Thứ Ba, 08/10/2024 18:51 CH
Mãi duyên nón lá Việt Nam
Thứ Năm, 31/01/2019 14:00 CH

Sản phẩm lưu niệm chuông gió hình nón lá của Huế - Nguồn: Internet

Nón lá, cùng với áo dài, khăn xếp là trang phục truyền thống của người Việt. Từ rất xưa, chiếc nón theo từng vùng miền mà khác nhau về chất liệu và hình dáng, nhưng rất quen thuộc với cư dân Việt không phân biệt giai cấp, tầng lớp. Trong xã hội hiện đại ngày nay, chiếc nón tuy không còn sử dụng phổ biến nhưng hình ảnh của nó đã vươn ra thế giới, góp phần tạo nên cái gọi là căn tính (identity) Việt Nam. Hay đơn giản là chiếc nón lá của người phụ nữ Việt đã trở thành một biểu tượng văn hóa Việt Nam.

 

1. Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thích hợp để phát triển nông nghiệp. Ứng phó và hòa hợp với môi trường tự nhiên để tồn tại, con người sớm biết sử dụng vật liệu thiên nhiên để tạo nên chiếc nón đội đầu, che mưa nắng. Nón lá có lịch sử lâu đời đã khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2.500-3.000 năm.

 

Chiếc nón ở Việt Nam có nhiều loại khác nhau: Nón dấu là loại nón có chóp nhọn của lính thú thời xưa. Nón Gò Găng được sản xuất ở Bình Định, làm bằng lá dứa. Nón ngựa được bịt đồng ở quanh chóp, đội khi cỡi ngựa. Nón rơm được làm bằng cọng rơm ép cứng. Nón quai thao của người miền Bắc thường dùng trong lễ hội. Nón gõ làm bằng tre ghép cho lính thời xưa. Nón lá sen hay còn gọi là nón liên diệp. Nón thúng có hình tròn bầu giống cái thúng. Nón khua là loại nón dành riêng cho người hầu các quan ngày xưa. Nón chảo là loại nón mo tròn hình giống cái chảo úp, ngày nay ở Thái Lan còn dùng. Nón cạp dành cho người có tang. Nón bài thơ là loại nón lá trắng và mỏng có lộng hình hay một vài câu thơ… Nhưng phổ biến tới tận ngày nay là chiếc nón lá - chiếc nón gắn liền với người nông dân và đi vào thơ ca, nhạc, họa…

 

“Nón này che nắng che mưa

Nón này để đội cho vừa đôi ta

Còn duyên nón cụ quai tơ

Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong”. 

                                              (Ca dao)

 

2. Chiếc nón lá có hình chóp, được làm từ tre và lá cọ. Tre già vuốt thành cọng nhỏ, đạt sự dẻo dai nhất định, uốn cong và kết lại thành những vòng tròn lớn nhỏ khác nhau làm khung nón. Những vòng tròn này được lồng vào những khung tre hình chóp, giữa 2 vòng có khoảng cách nhất định. Vòng tròn lớn nhất có đường kính khoảng 40cm, cứng cáp hơn, gọi là vành nón.

 

Nghệ nhân chằm nón bài thơ Huế - Nguồn: buiduong.vn

 

Lá cọ hay lá buông non còn chưa ngả màu xanh, có độ dài khoảng 40cm, được hái từ rừng, mang về xử lý cho khô và ủi phẳng. Khi chằm nón người thợ lấy khoảng 24-25 lá cắt chéo đầu, dùng chỉ khâu đầu lá bị cắt chéo lại thành chùm rồi phủ lên khung vành, xây lá sao cho khít đều và chằm lá đính vào những vòng tròn khung nón sao cho vừa chắc vừa thẩm mỹ. Nón chằm xong, phần lá dài thừa ra được xén gọn rồi nức vành, sau đó đột đầu đỉnh trong nón để che mối lá. Và cuối cùng, chiếc nón hoàn thiện sau khi được quét dầu bóng lên mặt ngoài để tăng độ bền và vẻ đẹp.

 

Chiếc nón để sử dụng được phải có quai. Quai nón thường may bằng vải, chất liệu, màu sắc, độ rộng tùy theo sở thích của người đội. Tuy nhiên, một điều khó phủ nhận là chiếc quai đã tăng vẻ duyên dáng cho chiếc nón lá bội phần.

 

Tùy từng loại nón mà lá nón có độ dày mỏng khác nhau. Nón lá dày thường bền hơn, dành cho các bà các chị; còn nón lá mỏng thì duyên dáng hơn nên thích hợp với các cô gái trẻ. Ở miền Trung có 2 loại nón nổi tiếng đã đi vào thơ ca, đó là nón Gò Găng và nón Huế. Nón Gò Găng rất dày và nặng, được bọc bằng lớp nilon trong suốt, nên thời gian sử dụng có thể cả chục năm, từng là trang phục ưa chuộng của phụ nữ trung lưu xưa. Ngược lại, nón Huế được làm bằng loại lá còn non, mỏng, giữa 2 lớp lá người thợ chằm nón lồng vào có khi là những câu thơ hay hình ảnh biểu tượng của xứ Huế như cầu Tràng Tiền, Chùa Thiên Mụ cắt bằng giấy. Người đội nón đi dưới nắng sẽ thấy trên nón ẩn hiện câu thơ, chiếc cầu…, từ đó làm nên tên gọi nón bài thơ Huế. Nón lá Phú Yên tuy không nổi tiếng nhưng ngày nay vẫn tồn tại làng nghề làm nón xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa.

 

Loại nón được cho là bền đẹp nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ là nón làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội), được làm bằng lá cọ. Nghề chằm nón ở làng Chuông tồn tại suốt 3 thế kỷ, đến nay làng vẫn duy trì mỗi tháng 6 phiên chợ trong sân chùa Chuông chỉ để bán nón. Thế mới biết nón làng Chuông vẫn còn lắm người ưa thích. Để làm ra chiếc nón Chuông nức tiếng cũng lắm công phu: “Tàu lá nón khi đem về vẫn còn xanh răn reo, được đem là bằng cách dùng một miếng sắt được đốt nóng, đặt lá lên dùng nắm dẻ vuốt cho phẳng. Lửa phải vừa độ, nếu nóng quá thì bị ròn, vàng cháy, nguội quá lá chỉ phẳng lúc đầu, sau lại răn như cũ. Người ta đốt diêm sinh hơ cho lá trắng ra, đồng thời tránh cho lá khỏi mốc. Tre chọn ống dài vuốt nhọn, gác lên dàn bếp hong khói chống mối mọt, dùng làm vòng nón...”, theo nonlavietnam.vn.

 

3. Nếu như ban đầu chiếc nón lá chỉ là trang phục đội đầu thể hiện sự ứng phó và hòa hợp với tự nhiên, người Việt, vốn linh hoạt trong mọi tình huống, qua thời gian bổ sung thêm nhiều công năng sử dụng cho chiếc nón như là sự ứng phó với xã hội.

 

Trở thành vật bất ly thân của người nông dân, ngoài che mưa nắng, chiếc nón lá có thể dùng làm quạt mát vào những trưa hè oi ả hay lúc tranh thủ ngả lưng chợp mắt dưới bóng cây người ta thường úp nón lên mặt để che ánh sáng dễ ngủ. Nón còn được dùng để lót chỗ ngồi tránh lấm bẩn quần áo; làm chiếc rổ đựng mớ rau khi thăm vườn hay đậy thức ăn thay lồng bàn…

 

Ấy là bên bờ tre, ruộng lúa, còn ra đường, chiếc nón trở thành vật che chắn, làm duyên của chị em. Các cô gái dùng nón che mặt e ấp mỗi khi gặp đàn ông lạ; Phụ nữ Việt mặc áo dài hay bà ba, khi có bầu lớn tháng bụng lùm lùm nên ra đường thường lấy nón che bụng vừa dễ nhìn, vừa tránh được những lời “quở” về mặt tâm linh. Với những ai sống qua thời tem phiếu chắc hẳn chưa quên cảnh chen nhau xếp hàng mua lương thực, thực phẩm. Để đỡ mỏi chân người ta thay vào vị trí của mình khi thì chiếc giỏ kẹp, khi là viên gạch, có lúc lại là chiếc nón… rồi tìm chỗ đợi. Nón còn lấn sâu vào lĩnh vực trang trí mỹ thuật khi xã hội bắt đầu chú trọng đến những giá trị truyền thống, chiếc nón có thể là biến tấu của chiếc chao đèn, hay chiếc lọ hoa đầy sáng tạo; là những chiếc chuông gió đủ kích cỡ; là đạo cụ múa khá phổ biến từ thể loại truyền thống đến đương đại… Chưa hết! Tại thành phố Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá. Tác giả công trình, thạc sĩ - kiến trúc sư Vương Hoàng Lê, cho biết ông sáng tác dựa trên niềm tự hào về văn hóa dân tộc trong việc sử dụng hình ảnh chiếc nón lá; bản sắc văn hóa Việt thể hiện qua chiếc nón lá, chiếc nón gắn chặt với đời sống người dân và với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

 

* * *

 

Chiếc nón lá của phụ nữ Việt từ mục đích ban đầu là vật dùng che mưa nắng, được làm bằng chất liệu sẵn có trong tự nhiên, qua thời gian trở nên đa công dụng nhờ vào sự linh hoạt của người sử dụng. Người Việt vốn là cư dân nông nghiệp, theo Trần Ngọc Thêm “Vì luôn phải đối phó với thiên nhiên đa dạng và sống theo tình cảm nên con người nông nghiệp rất linh hoạt, giỏi biến báo - cái mà Đào Duy Anh gọi là “khả năng bắt chước, thích ứng và dung hòa rất tài”, còn Trương Chính thì nói đến chất “thông minh”. Cuộc sống gần thiên nhiên tạo nên tính giản dị và lối sống thiết thực”. Cũng theo các nhà nghiên cứu, chiếc nón lá là biểu tượng văn hóa Việt Nam phi trực quan, qua đó, người ta nhận thức được giá trị đặc trưng bản sắc của văn hóa Việt Nam, đó là tính linh hoạt của đối tượng trực quan - người Việt. Và vì thế mà nón lá Việt Nam mãi còn duyên!

 

KHÁNH UYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết Sài Gòn có gì lạ?
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA
Khai mạc Hội Báo xuân Kỷ Hợi 2019
Thứ Tư, 30/01/2019 22:42 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek