Thứ Năm, 28/11/2024 10:46 SA
Xem Đối mặt và cùng hướng đến tương lai
Thứ Năm, 08/11/2018 13:04 CH

Phỏng vấn nhà thơ Văn Lê ở TP Hồ Chí Minh - Ảnh do ê kíp làm phim cung cấp

Tối 13/11, phim tài liệu Đối mặt do VTV Phú Yên (nay là VTV Nha Trang, Đài Truyền hình Việt Nam) và Kênh Truyền hình Arirang (Hàn Quốc) hợp tác sản xuất sẽ lên sóng VTV1. Đây là bộ phim tài liệu công phu và rất đáng xem, được thực hiện nhân kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Báo Phú Yên phỏng vấn nhà báo Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc VTV Nha Trang về quá trình thực hiện tác phẩm này.

 

Phim Đối mặt do nhà báo Trần Thanh Hưng chịu trách nhiệm về nội dung, giám sát sản xuất và đồng đạo diễn với Hồ Nhật Thảo cùng hai đạo diễn của Arirang TV; quay phim gồm Phạm Quốc Mẫu và Đặng Trung Hiếu. Tập 1 phim Đối mặt được phát sóng vào ngày 13/11, tập 2 ngày 15/11, khung giờ 22 giờ 45 trên VTV1.

* So với nhiều phim tài liệu đã lên sóng, Đối mặt là bộ phim khá đặc biệt. Anh có thể cho biết đôi nét về dự án phim này?

 

- Năm 2016, nữ đạo diễn kiêm nhà sản xuất Tonya Hyungsil Park, làm việc tại Arirang TV - kênh truyền hình tiếng Anh của Chính phủ Hàn Quốc - xem bộ phim tài liệu Lời ru cuối cùng do VTV Phú Yên sản xuất, Hồ Nhật Thảo và Hoàng Lưu Khánh đạo diễn, phát sóng trên kênh VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Đầu năm 2017, qua email, nữ đạo diễn Tonya đặt vấn đề với tôi về việc hợp tác làm phim. Ban đầu, ý tưởng bà đưa ra là Những ký ức của chiến tranh: tiếp tục chủ đề khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.

 

Tuy nhiên, qua làm việc với phía Hàn Quốc để khảo sát làm phim, chúng tôi nhận thấy cái khó là bên cạnh số đông lính đánh thuê Nam Triều Tiên cho Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thừa nhận tội lỗi của mình gây ra trong các vụ thảm sát tại miền Trung Việt Nam, nhiều cựu binh Hàn Quốc vẫn còn từ chối tội ác do họ gây ra. Như vậy ê kíp của VTV Phú Yên sẽ rất khó tác nghiệp khi sang Hàn Quốc.

 

Chính vì thế, chúng tôi đề xuất và phía bạn đồng ý chủ đề của bộ phim sẽ là cuộc đối mặt, theo kiểu “Việt Nam hỏi, Hàn Quốc trả lời”...

 

Arirang TV và VTV Phú Yên hợp tác sản xuất hai tập phim tài liệu với chủ đề trên, mỗi tập dưới 30 phút và tự chịu trách nhiệm về phim do mình sản xuất. Tất nhiên hai bên phải thống nhất kịch bản trước khi quay và điều này làm chúng tôi mất rất nhiều thời gian trong thời gian chuẩn bị.

 

Phía bạn phát sóng phim trong tháng 12/2017, đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2017). Mỗi bên sở hữu bản quyền trọn vẹn đối với chương trình do mình sản xuất.

 

Ê kíp làm phim phỏng vấn TS. nhà báo Ku Su Jeong trên đường phố Seoul, Hàn Quốc - Ảnh do ê kíp làm phim cung cấp

 

* Ê kíp sản xuất đã làm phim Đối mặt theo phong cách nào, thưa anh?

 

- Đối mặt được chúng tôi làm theo phong cách phim tài liệu không lời bình, vài trường đoạn thể hiện như “những lá thư video”, nạn nhân sống sót sau các vụ thảm sát tại Việt Nam là người hỏi, cựu binh Hàn Quốc là người xem video và trả lời. Bối cảnh quay, nhân vật phỏng vấn trải rộng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và thủ đô Seoul, đảo Jeju, tỉnh Gwangju, Hàn Quốc.

 

Khi dựng phim, có một người làm hậu kỳ bị bệnh nên tiến độ bị chậm. Tôi phải ngồi vào bàn dựng thay thế. Vất vả nhất là phải xem gần 1.500G hình ảnh, phỏng vấn thô. Chưa một chương trình nào có dung lượng lớn như thế. 1.500G để chắt lọc lấy chưa tới 60 phút phim thành phẩm! Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ dài, ngắn, khó khăn nhất là làm sao cắt cúp các phát biểu để vừa đúng ý đồ phim, vừa không quá nhạy cảm khi phát sóng.

 

Hai kỷ niệm khó quên khi làm bộ phim này là lúc chúng tôi phỏng vấn ông Lê Đình Mức ở Quảng Ngãi. Ông là nạn nhân sống sót trong một gia đình có nhiều người bị sát hại. Đang ngồi trả lời phỏng vấn, khi nghe câu hỏi “ông muốn nói gì với các cựu binh Hàn Quốc” thì ông đứng phắt dậy, chỉ tay vào ống kính cũng là hướng một quay phim của Arirang TV đang quay.

 

Mấy mươi năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng những nạn nhân sống sót. Còn phía Hàn Quốc, khi biết chúng tôi đến từ Tuy Hòa, Phú Yên, cựu binh Jung Jae Soo ở Sư đoàn Bạch Mã ngày trước đã dành cả buổi chiều và tối để nói về đất và người Tuy Hòa, Phú Yên như những kỷ niệm không thể nào quên.

 

Ông bị ép tham chiến, nhưng chỉ hơn một năm là được xuất ngũ. Ông kể, đơn vị ông đóng quân ở ngoại ô Tuy Hòa, bản thân ông chưa tham chiến trận nào. Có lần trên đường đi, ông phát hiện một phụ nữ chuyển dạ trên cánh đồng mà không có ai nên ông vừa cõng vừa chạy vào nhà thương Tuy Hòa.

 

Ông thường vào khu phố người Hoa dưới chân núi Nhạn mua hàng hóa rồi tình cờ gặp và yêu một người phụ nữ tên Hương. Giờ không biết người phụ nữ đó ở đâu, ông mong muốn tìm ra đầu mối để có dịp trở lại Phú Yên.

 

Phần trả lời của một vài cựu binh Hàn Quốc không như mong muốn của ê kíp, nhưng điều đó cũng phản ánh thực tế rằng: bên cạnh số đông cựu binh Hàn Quốc đã nhận ra lỗi lầm của mình, đang tham gia nhiều hoạt động trong phong trào Thành thật xin lỗi Việt Nam, thì vẫn còn số ít cựu binh cho rằng họ vô tội vì là lính đánh thuê, vì không phân biệt được VC (Việt cộng) với dân thường do trang phục gần giống nhau, vì trả thù cho đồng đội…

 

* Theo anh, đâu là thử thách khi sang Hàn Quốc sản xuất phim tài liệu Đối mặt? Chúng ta có thể học được những gì từ các đồng nghiệp ở Arirang TV?

 

- Tôi có may mắn vài lần theo các đoàn làm phim của Hàn Quốc, cả phim truyện cũng như phim tài liệu, và từng sang Hàn Quốc làm phim thu hút đầu tư cho tỉnh Phú Yên, làm phim về môi trường cho VTV nên cũng không lo lắm về áp lực. Áp lực là giai đoạn hai bên trao đổi với nhau bằng email để thống nhất chủ đề, cách thức làm phim. Và áp lực lớn nhất đối với cả ê kíp chúng tôi vẫn là sau khi xem xong phim, có đọng lại điều gì trong lòng khán giả không?

 

Riêng hai tập phim này với phong cách làm khác nhiều bộ phim tài liệu cùng chủ đề, với chất liệu khá “nặng ký”, chúng tôi hy vọng sẽ hấp dẫn người xem. Vả lại, hai lần trước tôi sang Hàn Quốc làm phim và lần này đều đúng vào mùa thu, nên ngoài những câu chuyện đau lòng của quá khứ, những suy tư của nhân vật, hình ảnh của mùa thu xứ Hàn, dù rất ít, cũng góp phần cho tập phim hấp dẫn về mặt tạo hình, nhất là ánh sáng.

 

Cuối tháng 9 năm ngoái, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Tonya Hyungsil Park cùng ê kíp có mặt tại Phú Yên, thực hiện những cảnh quay đầu tiên. Chúng tôi đã đưa đoàn đi quay tại Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, nơi đã diễn ra các vụ thảm sát dân lành của lính Nam Triều Tiên làm 80 người thiệt mạng.

 

Ông Phạm Đình Thảo, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát xóm Soi, thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam năm 1966, có đến 15 người thân trong gia đình bị sát hại là một trong những nhân vật chính trong tập phim tại Việt Nam. Trong số nạn nhân sống sót ở các tỉnh mà phim khai thác có ông Nguyễn Tấn Lân ở Tây Sơn, Bình Định và bà Nguyễn Thị Thanh ở Điện Bàn, Quảng Nam.

 

Năm 2015, họ được Quỹ Hòa bình Hàn Việt mời sang nói chuyện trước Quốc hội Hàn Quốc và Đại học Busan. Đây là những nhân vật khá “nặng ký” trong phim. Nếu điều kiện cho phép, chúng tôi còn dự kiến ra một cuốn sách về nội dung này, vì chất liệu mà chúng tôi có được trong vòng một tháng trời tác nghiệp ở Việt Nam và Hàn Quốc rất phong phú, nhiều chi tiết chưa được công bố, rất cần để độc giả hai nước chia sẻ, thông cảm cho nhau, hướng đến một tương lai hợp tác tốt đẹp hơn cho hai quốc gia.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek