Thứ Ba, 08/10/2024 13:36 CH
Áo tết tuổi thơ tôi
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA

Tuổi thơ tôi lớn lên cùng sự chuyển mình của đất nước vượt qua thời kỳ bao cấp đầy khó khăn. Ngày ấy thiếu thốn về mọi thứ, cho nên những đứa trẻ chúng tôi luôn mong chờ Tết đến để có một bộ quần áo mới.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Với thu nhập bằng công điểm quy ra lúa trong thời bao cấp khốn khó vào những năm 80, cha mẹ tôi phải lo cho cả thảy mười cái “tàu há mồm” quả không hề đơn giản. Đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, ngày hai bữa cơm độn, cha mẹ tôi đầu tắt, mặt tối bươn chải lo chạy ăn đã hụt hơi rồi còn đâu nghĩ tới chuyện quần áo tết cho con. Chính sự thiếu thốn về vật chất ấy mà Tết thật có ý nghĩa với đám trẻ chúng tôi. Tết như một giấc mơ có thật, dù thật xa xôi nhưng lại hiện hữu trong phép đếm mỗi ngày.

 

Tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm. Mỗi ngày qua đi, Tết đến gần hơn và tâm trạng anh em chúng tôi càng háo hức hơn. Phấn khởi nhất là khi mẹ tôi nói “Ngày mai cha cân con heo cho hợp tác xã, dư được đồng nào mẹ mua đồ tết cho tụi con”. Nghe mẹ nói vậy, anh em chúng tôi nhìn nhau, ánh mắt đứa nào đứa ấy rạng ngời...

 

Nhưng rồi niềm vui của anh em chúng tôi cũng không thể trọn vẹn khi số tiền dư từ con heo cân cho hợp tác xã và từ tem phiếu vải của năm không đủ cho mỗi đứa một bộ đồ tết, chỉ có đứa em gái út được mẹ ưu tiên đủ bộ quần áo vải phin hoa, còn lại mỗi anh em tôi chỉ được chọn một áo mới hoặc quần mới. Tôi là con trai lớn nên có chút tủi thân khi tụi bạn khoe quần này, áo nọ, song rồi mọi chuyện cũng qua đi bởi cuộc sống bấy giờ là thế...

 

Chiếc áo tết của tôi ngày ấy là vải xoa (xoa-bi-ốp) màu cà phê sữa. Áo may chưa mặc nhưng các góc lai áo đã cuốn lại. Áo tôi do chú thợ ở đầu xóm may, đợi qua ngày đưa ông Táo về trời nhận được áo nhưng phải giặt và cất đi để đến đúng mùng 1 Tết mới được mặc. Tôi nhận được chiếc áo mới cứ như nhận được báu vật, tối nào cũng phải mở hộc tủ “nghía qua” cho đã mắt rồi mới an tâm đi ngủ, còn chiếc quần tết tôi chọn chiếc quần còn tươm tất nhất trong hai chiếc quần mặc đi học thường ngày. Tôi giặt sạch sẽ, xếp phẳng phiu ép dưới gối nằm, để dành diện Tết cùng với chiếc áo vải xoa...

 

Trẻ con bây giờ có điều kiện tốt hơn nhiều, quần áo mới được mua hàng ngày hàng tháng nên chắc sẽ không còn mấy đứa có niềm vui giản dị như chúng tôi ngày ấy.

 

Giờ ngẫm lại mới thấy thương cha mẹ biết bao nhiêu! Dù khó khổ nhưng Tết nào cũng lo cho con một cái áo tết. Và nghĩ lại mới nhận ra rất ít khi thấy cha mẹ mặc áo mới, dù là ngày Tết. Chiếc áo bà ba màu tím đậm của mẹ, tấm áo xanh của cha đã theo cha mẹ tôi từ mùa đông sang mùa xuân, từ năm cũ sang năm mới. Đúng như người xưa thường nói: “Nước mắt chảy xuôi”.

 

Cuộc sống bây giờ sung túc hơn rất nhiều. Trẻ em bây giờ, dù nhà có khó khăn thì sung sướng hơn rất nhiều so với những đứa trẻ hơn bốn mươi năm về trước như tôi. Nhưng chắc chắn những đứa trẻ hôm nay không thể nào có được sự háo hức mong chờ ngày Tết. Không phải run tay vuốt ve nâng niu hít hà mùi áo mới.

 

Hôm nay, anh em chúng tôi đã an bề gia thất, cuộc sống cũng đủ đầy hơn nhưng ký ức về chiếc áo tết tuổi thơ vẫn theo mãi trong tôi. “Hạnh phúc của ngày hôm nay sẽ được nhân đôi khi nhớ về một thời vất vả cực nhọc đã qua...”.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết Sài Gòn có gì lạ?
Thứ Sáu, 01/02/2019 07:00 SA
Mãi duyên nón lá Việt Nam
Thứ Năm, 31/01/2019 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek