Thứ Ba, 08/10/2024 13:41 CH
Tết của ngày xưa
Chủ Nhật, 03/02/2019 18:00 CH

Ngày Tết ở quê tôi, nhà nào cũng chuẩn bị một cặp hay ít nhất một chậu cúc đại đóa, trưng bày trước cửa ra vào hoặc nơi phòng khách. Sang trọng hơn thì thêm vào chậu mai cổ kính, bề thế. Ai không có cúc vàng thì chưng thược dược, quất hoặc vài loại hoa khác. Ngoài sân, bốn, năm chậu vạn thọ lùn, nở những bông hoa đầu. Nhiều giống lạ như: vạn thọ cúc, vạn thọ Pháp, vạn thọ Thái, vạn thọ kim...với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ tươi, vàng hoa cúc, xanh hoa lý, trắng viền vàng nhạt, huyết dụ điểm xuyết đỏ...

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Lùi lại mấy mươi năm trước, lúc đó tuổi tôi vừa lên chín, lên mười. Giữa tháng Chạp, vạn thọ lần lượt ra hoa. Chú Thông căn dặn chúng tôi không được ngắt hoa chơi để sân nhà mình thêm đẹp, trừ phi có cành hay cuống hoa nào bị gãy chú mới ngắt cho. Chú Út tôi mánh khóe lại có chút gian, lén làm gãy cành hoa rồi báo với chú Thông, xin được ngắt hoa để chú cháu cùng chơi đá kiện, tung hứng và ném "bóng". Buổi sáng đi học sớm, trong cặp sách của tôi và các bạn thường có một, hai hoa vạn thọ để chơi.

 

Thương quá một loài hoa quen thuộc, dân dã, chẳng kiêu sa đài các nhưng không tầm thường. Cũ nhưng không nhàm chán. Luôn tồn tại trong ký ức tuổi thơ tôi với biết bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. Những năm đó, giống vạn thọ lùn chưa có, chỉ mỗi loại vạn thọ cao. Có ba giống, tên gọi rất nôm na, được ưa chuộng tùy mắt người chọn. Vạn thọ tà lạch và vạn thọ cúc, mỗi loại có một vẻ đẹp riêng. Giống tà lạch cánh mỏng và rộng hơn giống cúc. Cả hai đều có đóa to, cánh đơm đặt. Riêng vạn thọ... lỡ trất đóa nhỏ, túm lại như bị nghẹn không chịu nở, chỉ lơ thơ vài cánh mở ra không đều.

 

Hoa vạn thọ có ba màu chính là vàng hoa cúc, vàng nhạt (gần như trắng) và đỏ gạch. Chú Thông tôi nổi tiếng là "chuyên gia" trồng hoa vạn thọ. Chú chọn những đóa hoa đẹp, già nhất trên cây, đủ cả ba màu, làm giống để dành cho năm sau. Đến kỳ, chú làm đất ươm hạt. Đúng một tháng sau, cây con cao khoảng 15cm là chú bứng ra, trồng dọc các bìa sân, chậu kiểng. Vạn thọ chú trồng lớn nhanh, lá xanh mượt, thân to và khỏe, chi chít những cành, nụ hoa ken kín.

 

Cứ vài ngày, chị em tôi lại hỏi mẹ: "Khi nào tới Tết, mẹ?". Mẹ tôi cười nói: "Khi nào thấy vạn thọ nở nhiều hoa là tới Tết". Gần cuối tháng 11 âm lịch, mấy chị em tôi phát hiện vạn thọ đã nhú nụ hoa đầu, chúng tôi háo hức mong cho ngày mau hết, Tết mau đến. Tôi gấp một góc tờ lịch của ngày mùng một Tết, làm dấu. Thằng em trai tôi còn ham Tết hơn tôi, nó bóc lịch ngày hai, ba lần… cho mau tới Tết. Mẹ tôi rầy nhưng không giận vì sự ngây ngô đáng yêu của nó.

 

Trong khuôn sân, ba tôi còn trồng thêm vài chậu gấm lá mít, gấm sao và mấy chậu thược dược. Ba giao việc tưới nước cho tôi. Chiều nào tôi cũng gánh nhiều lần hai nửa gàu nước để tưới.

 

Bà tôi, cũng như hầu hết những người lớn tuổi thời ấy, giải thích với con cháu rằng: Vạn thọ tượng trưng cho sự tốt đẹp, may mắn, phúc lộc và trường thọ. Cho nên, trên bàn thờ gia tiên ngày Tết nhà nào cũng không thể thiếu hoa vạn thọ.

 

Khoảng rằm tháng Chạp trở đi, mẹ tôi và bà nội rất bận rộn, lo bánh trái, rim mứt. Mỗi sáng ra chợ về, trong giỏ của nội và mẹ đầy ắp các thứ, khi thì năm, sáu rẻ gừng, vài ba khoanh bí đao, bó củ tóc tiên, khi thì vài cân đường trắng, chục trứng vịt cùng vài thứ linh tinh khác... Buổi tối chị em tôi lo học bài sớm để được xúm xít xăm rim cùng mẹ và nội. Những cây xăm có đầu dưới to hơn chi chít kim cứng, đầu trên nhỏ hơn, cán gỗ, vừa đủ tay nắm là của mẹ và nội tôi. Cây xăm nào cũ kỹ, bị sứt gãy kim mới tới phần chị em tôi. Nội còn phòng thêm mớ gai bưởi, chục cái lông nhím buộc chặt lại nhưng lúc nào cũng bị so le, chốc chốc phải sửa lại cho bằng mặt dưới rồi mới xăm được. Mới đầu, tôi làm hỏng vài miếng bí, bị mẹ la, sau đó mẹ hướng dẫn cho tôi cách xăm làm sao cho bí không bị gãy. Đêm càng khuya, vì không quen thức đêm nên chị em tôi ngủ gật, bị kim đâm vào tay, chảy máu. Tôi vẫn không chịu đi ngủ. Mỗi lần bị kim đâm chảy máu, tôi dừng lại, đưa đầu ngón tay lên miệng, nút hết máu ra, đỡ đau hơn là tôi tiếp tục xăm. Để không khí làm việc vui vẻ và nhất là hai chị em tôi khỏi buồn ngủ, nội đem hết vốn liếng chuyện cổ tích, chuyện vui ra kể. Tôi và em gái thi nhau cười, quên cả cơn buồn ngủ.

 

Quần áo, mũ nón, dép guốc mới của mấy chị em tôi được ba mẹ may sắm sẵn, cất trong tủ khóa lại. Mỗi khi mẹ có việc cần mở tủ, tôi liền lấy ra ngắm nghía, hít lấy mùi thơm của vải mới, thử cho chân vào đôi guốc đã được đóng dính hai chiếc lại với nhau bằng một miếng da nhỏ. Ngày Tết vui thật! Lũ trẻ chúng tôi đều được ăn ngon, mặc đẹp, được nghỉ học đi chơi, được người lớn lì xì...

 

Những ngày giáp Tết, công việc trong nhà càng dày hơn. Chú Thông nhận lãnh nhiệm vụ chà đèn thau, quét mạng nhện trên trần nhà, lau chùi bàn ghế. Tôi theo nội tới nhà hàng xóm chia thịt heo. Làng trên, xóm dưới rộn ràng. Tiếng heo eng éc. Tiếng chày giã bột thình thịch. Tiếng đùng, đùng liên tiếp của mấy cái đập nổ tự chế mùi diêm khét lẹt. Lòng tôi vui như... Tết đến!

 

Mẹ tôi cùng mấy người trong xóm đổ bánh thuẫn ở gian nhà trên. Đến sáng ba mươi Tết, mẹ gói bánh tét, bánh chưng. Năm nào mẹ cũng gói riêng cho chú Út và mấy chị em tôi mỗi đứa một đòn bánh tét nhỏ xíu giống như cái bánh cuốn to, cột lạt một đầu để chúng tôi xách tòn ten đi chơi. Việc của nội tôi là gói nem chua, chả thủ. Tôi ngồi bên cạnh, chăm chú nhìn nội làm.

 

Tôi học đến cuối lớp 5 thì chiến tranh ngày càng đến gần. Mẹ tôi bị bệnh tim nặng, thường ngất xỉu. Ba đưa mẹ và mấy chị em tôi xuống thị xã, cũng là quê ngoại của tôi, để tiện việc chữa trị cho mẹ. Nội và hai chú tôi ở lại quê nhà. Những lúc nhớ con cháu, nội xuống thăm, rồi về. Thời gian qua mau, chị em tôi dần lớn lên, làm việc, lấy chồng, lấy vợ, sinh con. Chúng tôi lo cho gia đình nhỏ của mình. Tết nào tôi cũng gói bánh tét theo cách của mẹ, bó chả thủ theo cách của nội để dùng trong gia đình và đãi bà con, bạn bè.

 

Bây giờ trẻ con ngày nào cũng được ăn ngon, mặc đẹp nên không có cảm giác nôn nao, rạo rực đón chờ ngày Tết như bọn trẻ chúng tôi hồi đó.

 

Bây giờ việc chuẩn bị đón Tết đơn giản hơn ngày trước rất nhiều. Cuộc sống đủ đầy hơn, người lớn không phải tất bật như ngày trước nhưng hương Tết dường như nhạt đi…

 

TRIỀU HẠNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Áo tím mẹ may
Thứ Sáu, 01/02/2019 18:00 CH
Tết Sài Gòn có gì lạ?
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek