Thứ Bảy, 30/11/2024 13:53 CH
Nguyễn Bính và những mùa xuân tha hương
Thứ Ba, 22/01/2008 13:30 CH

080122-Nha-tho-Nguyen-Binh.jpg
Nhà thơ Nguyễn Bính
42 năm ngủ yên trong lòng đất 42 năm bất tử trong lòng bạn đọc yêu thơ, ắt hẳn Nguyễn Bính cùng các thế hệ bạn đọc yêu thơ ông rưng rưng ngậm ngùi một niềm an ủi lớn: ông là một trong những nhà thơ tài hoa được nhận giải thưởng lớn Hồ Chí Minh trong năm cuối cùng của thế kỷ. Tôi yêu thơ ông không chỉ ở chất chân quê đằm thắm mà chủ yếu là chất hào sảng ngang tàng của một đời thơ lận đận.

 

Nguyễn Bính khởi đầu hành phương Nam từ Xuân Canh Thìn 1940. Điệu Nam bình xứ Huế “Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi, mượn màu son phấn trả nợ Ô Ly” là cảm xúc để nhà thơ khai bút đầu xuân:

 

… Hôm nay là xuân, mai còn xuân

 

Một cành đào rơi nhớ cố nhân

 

Cung nữ như hoa vườn Thượng uyển

 

Ai về Chiêm Quốc với Huyền Trân!

                            

 (Nhạc Xuân)

 

Vậy là với tấm lòng “lăng lắc đường xa nhớ cố nhân”, ông đã khăn gói vào xứ thần kinh giữa những ngày xuân như chữ của ông “Chín vạn bông trời nở”. Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh, ông lại trở về Huế “Dầm mưa mấy tháng tròn” để lại cho đời nhiều kiệt tác: Buồn ngự viên, Giời mưa ở Huế, Xuân tha hương, Hoa với rượu. Tình cảnh một nhà thơ nghèo tứ cố vô thân giữa đất trời kinh thành mênh mang trong mùa lũ thật ảm đạm xót xa:

 

Hôm qua còn sót hơn đồng bạc

 

Hai đứa bàn nhau uống rượu say

 

Nón lá áo tơi ra quán rượu

 

Trơ vơ trên bến nước sông đầy

 

Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả

 

Chén ứa men lành lạnh ngón tay

                 

 (Giời mưa ở Huế)

 

“Túi rỗng nợ nần như chúa chổm, đón một mùa xuân tha hương” rối bời giữa đất kinh kỳ, tha hương ngay trên đất nước mình của một kẻ sĩ u uẩn thân phận mất nước bốn bể không nhà, còn có nỗi cay đắng nào hơn. Ông đã trải tiếng lòng trong 100 câu thơ của mùa xuân tha hương 1941:

 

Chén rượu tha hương! Trời! Đắng lắm!

 

Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông…

 

Chị ơi! Tết đến em mua rượu

 

Em uống cho say đến não nùng!

 

Uống say cười vỡ ba gian gác

 

Ném cái chung tình xuống đáy sông…

 

Thôn gà eo óc ngoài xa vắng

 

Trời đất tàn canh tối mịt mùng

 

Đêm nay em thức thi cùng nến

 

Ai biết tình em với núi sông!

 

080122-trang.jpg

Trăng  - (Ảnh minh hoạ)

Trở về đất Bắc không lâu, như Tô Hoài nói là vẫn “những lang thang, những thất vọng và vô vọng bất đắc dĩ”, máu giang hồ nổi lên, Nguyễn Bính lại cùng Tô Hoài và Vũ Trọng Can tiếp tục cuộc viễn du đến Hòn Ngọc viễn đông. Rồi cũng diễn kịch, diễn thuyết không mấy người xem như ở Huế để sống qua ngày. Rồi mỗi người mỗi ngả trong cơn túng bấn ngả nghiêng.

 

Tâm sự của Nguyễn Bính gởi anh B.H.C trong Lá thư về Bắc đầy bi đát trong những tháng năm vất vưởng giữa chợ đời của Sài Gòn hoa lệ:

 

Quán trọ nhà thơ như chiêm bao

 

Khi thì Chợ Quán, khi Đa Kao

 

Hiện nay sống tạm bên cầu Muối

 

Rồi biết mai đây ở chốn nào

 

Và, Hành phương Nam ra đời trong những ngày xuân u buồn ấy:

 

Đôi ta lưu lạc phương Nam này

 

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

 

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

 

Mà ta với người buồn vậy thay

 

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

 

Mà không uống cạn mà không say…

 

Túng bấn, cùng cực mà vẫn giữ cốt cách cao đạo của kẻ sĩ, Nguyễn Bính chưa bao giờ luồn cúi ai vì bát cơm manh áo. Chuyện kể rằng, năm 1944, báo Thanh niên Đông Pháp – một tờ báo có uy tín ở Sài Gòn lúc bấy giờ tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn. Truyện Không đất cắm dùi của Nguyễn Bính được tặng giải nhất. Chủ báo Trần Văn Hanh tổ chức lễ trao giải rất xôm tụ tại rạp Nguyễn Văn Hảo có đủ chính khách Tây, ta, văn nghệ sĩ trí thức tiêu biểu của Sài Gòn, trong đó có vợ chồng viên đốc lý và đại diện phủ toàn quyền đến dự. Lẽ ra Nguyễn Bính phải đọc đáp từ bằng tiếng Pháp vì Nam kỳ là xứ thuộc địa nhưng ông dõng dạc phát biểu bằng tiếng Việt, làm cho chủ báo Trần Văn Hanh sợ xanh mặt, phải lên sân khấu phiên dịch sang tiếng Pháp cho hầu hết cử tọa là người Việt nghe. Bi hài kịch của lễ trao giải hôm ấy và thái độ bảo vệ tiếng mẹ đẻ của nhà thơ được các báo Sài Gòn thời ấy đưa tin ca ngợi không tiếc lời.

 

Từ Sài Gòn, Nguyễn Bính về Hà Tiên thăm Đông Hồ, nữ sĩ Mộng Tuyết, về Rạch Giá sống vài tháng với Kiên Giang Hà Huy Hà để lại những câu đầy khinh bạc giữa đình Rạch Giá:

 

Từ độ về đây sống rất nghèo

 

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

 

Những thằng bất nghĩa xin đừng đến

 

Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.

 

Trong những năm tháng hành phương Nam, Nguyễn Bính có may mắn gặp người cộng sản Nguyễn Oanh (Bí thư Thành ủy Sài Gòn, hoạt động bí mật, tên thật là Đoàn Quang Hoài, đồng hương của Nguyễn Bính). Đất dụng võ Nguyễn Bính lúc ấy là tờ báo Hạnh phúc, hầu như số báo nào cũng có thơ ông. Một hôm Nguyễn Oanh nói với nhóm làm báo Hạnh Phúc, trong đó có Nguyễn Bính rằng: “Văn nghệ sĩ nên chuyển ngòi bút, văn thơ lãng mạn không thể ngăn cản gót giày của bọn xâm lược…”. Không ai tự ái và đều tự suy ngẫm. Quả nhiên, Nguyễn Bính có chuyển biến tư tưởng trong sáng tác:

 

Há rằng uổng một đời trai

 

Chẳng ban áo gấm cũng mài trăng khuya

 

Cách mạng tháng Tám bùng lên, Nguyễn Bính về Tây Nam bộ tham gia cách mạng, sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá.

 

Cả một thế hệ trí thức văn nghệ sĩ theo cách mạng vào bưng biền. Ban văn nghệ khu tám (Đồng Tháp Mười) gồm nhiều anh em quen thân cũ mời ông lên công tác. Nguyễn Bính xin cấp trên cho thôi nhiệm vụ Phó Chủ tịch tỉnh bộ Việt Minh Rạch Giá, khăn gói về Đồng Tháp Mười. Tướng Trần Văn Trà và Nguyễn Văn Vịnh – lãnh đạo Bộ tư lệnh khu tám dặn dò kỹ Ban tuyên truyền văn nghệ đối đãi đường hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả Lỡ bước sang ngang.

 

Trong cuộc gặp gần đây tại nhà lưu niệm Nguyễn Bính tại Gò Vấp tháng 11/2006, bà Hồng Châu – đảng viên 60 năm tuổi Đảng, người vợ Nam bộ vô cùng yêu quý của Nguyễn Bính kể rằng:

 

“Tôi mê thơ Nguyễn Bính nhưng thấy con người Nguyễn Bính lãng mạn quá, nhiều cô mê quá, cũng có phần e ngại. Lúc này một số văn nghệ sĩ chịu không nổi kháng chiến gian khổ bỏ về thành. Anh Lê Duẩn tác hợp cho tôi với anh Bính. Tôi lắc đầu không chịu. Anh Ba thuyết phục rằng: “Cách mạng cần Nguyễn Bính. Tôi rất tin và yêu Nguyễn Bính. Nhà thơ cần có tổ ấm để yên tâm phục vụ cách mạng”. Có cảm tình với Nguyễn Bính cộng với sự tác hợp chân thành của anh Ba Duẩn, tôi đồng ý nhưng cũng nói rằng: “Em còn có gia đình, phải hỏi ý kiến ba má em”. Vậy là tổ chức cử người cùng đi với tôi về nhà thưa chuyện. Ba tôi cười sảng khoái bảo rằng: “Việt gian thì tôi không gả chứ Việt Minh thì tốt quá”. Vậy là nên vợ nên chồng. Đám cưới xôm tụ lắm, có anh Lưu Quý Kỳ, đại diện Xứ ủy Nam bộ đến dự…

 

Chúng tôi sinh được mỗi cô gái rượu Hồng Cầu, sống hạnh phúc bên nhau cho đến ngày tập kết.

 

Bính lang bạt kỳ hồ, đa tình đa cảm. Nhưng trong sâu thẳm của tình yêu, trong tim anh ấy có tôi và trong tim tôi luôn có anh ấy với nghĩa vợ chồng trọn vẹn nhất”.

 

Đúng vậy. Bài thơ tình chân thành nhất của đời ông Gửi người vợ miền Nam, đã nói lên tất cả:

 

Thư một bức nghìn lời tâm huyết

 

Đêm canh dài thức viết cho em

 

Bồi hồi máu ứ trong tim

 

Chảy theo ngọn bút hiện lên thơ này.

 

Nguyễn Bính đã đột tử vào chiều 30 Tết (20/1/1966), chết nổi trên ao bèo ở nhà một người bạn thân. Thì cũng như Lý Bạch xưa say rượu vồ trăng, chết chìm trên dòng sông lớn.

Ngày ông mất, bạn đọc yêu thơ cả nước tiếc thương ông. Ngay cả vùng tạm chiếm Sài Gòn cũng giành cho ông một chương trình thi văn Mây Tần để khóc một nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

 

Ông ra đi, để lại cho đời một mùa xuân nguyên vẹn với hàng trăm bài thơ mãi tồn tại với thời gian:

 

Năm mới tháng giêng mồng một Tết

 

Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân

                      

 (Nhạc Xuân)

 

PHAN THANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek