Thứ Ba, 08/10/2024 11:40 SA
“Đụng” thịt heo ngày Tết
Thứ Hai, 04/02/2019 14:00 CH

Mỗi khi Tết đến xuân về, dù túng thiếu bao nhiêu, nhà nào cũng cố lo mâm cơm cúng gia tiên chiều 30 Tết thật đàng hoàng, trong đó không thể thiếu món thịt heo và bánh chưng. Để có thịt heo ngon và rẻ, người Bắc thường rủ nhau “đụng lợn”, người Nam gọi là “chung chia thịt heo”.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Sau ngày cúng đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp, nhà nào cũng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán - tết lớn nhất trong năm. Để có thịt gói bánh chưng, bánh tét và làm cơm cúng, nhà giàu có thể mổ cả con heo trăm ký, “bậc trung” thì hai, ba nhà mổ chung một con. Mấy nhà nghèo thì có thể bốn, năm hoặc sáu hộ rủ nhau “đụng” thịt một con heo (nói đầy đủ là “đánh đụng”, tức mổ chung với nhau con heo rồi chia ra nhiều phần). Thường thì cứ bốn nhà mổ chung một con heo cỡ 100 ký. Để có con heo “đụng” tết, họ đã rủ nhau “hợp tác” trước đó hai, ba tháng.

 

Cứ đến ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp là mổ heo. Hôm “đụng thịt heo”, nhà nhà dậy sớm từ 4 giờ, tập trung tại sân gia chủ có heo làm thịt. Người đun nước, người mài dao cho sắc, người lót lá chuối ra nong, nia. Bọn trẻ con thì háo hức chờ để xin cái bong bóng đái làm trái bóng đá chơi. Trước khi làm thịt heo, họ thắp nhang khấn thổ thần, ông bếp, trời đất, cầu cho nhà nhà no ấm khỏe mạnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

 

Mấy chàng trai khỏe vật con heo trong chuồng, khênh ra sân tắm cho sạch sẽ, để lên cái ghế rồi chọc tiết. Con heo được dội nước sôi và cạo sạch lông, đặt giữa nong. Bộ lòng được lấy ra cho một tốp khác làm. Người có con mắt và đôi tay khéo léo nhất được phân công “chia thịt”. Con heo được chia đều ra các phần theo số hộ “đụng” thịt. Phần nào cũng có chân giò, nạc, mỡ, mông, đầu, đuôi đều nhau. Nhỏ như cái đuôi, cái lưỡi cũng phải chia ra các phần. Mỗi phần có trọng lượng suýt soát nhau, không cần cân nhưng không ai kêu hơn thiệt. Có nơi làm thăm theo số 1, 2, 3, 4, ai bắt được phần nào lấy phần ấy; có nơi đề tên các hộ rồi để lên các phần thịt. Những gia đình làm giò lụa thì ngay lập tức đem thịt nạc mới chia về đưa vào cối giã ngay. Như thế giò mới ngọt và thơm. Còn các phần thịt khác sẽ chế biến sau.

 

Đặc biệt nhất là nồi nước luộc lòng (còn gọi là nước suýt), gia chủ cho gạo vào nấu thành nồi cháo lớn để mọi người cùng ăn. Có chén cháo nóng, gia chủ đem ra chai rượu đế, mỗi người làm một ly, râm ran kể chuyện làm ăn năm qua cũng như dự tính cho năm mới. Họ sẵn lòng bỏ qua những ứng xử chưa đẹp nếu có trong năm cũ để bước sang năm mới gặp nhiều điều may mắn, tốt đẹp.

 

Lòng heo luộc chín được chia đều ra các phần đem về nhà để làm cơm cúng, không được ai ăn trước miếng nào. Còn huyết heo được chia “sống” để nhà nào muốn ăn tiết canh thì đem về nhà mà “đánh”.

 

Chia thịt xong xuôi, các nhà “đụng” trả bằng tiền mặt, hoặc có khi trả bằng “lúa” cho chủ heo. Giá cả cũng tương đối rẻ so với ngoài chợ, phù hợp với những gia cảnh nghèo. Họ giúp nhau là chính. Có người nghèo không đủ tiền “đụng” heo, họ đến nói khó với gia chủ xin cho chia lại một, hai ký. Nhà chủ cũng sẵn sàng “nhường”, thể hiện tình làng nghĩa xóm. Người “đụng” thịt hay người mua một, hai ký, ai cũng trả tiền ngay, vì sợ sang năm mới trả sẽ bị “giông” cả năm, làm ăn bị nợ nần. Bọn trẻ con được cái bong bóng thì thổi căng lên, buộc chặt lại làm trái bóng đá chơi giữa sân nhà hoặc sân đình, có khi đá ngay giữa đường đi, reo hò vui lắm.

 

Thịt đem về nhà cũng đã khoảng 8, 9 giờ; các bà, các chị bắt đầu vào việc chế biến. Mỡ thì xắt miếng dọc dài ướp muối, ướp hành để làm nhân bánh tét. Xương thì để hầm măng. Thịt đùi thì nấu đông, kho hột vịt hoặc kho rệu nước dừa để dành ăn ba ngày Tết. Một phần còn lại thì khìa nước dừa, làm nem chua, sườn thì ướp muối nướng sả… Và ngay chiều hoặc tối hôm đó nhà nào cũng nấu bánh tét bánh chưng, quây quần bên bếp lửa chờ đón giao thừa. Mâm cỗ truyền thống cúng tất niên hay tân niên không thể thiếu bốn món được chế biến từ thịt heo là: giò, nem, ninh, mộc.

 

Việc “đụng” thịt heo ngày Tết đến nay một số địa phương vẫn còn giữ. Đó là dấu ấn của thời tự túc, tự cấp. Và cũng là một nét văn hóa dân gian đẹp, đậm đà tình làng nghĩa xóm. Trong thời đại công nghiệp ngày nay, nhiều nhà bận rộn nên phần lớn hàng tết đều được mua từ siêu thị hoặc chợ, thứ nào cũng có. Thịt cá, rau quả đủ loại; có nhiều hàng được nhập từ nước ngoài, giá cả cũng phải chăng. Đời sống người dân đã được cải thiện rất nhiều so với trước, họ không còn lo bị đói hay lo để dành thức ăn trong những ngày Tết. Đó là điều đáng mừng.

 

LÊ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Áo tím mẹ may
Thứ Sáu, 01/02/2019 18:00 CH
Tết Sài Gòn có gì lạ?
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek