Tối 7/9, “VTV Awards - Sắc màu 2018”, một giải thưởng uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp tạo nên những sản phẩm truyền hình chân thực, chất lượng và giàu tính nhân văn, được trao tại Hà Nội. Chương trình Đào mai tương ngộ của VTV Nha Trang do nhà báo Trần Thanh Hưng biên kịch và tổng đạo diễn, nhà báo Tường Quang đạo diễn ca nhạc, quay phim Phương Vũ đạo diễn hình ảnh… vào tốp 5 hạng mục Chương trình của năm.
Báo Phú Yên phỏng vấn nhà báo Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc VTV Nha Trang, về Đào mai tương ngộ và cách giải bài toán khán giả trong bối cảnh hiện nay. Nhà báo Trần Thanh Hưng cho biết:
- Năm nay, VTV Nha Trang có 3 chương trình tham gia “VTV Awards - Sắc màu 2018”, gồm chương trình Đào mai tương ngộ, phim tài liệu Sinh 1968 gồm 4 tập và hình ảnh thời sự ấn tượng về việc nhiều tàu hàng bị nạn trong cơn bão năm ngoái tại cảng Quy Nhơn, Bình Định.
Nhà báo Trần Thanh Hưng (bên phải) trao đổi với TS - nhà nghiên cứu lịch sử Trần Đại Vinh - Ảnh: Ê KÍP ĐÀO MAI TƯƠNG NGỘ |
Rất tiếc là hai chương trình kia không vào sâu được các vòng trong. Thể thức chấm giải thưởng này là 50% điểm từ kết quả phiếu bầu của khán giả, 50% điểm từ Hội đồng bình chọn của VTV.
Khi nhận được thông báo từ hội đồng, Đào mai tương ngộ được vào tốp 10 ở vòng 1, rồi tốp 5 ở vòng 2 hạng mục Chương trình của năm, là người biên kịch và tổng đạo diễn chương trình, tôi cùng anh em trong ê kíp rất vui.
Nhưng niềm vui nhất là công sức của cả ê kíp bỏ ra hàng tháng trời từ tiền kỳ đến hậu kỳ vẫn còn được khán giả đón xem, nó thể hiện qua số phiếu bình chọn của khán giả, trong bối cảnh truyền hình truyền thống đang mất dần khán giả.
“VTV Awards - Sắc màu 2018” gồm 10 hạng mục: Dẫn chương trình ấn tượng, Phim truyền hình ấn tượng, Diễn viên nam ấn tượng, Diễn viên nữ ấn tượng, Ca sĩ ấn tượng, Chương trình của năm, Hình ảnh thời sự ấn tượng, Chương trình Văn hóa - Khoa học xã hội - Giáo dục ấn tượng, Phim tài liệu ấn tượng và Nhân vật của năm; mỗi hạng mục một giải thưởng. Gặp nhau cuối năm giành chiến thắng ở hạng mục Chương trình của năm. |
* Từ ý tưởng nào, anh và ê kíp thực hiện một chương trình vừa có bóng dáng lịch sử vừa mang tính nghệ thuật, về cuộc tiến quân thần tốc của Hoàng đế Quang Trung và chuyện tình của nhà vua với Ngọc Hân công chúa?
- Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được sự giúp đỡ của GS Viện sĩ Đặng Hữu, Chủ tịch Hội Đồng hương Bình Định tại Hà Nội, võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo dự kiến đưa 1.000 cây mai Bình Định ra trồng trong khuôn viên chùa Kim Sơn.
Chùa Kim Sơn xưa thuộc trại Kim Mã trong vùng Thập Tam Trại, nằm ở phía tây Thành Thăng Long. Vùng này từng là bãi chiến trường trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử năm 1789.
Các nhà sử học và các vị sư trụ trì chùa Kim Sơn đều cho rằng, trong trận chiến mùa xuân Kỷ Dậu, nghĩa quân Tây Sơn hy sinh nhiều nơi ở Thăng Long đều được quy tập về chôn ở khu đất này. Sau đó, nhân dân đã xây chùa Tây Sơn cạnh khu nghĩa địa này để ngày đêm hương khói, cầu siêu thoát cho anh linh nghĩa sĩ Tây Sơn trận vong.
Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, để tránh những hệ lụy, nhân dân đã đổi tên Tây Sơn tự thành Kim Sơn tự, tên gọi này tồn tại cho đến hôm nay. Trải qua hơn 200 năm với nhiều biến cố lịch sử, những chứng tích về nghĩa quân Tây Sơn ở chùa Kim Sơn đã dần mai một.
Ban trụ trì chùa Kim Sơn, Hội Đồng hương Bình Định tại Hà Nội, tỉnh Bình Định đã vận động nhiều nguồn lực để xây dựng Nhà bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn tại chùa Kim Sơn, trong đó có dự án 1.000 cây mai của võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo, một người con Bình Định.
Tôi nghĩ, mai vàng là hình ảnh của mùa xuân phương Nam, còn hoa đào là hình ảnh của mùa xuân đất Bắc. Còn theo cố GS Phan Huy Lê, dù chỉ là huyền sử, nhưng hình ảnh cành bích đào vua Quang Trung cho người mang về tặng Ngọc Hân công chúa chính là thông điệp báo tin chiến thắng, thể hiện tình cảm của nhà vua dành cho người vợ yêu quý.
Và cùng với mai vàng phương Nam, đào - mai còn thể hiện sự hòa hợp Bắc - Nam trong mùa xuân đoàn viên của dân tộc từ hơn 200 năm trước. Vậy tại sao không xây dựng một chương trình truyền hình với chủ đề Đào mai tương ngộ? Ý tưởng chương trình được ra đời như thế.
Nhưng tiếc là thời điểm năm 2000, bão lũ tàn phá mai vàng Bình Định rất nặng, tấm lòng thành của võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo và ý tưởng của chúng tôi chưa thực hiện được mà kéo dài đến năm vừa rồi mới triển khai.
Nói thêm một chút về hình thức thể hiện, chúng tôi cố gắng huy động nhiều loại hình từ trao đổi với các nhà nghiên cứu lịch sử, các clip phát xen đến một số tiết mục văn nghệ, kể cả tư liệu từ phim truyện “Tây Sơn hào kiệt” của Hãng phim Lý Huỳnh để biến một câu chuyện lịch sử trở nên dễ xem, dễ tiếp cận. Phần hình ảnh được các quay phim Văn Trọng, Phương Vũ, Trung Hiếu... trau chuốt, góp phần làm cho chương trình thành công.
Ê kíp VTV Nha Trang thực hiện một cảnh quay Đào mai tương ngộ tại Thái Bình lâu, Huế - Ảnh: Ê KÍP ĐÀO MAI TƯƠNG NGỘ |
* Từ kinh nghiệm của anh - người hơn 20 năm làm nghề và rất tâm huyết với nghề, làm thế nào để các chương trình truyền hình thu hút khán giả trong bối cảnh hiện nay?
- Trả lời câu hỏi này, hãy bắt đầu câu chuyện từ gia đình bạn. Hiện nay, hàng ngày, người lớn, trẻ con xem gì, xem ở đâu, qua thiết bị gì? Rõ ràng, những dự báo của các nhà nghiên cứu trên thế giới là khá chính xác: khi internet xuất hiện, báo mạng lên ngôi, báo giấy bắt đầu cáo chung; khi truyền thông mới xuất hiện, báo chí công truyền thống, trong đó có truyền hình, bắt đầu đối mặt với việc mất khán giả, độc giả.
Để đạt con số 50 triệu lượt người xem, truyền hình, phát thanh mất đến vài chục năm, nhưng các “gã khổng lồ” trên internet như Google, YouTube... chỉ mất 4 năm, mạng xã hội Facebook chỉ mất 2 năm. Hàng ngày, nhiều người mất dần thói quen đọc báo in, ít khi nghe phát thanh, bắt đầu xa rời truyền hình truyền thống.
Giỏi lắm, đàn ông xem các bản tin trên VTV, HTV, đài địa phương, người nội trợ xem những bộ phim tâm lý xã hội trong giờ làm bếp, trong bữa ăn gia đình. Còn phần lớn giới trẻ hiện nay có thể xem mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị cầm tay thông minh chương trình mà mình yêu thích.
Cách đây vài hôm, Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh tiếp tục giới thiệu dịch vụ mới Video watch, có thể xem, chia sẻ, lưu trữ video trực tuyến. Điều đó cũng có nghĩa thêm một thách thức mới đối với báo chí công nói chung và truyền hình nói riêng.
Trước bối cảnh đó, việc sản xuất các chương trình truyền hình dứt khoát phải có sự thay đổi lớn nếu không muốn mất khán giả.
Hai năm nay, song song các chương trình truyền hình truyền thống, các đơn vị của VTV đã sản xuất các chương trình chính luận, giải trí có thời lượng ngắn để phát trên internet, đáp ứng nhu cầu xem nhanh, xem ngắn gọn, xem mọi lúc, mọi nơi của khán giả.
Nói nôm na, nếu có một biến cố nào đó đang xảy ra, phóng viên, biên tập viên phải online loan báo ngay thông tin đó, đồng thời dự báo bao lâu nữa sẽ có mặt tại hiện trường để tiếp tục cung cấp thông tin cho khán giả.
Khi đến hiện trường, bên cạnh việc tác nghiệp như truyền thống, còn phải tiếp tục online để cung cấp thông tin cho khán giả qua sự quan sát của mình, phỏng vấn người có trách nhiệm ở hiện trường... Đó là tin tức.
Còn các chương trình sau tin tức tất nhiên phải biết khán giả đang quan tâm, thích xem điều gì. Và cuối cùng là vấn đề PR chương trình, vì bây giờ là lúc mình tìm đến khán giả chứ không phải ngồi đó chờ khán giả tìm tới.
Một điều dễ dàng nhận thấy cho sự mất dần khán giả của truyền hình truyền thống là thị trường quảng cáo dù vẫn còn chiếm tỉ trọng khá, nhưng nếu so với trước thì đang ngày càng sụt giảm. Hai năm qua, các nhà đầu tư quảng cáo cắt giảm ngày càng lớn cho thị phần truyền hình để chuyển sang internet và các phương tiện truyền thông mới. Các đánh giá và dự báo đều cho thấy, tương lai của truyền hình là nằm ở internet và đến khoảng giữa thập kỷ sau sẽ không còn khái niệm truyền hình quen thuộc, thậm chí còn sớm hơn.
Kỷ nguyên số hôm nay khác căn bản so với xã hội thông tin từ trước tới nay. Trong thời đại truyền thông mới đó, truyền hình truyền thống không thể thắng được trong cuộc đọ sức chưa từng có tiền lệ chỉ bằng lý trí và quyết tâm suông.
Kinh nghiệm, mong muốn thôi chưa đủ, đây còn là khả năng thích ứng mau lẹ với sự thay đổi của công nghệ mới. Biết sợ mới biết lo, biết lo buộc phải thay đổi, dám thay đổi, dám đi những bước đầu tiên thì mới có thể tới đích, nếu không muốn bị tụt lại hoặc đứng qua một bên cho người khác đi.
* Xin cảm ơn anh!
YÊN LAN (thực hiện)