Thứ Tư, 09/10/2024 05:24 SA
Ban mai xanh – truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO
Thứ Hai, 05/11/2018 07:00 SA

Già Sáu lui cui tháo gióng cửa chuồng bò, bên trong là con Vá đang khìn khịt thở mạnh khua sừng cồm cộp vào thanh chắn gỗ, lão quát khẽ con bò cộ cao to, chắc khỏe: “Từ từ thôi, còn sớm mà Vá!”. Phía chân trời sau lũy tre còn sẫm bóng tối, ngôi sao mai vẫn nhấp nháy trong gió se lạnh lẫn côn trùng rỉ rả. Một hợp âm quen thuộc cho cả hai vào mỗi sớm mai cho đến khi đàn gà chen chúc ngủ trên cây sào sát mái chuồng bò thôi nghiêng ngó ánh sáng phát ra từ cây đèn bão đặt giữa sân. Con trống tía đập cánh roàn roạt, cong cổ cất tiếng gáy kéo dài và như đồng loạt của sự báo hiệu, gà nhà bên, gà cả xóm thi nhau cất tiếng. Ban mai yên tĩnh đã hết, nhường cho giờ phút giao điểm của bóng đêm và ban ngày. Như bao lần, vợ lão, người đàn bà nhỏ nhắn với khăn trùm đầu cui cúi đi đến bên lão với chiếc bi đông nước cùng bọc vải đựng thức ăn nửa buổi.

 

Minh họa: PV

- Hôm nay vẫn chở cát cho nhà thằng Lợi?

 

- Ừ.

 

- Trưa về không?

 

- Về.

 

Câu trả lời cộc lốc phát ra từ già Sáu đang cúi người hí húi tra móng sắt vào chân con Vá. Như chủ, nó cũng tỉnh bơ đưa mắt nhìn và nhai đều đều đọt mía non. Bà lão tháo cây đèn bão để già Sáu tra cáng, quàng dây buộc vào con Vá. Mùi rơm nồng rạ mục oi oi, mùi phân bò theo gió phát ra từ góc chuồng hăng sực để già Sáu chợt nhớ, quay lại dặn:

 

- Bảo thằng Ba lo dọn phân, đánh tơi cho mau khô, dọn hết cho mòng khỏi đẻ cắn con Vá.

 

Lần này vợ lão chỉ ừ cộc lốc, khom người bê bó mía đọt ném vào thùng, móc vào càng đồ dùng của già Sáu. Ban mai xanh dần, chiếc cộ rời sân thủng thẳng tiến về cổng tre lăn bánh trên con đường đất tiếp giáp cánh đồng, nơi xa kia là khu du lịch biển vẫn sáng ánh điện khi chỗ lão, ban mai vẫn yên tĩnh, sương mù vẫn trôi mờ mờ, gió vẫn se se lạnh, côn trùng vẫn rỉ rả. Già Sáu moi bịch thuốc rê trong túi áo ra vấn điếu sâu kèn, cúi người mồi lửa nhìn theo làn khói trôi lãng đãng lúc con Vá đặt chân sang bên kia đường hướng về động cát mà nhẩn nha đi đều.

 

Gần bảy giờ sáng, ánh nắng chan hòa trên cánh đồng, phủ xuống lũy tre nơi ngã ba xóm Cói nằm gần khu biển đang ồn ào đủ tiếng người khi bầy heo, bò ngang nhiên vừa đủng đỉnh chen lấn vừa đái bậy ra đường. Tốp cộ bò để cộ châu càng chiếm hơn nửa lòng đường có quán cà phê đang mở lớn âm thanh những bản nhạc borelo thịnh hành chen cùng tiếng cười nói. Rồi thanh niên rảnh việc, các cô gái làm đêm đủ nghề đi vào quán cháo lòng tiết canh mà sì sụp chan húp. Sương dù dần tản mác nhường cho khói bếp hun trấu, khói rơm lẫn rác, khói hàng quán đủ mùi vị quyện lấy rồi tỏa lan theo gió.

 

Cu Đực ngồi phía ngoài bàn cháo lòng, tô cháo đã hết nhường cho bầy ruồi bu đấy. Nó trông thấy từ xa, già Sáu cùng con Vá chen lách qua dãy lều quán liền quay nhìn cả bọn đang chuyền tay nhau ly rượu thuốc: “Đi thôi bọn mày, lão Sáu đến!”. Loáng cái, năm chiếc cộ tháo dây, quay đầu hướng ra đầu hẻm đến đường lớn. Già Sáu nối tiếp theo sau và đưa mắt điểm danh đội hình. Đầu là Đực “lì”, rồi Sơn “cụt”; Phước “lai”… những tên đệm của lũ bò gán vào như già Sáu là “Sáu vá” nghe ngồ ngộ nhưng dễ phân biệt vì cả xóm này, tính sơ trên chục tốp bò cộ. Và cánh già Sáu thuộc tốp đắt hàng nhất, nghiêm túc nhất. Nhiều đứa bỏ ngang việc học để sắm cộ, mua bò và xin đầu quân lão. Nhưng lão lắc đầu, nói: “Bọn ngũ quỷ ấy tao phát mệt!”. Thật ra, năm đứa ấy lão ngầm chọn vì chúng hiền, dân chính gốc xóm Cói, cha mẹ chúng dù hẻm trên, ngõ dưới cũng từng qua lại nhà lão.

 

Già Sáu đắt hàng vì có uy tín do không ép giá hay phá giá khi các công trình, nhà xây tấp nập, nhất là khu quy hoạch xong. Mà thời buổi này, dân xây nhà quá nhiều thì vật tư, công sá đều cẩn thận bởi là tiền, mà tiền giảm hay phù hợp tình hình luôn có lợi cho gia chủ; nhất là những ngôi nhà xây trong hẻm đầy ngóc ngách chỉ có cộ bò là đi lọt. Vậy là con bò cộ luôn rong ruổi trên các ngả đường với tấm ni lông treo lủng liểng sau mông phòng nó ỉa bậy nhưng chưa có quy ước phòng nó tè bậy. Riêng những con đường cấm xe súc vật đi lại thì tốp lão vẫn sẵn sàng phục vụ từ khuya đến rạng sáng không chút nề hà. Bọn cu Đực nghe lời già Sáu răm rắp, có lần chúng thấy lão tả xung hữu đột khi vừa xuống tấn liền vung roi quất tơi bời bọn xóm Cát chặn đường giành bãi; cũng có lần lão trừng mắt, nhổ toẹt vào mặt gã thầu xây dựng bớt một, chừa hai tiền đổ cát nền, gằn giọng: “Này con, mày ngon thì ăn chặn bọn ngang hàng, đừng chọn bọn trên răng dưới đuôi bò, hèn lắm!” rồi phủi đít đi thẳng. Có điều, mỗi lần đi lấy cát phải ra thật xa nơi khu phi quân sự cũ, cái gò vắng vẻ không ai lấy trừ già Sáu. Vậy mà, lão lấy gần như san phẳng nên lão cho cả bọn vào gần hơn, còn mình thì vẫn lầm lũi đến khu đầy kẽm gai lộ ra hoen gỉ. Chuyện lạ. Nhưng thôi, lũ cu Đực quất lẹ cho đầy thùng rồi đi chuyến sau kẻo nắng, mà nắng áp lưng bò nó nổi quạu đứng lỳ thì có nước ngồi cùng nó giữa động cát đợi sẩm tối qua cái nắng đổ lửa mới đi khi công trình đang hồi xuống móng cần cát rất nhiều.

 

Chuyến sau cùng, trời sập tối. Già Sáu mệt rã người nằm toài ra cộ mặc cho con Vá đủng đỉnh tìm đường về. Gió đêm mát rượi, lão thiêm thiếp ngủ, trong lơ mơ ấy có ánh sáng chói lòa, chói nữa, bụng lão thầm nghĩ đoạn đường đêm nay sao lắm xe dập dìu, nhưng kệ… Lại có ánh sáng leo lét in trên động cát trắng, trải dọc hàng rào kẽm gai thêm cả thằng Tân, thằng Nam. Uwor, té ra pháo sáng treo lơ lửng trên bầu trời cùng tiếng nổ rời rạc sau trận công kích đợt đầu của bọn biệt động bị đánh dạt ra sau. Hai thằng vẫn ngồi im lìm dưới hố tay nắm báng súng, mắt chăm chú nhìn hàng kẽm gai trên động cát. Vượt qua đó sẽ về cứ, qua đó là đạp lên đống mũ sắt nhấp nhổm định ào lên. Cả tiểu đội chín đứa còn ba sau khi mở rào tập kích vào sân bay dã chiến. Thằng Nam mặt ám khói bụi ngửa cổ dốc nước từ chiếc bi đông Mỹ làm chiến lợi phẩm, khà nhỏ: “Phải chi có vốc trà, nhưng thôi, uýnh trận này thôi là hòa bình cái roẹt, mày về làm gì hả Tân?”, thằng Tân đang tháo gắp đạn lẩm nhẩm đếm, cười cười gật gù: “Trước tiên phụ ông bà già sửa lại căn nhà để ngăn phòng mà lấy vợ, con nhỏ nhà sát rào, đẹp ác liệt!”. Nam chuyền bi đông sang lão: “Sáu Cần, còn mày?”. Ông im lặng, tay lắc lắc lắng nghe âm thanh của vài giọt nước cuối cùng, nói: “Tao về xóm Cói, rủ dân sang đây lấy cát, san lấp nâng đường cho cao để hai thằng mặt đen như bồ hóng kia, cưỡi xe vào dự đám cưới sáu Cần!”. Cả ba cười sặc thì những lằn chớp quét ngang dọc nổ ầm ầm. Thằng Nam đã bật lựu đạn lúc thằng Tân nhỏm dậy rê súng. Trong chớp sáng nhoang nhoáng lóe, ông thấy hai đứa ngã nhào xuống rãnh cát rồi rùng rùng chao đảo mặt đất.

 

- Dậy mày, sáu Cần!

 

Già Sáu ngơ ngác nhìn, trước mắt là ba Hoàng đang cúi người lay vai, tay kia đặt lên vai con Vá. Sau xưởng gỗ còn nhá đèn pha bảo vệ sáng rực.

 

- Vào trong này uống trà, tôi vừa hãm nước đầu nghe ông.

 

Lão bước xuống cộ, với tay ném vài đọt mía cho con Vá rồi theo ba Hoàng đến phòng trực xưởng cưa. Cái đận tập kích ấy, cứ nghĩ gã này tiêu rồi. Té ra, hắn lạc tiểu đội lúc nhào vào cổng sân bay. Bọn lính dẫn chó tảo thanh rát quá nên nhảy xuống đồng cói quơ lục bình, bèo tấm tấp đầy người chờ tối mịt hôm sau ngoi lên mò về cứ. Còn ông, sức ép của đạn pháo hất văng ra xa bất tỉnh, bị đưa liền lên trực thăng về thẳng tỉnh đường. Đập ông chán chê nó đày đi Phú Quốc. Sau 1975, ông và ba Hoàng làm chủ nhiệm hợp tác xã mây tre, chiếu cói. Không hiểu rì rầm to nhỏ ra sao, tổ chức gọi lên đều đều, viết kê khai đều đều và ông làm đơn xin về làm dân xóm Cói ngày ngày ngồi sau đuôi bò ra roi, xúc cát thủng thẳng góp phần xây những ngôi nhà mới khang trang, cho khỏe.

 

Lại một ban mai tĩnh lặng, già Sáu và con Vá đi sớm hơn mọi bữa. Phải đi trước vì nhóm cu Đực lấy cát gần, còn ông thì ra tận gò. Được gần nửa thùng cộ, chiếc xẻng va phải vật lạ nên ông cúi người để nhìn. Trong tranh tối, tranh sáng già Sáu cầm lên chiếc bi đông hoen gỉ sút góc nơi miệng: “Đúng rồi, đây mà…”. Chiếc bi đông nước của thằng Nam từng đưa qua ông trong trận tập kích năm ấy đang hiển hiện trước mắt. Lão vớ xẻng, hùng hục xúc đào, panh rộng; càng làm càng phấn khích không biết mệt mỏi khi con Vá ngừng nhai ngơ ngác nhìn ông trong màn sương mờ, hé dần tia nắng ban mai cho một ngày trời xanh rực rỡ. Ông đã từng thủ thỉ bên nó: “Tao yếu rồi, mày còn khỏe, mình ráng làm thêm năm nữa rồi nghỉ mày ạ. Tao cùng mày lên rẫy thằng Hai chăm sóc cây cối cho nó”. Vậy mà bây giờ ông đào như điên, chưa có lúc nào xăng xái như bây giờ, cứ xúc, cứ đổ ào ào, nhưng lạ, thùng cộ vẫn chưa đầy mà cát cứ lấp đầy dưới chân ông.

 

Già Sáu người đẫm mồ hôi nhưng vẫn cúi người hất từng xẻng cát trong mê mải, trong tiếng rên nho nhỏ theo nhịp thở phập phồng nơi lồng ngực. Đến khi lộ vệt cát đen khiến lão bật run và vệt cát ấy lộ dần từng miếng vải ka ki bạc thếch: “Bọn mày hả Tân, hả Nam, dậy đi hai đứa…”. Lão vứt xẻng, bò toài dùng hai tay cào bới, miệng thều thào rên rỉ. Hai thân người, không, đúng hơn là hai bộ xương ẩm mục, vỡ vụn nằm chồng lên nhau, chen lẫn với cát, với vải rách tướp. Đôi tay lão luồn xuống, mò mẫn moi ra lọ thuốc rỗng ruột kín nắp, rồi lọ nữa để soi lên ánh sáng của ban mai xanh, lão rên nhẹ nhưng phấn khích: “Đúng hai đứa rồi, tao biết mà, biết mà. Đận ấy, hai đứa nhào xuống cát, tao nói mà chẳng ai tin. Sao không sống cùng tao, ở cùng tao hở tụi mày? Giờ thì mình về thôi, về thôi!”

 

Cu Đực từ xa nhìn thấy bóng già Sáu đang cui cúi sau đống cát phả đầu lão liền chụm hai tay làm loa gọi nhưng già Sáu vẫn không nghe. Nó đi dần đến nhìn con Vá rồi trố mắt nhìn lão đang cười một mình trong nước mắt dàn dụa nói như mê sảng: “Tao đã có vợ, bả cùng xóm, sát rào. Đêm ấy, bọn mày cũng về bên tao vì chó tru miết, tao biết nhưng im lặng”. Vừa thấy cu Đực ngơ ngác nhìn mình, lão khoát tay quát nó: “Về kêu ba Hoàng gấp, lẹ đi!”. Cu Đực dọt liền nhưng già Sáu lại gọi với theo khiến nó sựng lại: “Kêu cả bọn đổ hết cát rồi đánh cộ không vào cho tao! À, mày chạy lên xã nói thằng Huyên chủ tịch ra đây, co giò lên con!”. Thằng Đực chạy mất hút trong trảng cát, chiếc mũ vải rơi ra nó không kịp nhặt nằm chỏng chơ trên cát trong ban mai xanh ngăn ngắt, trong lành.

 

Tháng sau, mọi chuyện trở lại bình thường. Già Sáu đưa con Vá cho thằng Ba. Ngày đầu tiên ở nhà có ba Hoàng xuống với lão. Cả hai ngồi bên chiếc bi đông sứt mẻ cùng chín ly nước từ lúc còn mờ sương cho đến khi mặt trời trải dài trên đồng cói mà kể từng chi tiết trận đánh đận ấy, giờ đã đủ cả dù người sống, kẻ mất đi. Ngày sau, lão ngồi một mình bên bàn trà lúc còn mờ tối nhìn con Vá rời cổng rào tre, vợ lão ra khép cổng rồi đến bên lão. Im lặng lúc lâu, bà cúi người nâng chiếc bi đông nhẹ nhàng rót vào ba chiếc tách để sẵn, trong mùi trà tỏa lan hình như thoảng qua trong làn gió nhẹ quyện chút hương trầm cùng ban mai xanh yên tĩnh.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek