Thứ Ba, 08/10/2024 13:49 CH
Đồ tết
Thứ Sáu, 01/02/2019 14:00 CH

Khi chưa ai nghĩ đến chuyện bánh, mứt, hoa, tranh, thịt thà… đón Tết, thì Tết đã âm thầm đến với một loại vật chất hiện hữu: đồ tết.

 

Bây giờ, chạy ào ra shop thời trang, siêu thị, chợ búa là có ngay một bộ y phục mới toanh, đắt - rẻ, đơn giản - màu mè, cổ điển - tân thời… đều có cả. Thế nhưng, có một điều không khác xưa là mấy: người ta thường phải lo hoặc phải sắm đồ tết sớm hơn những món khác. Phải ưu tiên sắm đồ tết trước, các thứ khác cho Tết tính sau. Đơn giản, không có đồ tết thì làm sao… có Tết được. Tết ưu ái cho... y phục đến mức cho thợ may đón Tết sớm nhất, bởi 12 tháng Chạp là giỗ tổ thợ may, ngày xưa pháo nổ rần trời, báo hiệu cho năm mới đã đến sát bên thềm…

 

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

 

Không biết trước nữa thì sao, nhưng non 40 năm trước, khi tôi bắt đầu biết Tết thì cũng từng ấy thời gian gắn liền với những ký ức về đồ tết.

 

Chợ quê ngày ấy hầu như không có nhiều đồ đẹp, đồ “xịn” để bán tết như bây giờ. Chợ cũng có mấy hàng áo quần, nhưng đồ ở chợ thường là đồ không tốt, dễ sút chỉ, mau rách, vải dỏm. Để có đồ tết, người ta hay mua vải để may. Thời ấy, hình như chỉ có mấy tiệm may là có treo biển. Người ta thuê họa sĩ, vẽ bằng sơn màu lên các tấm tôn cán phẳng, đóng vào khung gỗ, treo trên mái nhà hoặc dựng trước nhà. “Nhà may Lạnh”, “Tailor Báu”, “Tuấn - chuyên may mặc hợp thời trang”…

 

Thường mới tháng 10 âm lịch, má tôi đã mua những xấp vải áo, quần về cho từng người trong gia đình. Vải mua của dì Sáu, cô Ba ở chợ quê. Cũng có thể là một sáng nào đó má mượn chiếc Honda Dame của ngoại, chở thêm dì Hoài, đi chợ thị xã Tuy Hòa, để lựa thêm nhiều loại vải đẹp, lạ mà chợ quê không có. Mỗi người ít nhất có một xấp vải áo và một xấp vải quần tây. Năm nào lúa lang được mùa, thì mỗi người được hai xấp vải may áo.

 

Một ngày nào đó, không lâu sau ngày mua vải, cả nhà sẽ đèo nhau trên hai chiếc xe đạp, hoặc đi bộ, đến một tiệm “tailor” hay “nhà may” để được đo đạc. Với tôi và con Nở, đứa em gái nhỏ hơn 3 tuổi, thì khi đi đo đồ còn vui hơn đi chơi tết. Khi ông/bà thợ may kéo cái thước dây quanh vai, đo từ vai xuống tay, từ eo đến dưới gót, kêu lên dài nhiêu, ống nhiêu, lưng nhiêu…, tôi thường mừng đến mức tự cười tủm tỉm - một kiểu cười hơn cả sung sướng. Xấp vải nào, của ai, người thợ may dùng viên phấn hình tam giác dùng để vẽ khi cắt vải, viết tên lên đó, ghi luôn ngày dự kiến giao đồ khi may xong. Đo đạc xong rồi, từ lúc trên đường về nhà cho đến những tháng những ngày sau đó, trong tâm tưởng hay trong những giấc chiêm bao của anh em tụi tôi, những áo mới quần mới luôn hiện về đẹp đẽ…

 

Thợ may ngày đó làm việc “bở hơi tai”. Mỗi tiệm ngoài thợ chính còn có thêm mấy thợ phụ và những người học việc. Họ làm việc cả ngày lẫn đêm. Có những tiệm “đắt” hàng, tới đầu tháng Chạp đã thông báo hết nhận may đồ tết. Càng gần đến Tết, thợ may càng phải thức khuya để kịp hàng giao cho khách. Mợ Sáu tôi là một thợ may giỏi, chuyên may áo sơmi phụ nữ và đồ con nít. Mợ may đẹp nên nhiều dịp Tết, dù biết bao giờ “người trong nhà” cũng được “ưu tiên” trả đồ mới sau cùng, má tôi vẫn phải đưa anh em tôi đến để mợ may. Tôi nhớ có nhiều đêm, mấy mẹ con tôi đến nhà mợ Sáu, giúp mợ tháo chỉ sam đồ, đồng thời như… ngồi chèo kéo để đòi nợ. “Chị Bảy với mấy cháu thông cảm, đồ nhiều quá, làm không xuể. Mình người trong nhà, thể nào cũng có đồ mới mặc, chỉ có muộn một chút thôi. Đồ có càng muộn thì càng mới, phải không Tùng, Nở?” - mợ Sáu hay giả lả như vậy để “khách trong nhà” bớt buồn, bớt giận.

 

Hồi ấy, cả xóm chỉ có đèn dầu, đâu có điện như bây giờ. Cả xóm cũng chỉ có nhà dì Sáu tôi có cái bàn ủi bằng đồng, bên trên có “khóa” nắp hình con gà trống. Tới Tết, từng nhà phải “đăng ký” dì để mượn bàn ủi. Nhiều khi, gần giao thừa má mới ủi xong mớ đồ mới cho mấy cha con. Đồ ủi xong, được móc riêng lên các cây đinh đóng trên cột nhà cho khỏi nhàu, không phải gấp bỏ vào thùng cáctông như mọi khi, để sớm mai mùng 1, ai cũng xúng xính áo mới quần mới đi chơi.

 

Có những đêm sau giao thừa, cả nhà chìm trong giấc ngủ, tôi mừng và hồi hộp đến mức rón rén trở dậy, đến bên cái áo mới tinh má vừa ủi mấy giờ trước, hít mùi thơm của vải, rồi len lén mặc vào người, đứng một hồi để cảm nhận như Tết đã đến sớm hơn thường lệ rồi… cởi ra, móc trả lại chỗ cũ mà không ai hay biết.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết Sài Gòn có gì lạ?
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA
Mãi duyên nón lá Việt Nam
Thứ Năm, 31/01/2019 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek