Mấy năm nay, nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp hào hứng, say mê đưa một số tác phẩm văn học Nga đương đại đến với độc giả Việt Nam. Truyện vừa Con gái Ivan, mẹ Ivan của Valentin Rasputin, một trong những tác phẩm lớn của văn học Nga đương đại, là dịch phẩm mới nhất của ông. Cuốn sách này vừa được NXB Lokid Premium (Nga) xuất bản.
“Nhân duyên” của dịch giả Việt với nhà văn Nga
Valentin Grigorevich Rasputin (1937-2015) là một trong những nhà văn lớn của văn học đương đại Nga, người đại diện cho trào lưu văn học nông thôn Nga, đồng thời là nhà chính luận, nhà hoạt động xã hội sâu sắc. Ông từng được Hội Nhà văn Nga đề cử giải Nobel Văn học vào năm 2010. Hầu hết tác phẩm của ông trong thời kỳ Xô viết đều được dựng thành phim.
Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, bắt đầu dịch tác phẩm của Valentin Rasputin từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông mới bước vào làng văn và dịch vài cuốn sách. Lúc đó, một số tác phẩm của Valentin Rasputin xuất hiện trên văn đàn nhưng cây bút này chưa nổi tiếng. Đào Minh Hiệp đọc tạp chí văn học nước ngoài, trong đó có nói về nhà văn Valentin Rasputin và trích đăng một số truyện ngắn của ông ấy.
Dịch giả kể: “Theo cảm nhận của tôi, Valentin Rasputin khác với những nhà văn thuộc thế hệ trước. Tôi tìm mua được cuốn tiểu thuyết Vĩnh biệt Machiora của ông. Khi tác phẩm này ra mắt, rất nhiều người phản ứng, trong đó có giới phê bình văn học Nga.
Lúc đó, phong trào xây dựng thủy điện đang rất mạnh. Nước Nga thiếu điện năng, hàng loạt công trình thủy điện được xây dựng, rất nhiều làng mạc sau đó bị chìm dưới lòng hồ. Dân cư tại những khu vực đó tất nhiên được đưa đến nơi khác sống, nhưng quan trọng là những kho tàng văn hóa, lịch sử bị chìm vào lòng hồ thủy điện.
Đấy là vấn đề mà Valentin Rasputin cảnh báo trong tác phẩm của ông và sau này, việc xây dựng thủy điện cũng phải thận trọng hơn. Tôi dịch tiểu thuyết Vĩnh biệt Machiora, gửi đi và được in ngay. Sau đó, tôi dịch một số truyện của ông ấy nữa. Văn của Valentin Rasputin không mãnh liệt như những nhà văn khác mà có sự thâm trầm của một người từng trải, có vốn văn hóa sâu sắc”.
Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp dịch Con gái Ivan, mẹ Ivan theo gợi ý của dịch giả Thúy Toàn. Mấy năm trước, dịch giả Thúy Toàn sang Nga và gặp Valentin Rasputin, khi nhà văn này vừa ra mắt truyện vừa mà ông rất ưng ý Con gái Ivan, mẹ Ivan (và tác phẩm này lại bị phản ứng, vì phơi bày những suy đồi khi nước Nga bước vào nền kinh tế thị trường).
Đưa một tác phẩm lớn của văn học Nga đương đại đến với độc giả Việt
Bìa truyện vừa Con gái Ivan, mẹ Ivan - Ảnh: YÊN LAN |
Truyện vừa Con gái Ivan, mẹ Ivan do nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Sách dày hơn 250 trang, khổ 20 x 13,5cm, bìa cứng, đẹp, được VTB - tập đoàn tài chính của Nga tài trợ chính, NXB Lokid Premium (Nga) xuất bản. Con gái Ivan, mẹ Ivan gồm 3 phần, là câu chuyện về một người mẹ phải bảo vệ danh dự gia đình mình bằng hành động cực đoan sau khi con gái bị cưỡng hiếp, từ đó kéo theo hàng loạt hệ lụy… Trước đó, vào năm 2016, truyện vừa này đã được NXB Công an Nhân dân xuất bản.
Con gái Ivan, mẹ Ivan lấy bối cảnh nước Nga sau khi Liên bang Xô viết không còn nữa. Tamara Ivannovna, một bà mẹ tự tin, là cựu điện báo viên, đã tận cùng đau đớn khi con gái bà bị cưỡng hiếp, rồi lại thêm đau đớn khi chứng kiến những người có trách nhiệm lấy lời khai của con bà.
“Svetka lại im lặng và gục đầu xuống bàn. Khuôn mặt cô trở nên nhỏ bé, đáng thương và tái mét, có cảm giác như những vết thâm tím dưới mắt đã lan ra khắp khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi bé xíu… Bà Tamara Ivannovna liếc nhìn cô con gái và ngay lập tức phải đưa mắt ra chỗ khác, cảm thấy hoảng sợ vì tâm trạng của con gái đã suy sụp nhanh chóng, hay là một điều gì đó tương tự có thể thôi thúc nó ngay lúc này sẵn sàng nhảy xuống vực thẳm. Svestka sắp đi đến cái đoạn đáng sợ nhất trong câu chuyện của mình; giờ đây chỉ cần một cú đẩy nhẹ là chắc chắn nó sẽ lao xuống: từ độ cao ấy, nó sẽ va đập liên tục vào những mỏm đá nhọn hoắt, bị thương đầy mình, nhưng vẫn rơi xuống nữa, cơ thể dập nát, không còn hơi, không còn sức để có thể tuyệt vọng gào thét lên…”.
Bà mẹ đau khổ chờ đợi công lý lên tiếng, nhưng công lý không muốn đứng về phía đứa con gái đáng thương của bà, không đứng về phía người bị hại. Trong trường hợp này, đồng tiền dường như đã khẳng định sức mạnh của nó.
Bà Tamara Ivannovna đến viện kiểm sát với một khẩu súng của cha mình và đòi lại công lý theo cách riêng. “…mọi thứ trong người bà bị ném xuống và kéo căng lên tột đỉnh, có cảm giác, chỉ cần một tích tắc nữa thôi là bà sẽ giật bỏ tất cả những gì ràng buộc và lao vút vào không gian. Nhưng đúng vào tích tắc ấy, bà đã kịp đưa cái túi xách ép vào ngực, sờ nắn tìm kiếm cái gì đó cần thiết đã được chuẩn bị trước, đưa cái túi về phía trước và lại hé cánh cửa ra. Bây giờ, thằng thanh niên kia đã nhận ra bà, vẻ mặt hắn méo xệch hẳn đi… Chiếc túi xách của bà bỗng vang lên bằng một phát súng. Bà Tamara sẽ nhớ suốt đời giây phút ấy: thằng thanh niên, thoạt đầu hình như là định đứng dậy lao về phía bà, nhưng ngực của hắn chỉ còn nâng lên trong hơi thở cuối cùng. Hắn đưa tay ôm ngực, ngã ngửa ra lưng ghế, giật lên một cái rồi từ từ đổ vật xuống, ngã đập vào cánh cửa…”.
Bà Tamara Ivannovna đã kịp nhảy vào căn phòng đối diện. Bà hoàn toàn không còn nhớ gì nữa, nhưng có cái gì đó giống như một nỗi kinh ngạc ghê gớm trước khi bị con sóng cuối cùng cuốn bà trôi đi, rồi một nỗi kinh ngạc khác cũng không hề nhỏ hơn khi bà đối diện với dự thẩm viên Tsokol vừa nhổm dậy sau bàn. Cả hai đều sững sờ. Trong phòng còn một người nữa, một người Kavkaz đang định giấu một xấp tiền trong lòng bàn tay…”.
Thông qua câu chuyện về một người mẹ phải bảo vệ danh dự của gia đình mình bằng hành động rất cực đoan, Con gái Ivan, mẹ Ivan đề cập đến những biến động dữ dội trong đời sống tinh thần và kinh tế của nước Nga khi bước vào nền kinh tế thị trường. Năm 2005, tác phẩm này được dịch sang tiếng Hoa và đoạt giải thưởng Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất trong năm đó.
Con gái Ivan, mẹ Ivan là truyện dịch thứ tư của dịch giả Đào Minh Hiệp được Chính phủ Nga hỗ trợ xuất bản, sau Cuộc chiến đi qua của nhà văn Kanta Ibragimov, tuyển tập truyện vừa Kinh nghiệm tình ái và tuyển tập truyện ngắn Đôi cánh (dịch cùng dịch giả Phan Bạch Châu).
Nhà văn - dịch giả Đào Minh Hiệp là một trong số ít dịch giả say mê đưa văn học Nga đương đại đến với độc giả Việt Nam. Theo ông, văn học Nga đương đại vẫn giữ giá trị nhân văn nhưng khai thác nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực khác nhau nên ngôn ngữ rất đa dạng và cũng… phức tạp hơn văn học cổ điển, vốn được trau chuốt và rất trong trẻo. Chọn được tác phẩm có giá trị về văn học, tư tưởng để dịch cũng không hề dễ dàng.
Dịch giả Đào Minh Hiệp chia sẻ rằng Con gái Ivan, mẹ Ivan có ngôn ngữ mang đậm văn hóa Nga, đó vừa là điều thú vị vừa là thử thách đối với ông. Đọc cuốn sách như thế này, độc giả có thể hiểu được đời sống xã hội Nga đương đại. Và cho dù tác phẩm viết về tội ác không thể dung thứ, đến mức người mẹ phải trả thù bằng cách bắn tội phạm nhưng đọc xong, điều đọng lại vẫn là những gì tốt đẹp của con người.
YÊN LAN