Thứ Ba, 08/10/2024 13:36 CH
Áo tết của An
Chủ Nhật, 03/02/2019 07:00 SA

Bé An mân mê chiếc áo mới còn thơm mùi vải, đưa áo sát mũi rồi hít hà một cái. Mùi thơm của vải mới tinh làm An ngất ngây.

 

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Bỏ qua cái thời xíu xiu An không biết mình có những món quần áo gì, từ khi vào lớp 1 đến nay, đây là chiếc áo mới đầu tiên An được mẹ dắt đi mua vải và đưa cho cô thợ dưới dốc may cho. Lúc lựa vải, mẹ nói phải lấy màu trắng, để làm trắng cái làn da đen thui chuyên đi nắng của An lên và giúp An trông tinh tươm, bớt luộm thuộm. Quan trọng hơn, sau đó, An còn có thể mặc đi học được. Con nhà nghèo, phải biết kết hợp để không phí.

 

Mà chắc chắn là sẽ không phí chút nào, vì cái áo ấy rồi sẽ được tận dụng tối đa. Đi học buổi sáng xong, về nhà, An sẽ nhúng nước phơi để sáng mai đi học tiếp. Nó sẽ thấm rất nhiều mồ hôi khi An cùng các bạn chơi nhảy dây, cút kiếm; nó sẽ dính một ít bùn khi An nổi hứng lội qua ruộng để đến trường cho mau; sẽ dây một ít mực bởi cái cây bút máy “ất ơ” cứ viết được một dòng là quẩy ba lần cho mực chảy xuống… Nhưng đó là chuyện của mấy năm nữa. Khi chiếc áo trắng chuyển sang vàng, lưng áo đã bạc thếch và mỏng tang. Còn bây giờ nó vẫn mới. Vẫn thơm mùi vải, vẫn làm An rạo rực, say mê.

 

Chiếc áo đó, An đã chờ thấp thỏm rất lâu. Cô bé 8 tuổi, học lớp 3 đã sống trong không khí sôi động của những ngày tháng Chạp chỉ để chờ đợi. Khi mà bạn bè đứa nào cũng có quần áo mới từ sớm và thi nhau khoe mỗi lần thấy An ló mặt ra đường, khi An còn phải chờ mẹ bán các thứ cây trái, đậu đỗ, hoa lay ơn và mấy con gà. Chờ lời hứa của mẹ là khi nào trả bớt nợ nần mới nghĩ đến chuyện may áo.

 

Rồi An chợt thấp thỏm.

 

Mấy năm trước, mẹ cũng nói sắm quần áo tết cho An nhưng tiền bạc cuối năm ngặt nghèo. Đến đêm giao thừa, khi biết chắc chắn là sẽ không có đồ mới, An mang ra những tấm áo cũ - những tấm áo đã được sửa đi sửa lại - mặc để qua ngày Tết. Thật ra, có áo mới rất vui, nhưng không có thì An cũng chẳng dám buồn lâu. Nỗi buồn của một đứa bé như hòn sỏi văng xuống ao, kêu rõ to, lan đi rồi cũng qua rất mau. Hết mấy ngày Tết là hết buồn.

 

Năm nay, An không dám trông đợi nhiều dù lòng như lửa đốt. Thế nhưng, cuối cùng, những gì diễn ra lại ngoài mong đợi khi sau một bữa bán buôn, mẹ dắt An đến hàng vải. An lúc đó đang phụ mẹ cuốn mấy cái bao đựng rau, cho vào giỏ kẹp để mang về. Chân thấp, chân cao, An chạy theo mẹ. Hàng vải cuối tháng Chạp chỉ còn lèo tèo vài xấp, mẹ lấy nhanh một xấp ka tê và phân bua với chủ hàng vải là buôn bán được có ít, trả trước một nửa rồi ra Giêng sẽ thanh toán đủ.

 

Cận ngày, may không kịp nhưng khi nhìn ánh mắt háo hức của đứa bé đen thui, ốm nheo, cô thợ may miễn cưỡng nhận vải, hẹn tối 29 xuống lấy áo.

 

Từ thời khắc đó, bé An cứ như lơ lửng trên mây. Không lúc nào cô bé quên nghĩ đến chiếc áo mới. Trong giấc mơ, cô bé cười một mình, hạnh phúc một mình.

 

Rồi đến ngày giáp Tết, mẹ đi lấy áo về.

 

An mặc vào, mắc cỡ không chịu được. Chiếc áo mới quá, lại sáng trưng lên, An không quen. Phân vân một hồi, cô bé xếp áo cẩn thận cho vào thùng mì tôm, chốc chốc lại lén lấy ra xem, lại ướm thử, lại cởi ra. An vẫn không dám mặc. An mà mặc áo vào cả xóm sẽ nhìn, An sẽ không dám ra ngoài chơi với các bạn. An cứ cất đó.

 

Tết đến, không đi đâu nên An vẫn mặc áo cũ. Tết qua, mấy tháng sau, do để nơi ẩm, áo bị ố vàng ở tay; vải không còn mới nữa. Chiếc áo mới giờ đã cũ. An mặc chiếc áo tết, thấy bây giờ áo mới hợp với mình. Rút kinh nghiệm và để không phí hoài, nhiều năm sau nữa, hễ may chiếc áo nào An đều đưa cho chị mặc trước. Đến khi sờn sờn, chị trả lại, An sẽ mặc sau.

 

An giờ đã là mẹ của những đứa trẻ nhưng chiếc áo tết hiếm hoi như chiếc đinh đóng vững chãi vào một vùng ký ức. Ký ức đó đói kém, cơ cực, An phải làm lụng từ rất sớm để phụ giúp gia đình. Cho đến bây giờ, khi đã có điều kiện hơn, dù có thể phóng tay tiêu pha nhiều thứ nhưng An lại tằn tiện, ky bo khi mua quần áo cho gia đình. Điều này, An không lý giải được.

 

An thấy thương cho cô bé ngày trước thiếu thốn mọi bề, có chiếc áo mới mà cũng không biết mặc. Cho nên với các con của An, quần áo chỉ đủ mặc chứ không se sua, dù An có đủ tiền để mua. Đi qua tuổi thơ khốn khó, An luôn cầu mong các con sau này có cuộc sống dễ dàng hơn, không phải gồng lưng vì cái ăn, cái mặc. Thay vì niềm vui, nỗi lo, trăn trở quá nhiều dành cho một chiếc áo tết, các con sẽ biết xúc động trước những điều đẹp đẽ, lớn lao.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Áo tím mẹ may
Thứ Sáu, 01/02/2019 18:00 CH
Tết Sài Gòn có gì lạ?
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek