Trần Quốc Cưỡng là một nhà văn viết chăm và bền. Bắt đầu từ tập truyện Mùa bướm vàng bay in năm 2003, đến nay qua hơn 15 năm, anh đã có tác phẩm thứ 9. Tập truyện ngắn Ngựa trắng vừa mới xuất bản năm 2018 nhỏ gọn và xinh xắn như một món quà giản dị anh dành tặng cho mình, cho độc giả.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng - Ảnh: CTV |
Tập truyện có dung lượng không lớn (chưa được 200 trang) nhưng có tới 21 truyện ngắn. Có những truyện như Rùa biển, Mắt thuyền, Duyên nghiệp… chỉ có 5, 6 trang sách; và cũng có nhiều truyện dài hơn 10 trang.
Vì ngắn nên mỗi truyện giống như một lát cắt ngang cuộc đời - phong phú và đa dạng. Mỗi lát cắt ấy có khi chỉ để gửi một thông điệp đơn giản về cuộc sống, có khi bộc lộ nhiều suy ngẫm, cảm xúc. Mỗi câu chuyện trong Ngựa trắng cũng giống như các mảnh ghép khác nhau về màu sắc, hình dáng, kích cỡ. 21 câu chuyện sắp xếp pha trộn như ngẫu nhiên, tình cờ ấy cùng góp mặt làm nên một bức tranh chung về con người và cuộc đời.
Tập truyện có nhiều truyện nhắc đến biển như Những ngôi nhà không có đàn bà, Rùa biển, Mắt thuyền, Khắc khoải biển; nhưng cũng có nhiều truyện lấy bối cảnh là vùng núi, cao nguyên như Hoa chỉ nở một lần, Cuống cuồng gió núi…
Có nhiều truyện lấy bối cảnh lịch sử xa xưa cách đây hơn 4 thế kỷ, có truyện kể về thời chiến tranh trước 1975 và nhiều truyện viết về thực tại bây giờ; có truyện nhân vật là vua chúa, có truyện là người lính, công an, phi công, là cô giáo, người mẹ già, là trẻ con… Có truyện đề cập đến số phận và tính cách con người, nhưng có truyện chỉ là cảm xúc hay sự ngưỡng mộ về cái đẹp, cái cao thượng.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng trong tập Ngựa trắng là người không tự giới hạn cho mình đề tài hay phạm vi hiện thực cần sử dụng. Với kinh nghiệm viết và vốn sống dồi dào, nhà văn để ngòi bút của mình khám phá nhiều đề tài khác nhau, khai thác nhiều chất liệu cuộc sống khác nhau.
Truyện Người phò trợ chúa Tiên là cách tác giả sử dụng chất liệu lịch sử để khái quát nên người anh hùng, người có công lao mở đất, gầy dựng quê nhà. Truyện Ngựa trắng, Ký ức rêu phong hay Con gà Giáp mã là cách pha trộn những huyền thoại, giai thoại hoang đường với đời sống thực tế để nói về con người và nhân cách con người.
Trong truyện ngắn Ngựa trắng - truyện được chọn lấy tên chung cho tác phẩm, nhà văn có nhiều đoạn viết bay bổng, duyên dáng như:
“Tiếng cười vừa dứt, chàng kỵ sĩ thúc hai chân vào hông ngựa. Con bạch mã chồm lên phi nước đại. Để lại sau lưng bầy ngựa trắng nhộn nhạo và lũ trẻ hiền lành. Ngựa trắng hộc tốc lao xuống núi. Trước mắt hiện ra thảo nguyên cỏ bời bời. Cỏ như thảm nhung xanh bao la…”
Nhân vật là chàng trai trẻ đẹp, oai hùng, ngoài tài nghệ phi ngựa, thổi sáo còn rất am tường về các loại ngựa. Điều quan trọng hơn hết là anh ta không bị tiền bạc lôi kéo, danh vọng quyến rũ, vì đã rất bản lĩnh giữ được nghề truyền thống của ông cha và biết cách bảo lưu, nhân lên những giá trị ấy trong thời buổi hiện đại hóa.
Bìa sách Ngựa trắng - Ảnh: PV |
Hình tượng nhân vật đẹp, cao thượng, nhân ái, cộng với những câu văn nhẹ nhàng, êm ái dễ khiến người đọc liên tưởng đến văn xuôi lãng mạn thời 1930-1945. Đề tài và thế giới nhân vật của tập truyện Ngựa trắng khá đa dạng, nhưng nếu muốn tìm một điểm “nhất dĩ quán chi” của tác phẩm thì có thể chỉ ra tấm lòng yêu thương con người tha thiết của nhà văn. Chúng tôi gọi đó là “trái tim hồng” vì anh bao dung, ngợi ca từ anh chiến sĩ công an trẻ, anh phi công đang học lái máy bay, đến cô gái quê tuổi đôi mươi hay một người gác ghi đường sắt không công, dù tuổi nghỉ hưu vẫn ngày đêm canh giữ đường tàu.
Tấm lòng tin yêu của tác giả khi nhìn nhận và lý giải hiện thực như vậy luôn khiến người đọc thấy đâu đâu cũng trong sáng, tốt đẹp, kể cả khi nhà văn đang phản ánh về cái xấu. Quan điểm nghệ thuật của nhà văn thể hiện qua tác phẩm là cuộc sống cho dù có lam lũ, khổ đau vẫn còn có cái đẹp, sự chân thành, lương thiện.
Truyện ngắn là thể loại văn xuôi phổ biến và phong phú nhất của văn học hiện đại vì tính cơ động, linh hoạt và khả năng biến hóa của nó. Trong truyện ngắn, nhân vật và kết cấu vẫn là hai yếu tố quan trọng góp phần làm nên giá trị của tác phẩm.
Với Ngựa trắng, nhà văn Trần Quốc Cưỡng đã cố gắng tạo cho nhân vật mình sự đa dạng về tính cách, tâm lý, nhưng có hai điều vẫn hiện ra rõ nhất trong tác phẩm của nhà văn đó là dòng cảm xúc nhân ái chứ không phải tính cách phức tạp của nhân vật và đặc trưng bối cảnh - văn hóa địa phương chi phối. Điều này thể hiện qua từ ngữ, lời thoại nhân vật và ngôn ngữ trần thuật của tác phẩm.
Nếu nhà văn chọn hướng khai thác tập trung bản sắc văn hóa của địa phương thì có thể sẽ là lợi thế. Hiện người đọc đã quá quen với loại truyện kể về kỷ niệm, hồi ức, cũng đã gần như chán với những truyện cố tình pha các yếu tố sex, bạo lực… Một cách viết chân thành về những gì đang diễn ra, độc đáo về văn hóa, gắn với yếu tố dân tộc sẽ là thứ văn chương vững bền.
Ngựa trắng là tập sách thứ 9 của Trần Quốc Cưỡng. Như tên của tác phẩm, có lẽ đây là hình ảnh mang tính biểu tượng về sự thiện lương, nhân ái của con người mà tâm hồn nhà văn hướng tới. Con ngựa đó được ký thác quá nhiều giấc mơ, chạy từ miền ký ức, mang theo tình yêu thương chan chứa cuộc đời, con người của chính tác giả.
Mong con đường văn chương của nhà văn tiếp tục dài và bay bổng ở phía trước.
PGS-TS NGUYỄN THỊ THU TRANG