lẽ nào như gió thổi qua song
Như hiu hắt của chiều sương phố núi
Như gợn nhỏ lăn tăn con sóng cuối
Vui thì vui mà lòng cứ chạnh lòng
Đã thành thông lệ, những đêm thơ Nguyên tiêu mấy xuân gần đây không vắng mặt tác giả Đỗ Như Phước với những bài thơ một vần. Vì năm nay là năm con chuột nên bài Tết Mậu Tý của ông tiếp tục nhấn nhá những nụ cười hóm hỉnh và rất lạc quan:
Đi chúc Tết Mậu Tý
Ra đường phải chú ý
Giữ tốc độ hợp lý
Đừng để xe bẹp dí
Lập biên bản phải ký
…………
Vui cái Ttết Mậu Tý
Chớ có đi bồ nhí
Để vợ cưng vợ quý
Vợ lì xì đầy ví
Lâu lâu cho sờ tí
Ôi! Thật là khoái chí!!!
Tác giả “nhí” nhất gởi bài tham gia Đêm thơ Nguyên tiêu 2008 là Phan Thị Hà Tuyên, học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi (TP Tuy Hòa). Qua cái nhìn trong trẻo của một cô bé vừa tròn 14 tuổi trong Sớm tháng Giêng, mùa xuân hiện ra thật tươi mới, viên mãn:
Mặt trời nở môi son
Như em thơ vừa buông vú mẹ
Hương sữa dịu thơm lan tỏa
Sớm giêng kết hạt xuân đầy
Cách đây hơn 40 năm, trong tuyệt phẩm Nhớ máu viết giữa đêm toàn quốc lao vào cuộc kháng chiến trường kỳ dành lại độc lập tự do cho dân tộc, liệt sĩ - nhà thơ Trần Mai Ninh đã thốt lên đầy phấn khích:
Ơ cái gió Tuy Hòa
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng
Gió đi ngang
Đi dọc
Gió trẻ lại
Lưng chừng
…………
Còn mùa xuân này, tác giả Trần Cao Trí đến từ huyện miền núi Sơn Hòa lại khúc xạ Gió Tuy Hòa theo cảm nhận của một người sống trong thời kỳ quê hương đang tất bật đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Vì thế, giọng điệu nghe phơi phới tuy hơi minh họa giản đơn:
Gió Tuy Hòa ngan ngát mùi hương
Phố Hùng Vương thênh thang thời mở cửa
Vũng Rô xanh tàu thuyền tấp nập
Mang biển khơi đến với cao nguyên
Đêm nay, trên núi Nhạn lộng gió, trời sẽ lạnh hơn. Nhưng tôi tin rằng, những câu thơ Nguyên tiêu dù được ngâm nga trong tiếng sáo, tiếng đàn réo rắt hay đọc mộc sẽ làm ấm lòng những người luôn gắn kết, đồng cảm và sẻ chia tình yêu không mệt mỏi đối với thi ca. Để rồi, chia tay lại hẹn: Đêm này, năm sau, nhớ nhau, cùng về…
BÔNG LAU