Thứ Ba, 08/10/2024 13:39 CH
Bần gie đóm đậu sáng ngời…
Thứ Bảy, 02/02/2019 10:00 SA

Hồi còn ở quê, gia đình tôi sống ở giữa đồng, muốn lên xóm phải đi xuồng, qua mấy khúc kinh. Chỗ ngã tư gần nhà nhất có mấy cây bần mọc gie ra mé kinh, nó trở thành một cột mốc để biết là sắp về đến nhà. Khi đi học về, tôi đứng dưới tán bần mà “hú”, ba mẹ tôi trong nhà cách đó hai trăm mét có thể dễ dàng nghe tiếng, bơi xuồng đi rước.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Chợt nhớ câu ca dao: “Bần gie đóm đậu sáng ngời/ Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên”. Hồi nhỏ, chưa biết chuyện yêu đương nhưng những nhánh bần gie ra kinh, ánh đóm lập lòe vào đêm tối trời thì in đậm trong tâm trí tôi. Chỗ cây bần mọc đó, đất bồi theo những rễ bần nổi lên từ dưới bùn non và chi chít vết còng bò, dấu cá bống sao bò vào buổi nước ròng. Những ngày đi bắt còng, bắt cá ở bãi bồi dưới kinh mùa nước kiệt, tôi chúa ghét lội qua chỗ cây bần bởi rễ chi chít, hang cá đào dưới các lằn rễ, rất khó bắt được cá. Lội không khéo còn giẫm lên rễ bần mới nhú rất đau… Thế nhưng vào mùa bần trổ bông, khoảng tháng sáu đến tháng chín âm lịch, những lúc nước lên, bơi xuồng ngang đó, tôi thích dừng lại một chút để ngắm mấy bông bần mới nở màu tim tím, hồng hồng, nuột nà…, khi nở bung ra thì lộ những cánh hoa dài màu trắng, mang một vẻ đẹp rất dịu dàng. “Cây bần kia hỡi cây bần/ Lá xanh bông trắng lại gần không thơm…”. Bần mà thơm nỗi gì, nhưng vẻ đẹp của nó thì mấy hoa đồng nội nào sánh được.

 

Có buổi tối theo ba bơi xuồng đi đâu đó, nhìn ánh đom đóm lập lòe, tôi nhớ đến những câu chuyện người xưa bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để đọc sách. Giữa đêm tối mịt, cây bần mang thứ ánh sáng kỳ ảo. Thế nhưng có lần, tôi một mình bơi xuồng đi xem phim Tây du ký ở kho lúa thu thuế nông nghiệp của xã, khi ngang cây bần, ánh sáng đó làm tôi sợ đến run người bởi nhớ đến những chuyện kể về ma trơi rồi liên tưởng đến ma da dưới kinh thò tay rút lấy chân tôi…

 

Chỗ mấy cây bần đó, tôi hay ghé hái trái xanh về ăn. Bần chấm muối ớt, bần chấm nước mắm đường - cái món chỉ nghe thôi đã… chảy nước miếng, thực ra đâu phải thức ăn ngon lành gì. Nhưng hồi đó ở quê thiếu thốn, có thêm một món ăn là thêm một bữa cải thiện. Trái bần chẻ làm tư, làm tám hoặc xắt lát, chấm với nước mắm pha đường thiệt keo, giằm thêm chút ớt hiểm, cắn một miếng thì vị chua và chát của bần quyện với vị ngọt của đường, vị mặn của nước mắm và cay nồng của ớt sẽ cho hương vị khó tả. Còn chấm muối ớt thì độ ngon hẳn không bằng vì khó ăn hơn, nhưng cũng là dịp để trải nghiệm một món ăn dân dã của miền sông nước…

 

Món ăn thiệt đáng kể của bần phải là bần ăn với mắm sặc. Bần xanh xắt mỏng, mắm cá sặc lựa con nhỏ, ướp tỏi ớt, đường, bột ngọt. Khi ăn, kẹp miếng bần với miếng mắm, vị mặn đậm của mắm hòa lẫn vị chua và chát rất riêng của bần tạo nên sự kích thích đặc biệt cho dịch vị, khiến ăn cơm không biết no. Dẫu ăn bữa cơm ngoài đồng có món bần kèm mắm sặc giữa không gian khoáng đãng, dưới bóng râm của bụi trâm bầu hay bữa cơm dưới hàng hiên trong chiều tà, xung quanh quyện khói bếp cuối ngày thì đó vẫn là bữa ăn đậm đà hương vị quê hương. Ca dao có câu: “Muốn ăn mắm sặc bần chua/ Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”. Mùa nước nổi cũng là mùa bần oằn trái, lúc lỉu ở những nhánh gie mé kinh…

 

Người ta cũng làm gỏi hoa bần, ăn bần với các loại mắm khác, bần kho cá… Bây giờ còn có món mứt bần, vốn được nhiều người Việt ở nước ngoài về tìm mua. Đó là bột bần lấy từ trái bần chín, bỏ hột, hòa với đường phèn để làm món mứt có một không hai, dùng để ăn ngay hoặc chế biến nước giải khát. Các món bần đều rất đặc trưng, không lẫn với món khác.

 

Tôi nhớ nhất là món canh chua bần nấu với cá út. Bần vừa chín, đem nấu cho rục rồi giằm lấy nước, bỏ hột ra, cho cá út vào kèm với giá, bạc hà, khóm, thêm vài khúc ngò gai và ớt xắt lát thì có được nồi canh tuyệt vời. Nước canh tuy hơi đục nhưng phảng phất mùi bần đặc trưng, làm cá út - loài cá biển to hơn cá chốt - trở nên ngọt thịt hơn, có vị béo nhẹ, còn nước canh thì đậm đà hơn khiến bữa cơm ngon hơn hẳn. Món canh này nhiều năm tôi chưa được ăn lại, bởi ít khi về quê nhằm mùa bần chín, còn cá út bây giờ cũng không nhiều. Khi viết những dòng này, nỗi nhớ quê và… cơn thèm món canh chua bần trở nên cồn cào hơn bao giờ hết.

 

Tôi xa quê đã gần 30 năm, những ký ức xưa vẫn còn in đậm. Sau này có dịp tìm hiểu thêm, tôi lại càng thấy yêu quý cây bần. Tương truyền, lúc bôn đào khỏi các cuộc truy đuổi của quân Tây Sơn, vua Gia Long từng nếm thử trái chua trong cơn đói khát, vì vậy đã đặt tên cho nó là thủy liễu. Ca dao về cây bần cũng không ít, bởi nó gắn bó thân thuộc với đời sống của người dân vùng sông nước Nam Bộ.

 

Với tinh thần trọng nghĩa khinh tài, người Nam Bộ có câu: “Đóm đeo thủy liễu đôi chùm/ Biết ai nhơn đạo chỉ giùm làm ơn”. Thương số phận hẩm hiu của người phụ nữ, các tác giả bình dân đã nói: “Thân em như trái bần trôi/ Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu?”. Có một chút hờn dỗi và cũng ám chỉ đến sang hèn, cô gái mượn hình ảnh cây bần để nói: “Không thương em hổng có cần/ Trầm hương khó kiếm chớ đước bần thiếu chi!”. Cây bần xuất hiện trong ca dao về tình yêu đôi lứa: “Làm thơ anh dán đọt bần/ Dán cho hai họ Nguyễn Trần gặp nhau”. Cũng cây bần đó, trong hoàn cảnh éo le thì: “Phụ mẫu đánh em quặt quà quặt quại/ Đem em treo tại nhánh bần/ Rủi đứt dây mà rớt xuống/ Em cũng lần mò kiếm anh”. Tình yêu đó mới mãnh liệt làm sao! Còn đây là những lời nhớ nhung, thề nguyện gắn với cây bần, trái bần: “Chiều chiều xuống bến ba lần/ Trông em không thấy thấy bần xơ rơ; Neo ghe vô dựa gốc bần/ Em thương anh nói vậy chớ biết mình đặng gần hay không; Lẻ đôi em chịu lẻ đôi/ Hoa tàn em cũng đợi, bần trôi em cũng chờ”… Đôi lúc cũng trách móc: “Bần gie đóm đậu sáng ngời/ Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên”. Và cũng có khi giận dữ: “Mồ cha thằng đốn cây bần/ Không cho ghe cá đậu gần ghe tôm”…

 

Vậy đó, cây bần gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân quê tôi cũng như nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ chỗ mọc hoang, dần dần cây bần được tận dụng để giữ đất, tránh sạt lở, lại tạo nên các bãi bồi. Người ta còn sử dụng hoa trái, rễ bần vào những việc có ích, tạo nên những đặc sản riêng có của vùng này. Với tôi, bần còn là những kỷ niệm, những nỗi nhớ khó quên!

 

Tự nhiên nhớ thêm câu ca dao khác: “Bần gie đóm đậu sáng ngời/ Rạch Gầm Xoài Mút muôn đời oai linh” của một thuở oai hùng, của một vùng đất hào hùng, của những con người hùng tráng…

 

NGUYỄN MINH HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Áo tím mẹ may
Thứ Sáu, 01/02/2019 18:00 CH
Tết Sài Gòn có gì lạ?
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek