Thứ Năm, 03/10/2024 11:26 SA
Nhà văn Băng Sơn và tình yêu đằm thắm, thiết tha với Hà Nội
Chủ Nhật, 20/01/2008 07:00 SA

Gần cuối năm, nhà văn Băng Sơn rất bận rộn bởi các báo đến đặt bài cho số Tết. Tết năm nào nhà văn cũng có chừng chục bài viết đăng rải rác ở các báo trung ương và địa phương, tiền nhuận bút cũng được kha khá.

 

080119-Nha-van-Bang-Son.jpg

Nhà văn Băng Sơn (giữa) và NSND Nguyễn Doãn Cầm Vân trong một chương trình giao lưu

 

Khi tôi đến thăm, ông nói rằng mình định bắt xe ôm ra phố, nhưng đinh ninh thế nào cũng có khách nên ở nhà, thế rồi có khách thật. Ông ngồi đó, giản dị, dù sức đã yếu nhưng vẫn tâm huyết với nghề. Ông vẫn hóm hỉnh, tình cảm khi tiếp chuyện. Vài năm trước, người ta vẫn thấy bóng dáng một ông già tóc bạc phơ, đạp chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp các nẻo phố Hà thành. Cách đây hai năm, ông bị bệnh, phải nằm viện mất chừng 5 tháng. Chỉ là bệnh tuổi già thôi. Một bác sĩ nói đùa: Bệnh của bác không chết được ngay, cũng khó chữa. Bác cứ sống với nó, cũng được hơn chục năm nữa. Nhà văn kể vậy, và ông không chữa nữa, mỗi ngày chỉ uống mấy viên B1 để cho có cảm giác ăn uống ngon miệng. “Trước đây, hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe đi ra phố, thường là nửa ngày. Giờ thì chịu rồi, tuổi già đã giữ chân lại. Nếu có nhớ, muốn đi thì ra ngõ bắt xe ôm, thế thôi”- ông ngậm ngùi nói.

 

Nhà văn Băng Sơn cả đời gắn bó với Hà Nội, thuộc từng ngõ ngách của Hà Nội. Ông có mấy chục năm làm thơ, từ  1947 cho đến 1970. Đến năm 1975, ông bắt đầu viết văn xuôi. Gia tài của ông là 2 tập thơ đã in, mấy trăm bài thơ, gần một trăm bài đã in báo. Với ông, thơ không nói hết được cảm xúc. Một lúc nào đó, người ta phải tìm đến văn xuôi để có thể nói hết tâm tư tình cảm của mình. Ông cộng tác với hơn chục tờ báo. Phần lớn là họ đến lấy bài về đăng rồi mang nhuận bút đến, hoặc ông nhờ con gái đi lấy hộ.

 

Nhà văn Băng Sơn quan niệm rằng, viết văn và làm báo là một. Có vài người nói “tôi viết văn, nên chẳng viết những cái vặt vãnh”. Ông bảo họ nói thế là sai. Viết cái gì cũng là viết, miễn là của mình và có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Muốn viết được phải có ý nâng cao tác phẩm của mình lên, để sau khi in báo còn có cơ hội in thành sách. In báo thì có thể vài ngày là người ta quên. Khi in sách, ắt được nhớ lâu hơn.

 

Đi phố nhiều, bè bạn nhiều, nhưng ông lại là người không biết đến rượu bia hay bất cứ loại nước có men nào. Ông cụ thân sinh của nhà văn ngày xưa cũng vậy, và dường như ông được hưởng cái gien đó. Điều này không ngăn cản nhà văn viết về rượu, mà ông còn là một người viết rất hay về rượu, viết mà người khác phải nể. Ông còn viết những tập sách về món ngon đất Hà thành, những món ăn dân dã. Thực ra ông ăn rất ít, và rất nhiều món không ăn được. Ông nói mình chỉ ăn bằng cảm giác, bằng cái hồn cốt của văn hóa dân tộc chất chứa trong đó. Tôi hỏi: “Làm sao ông có thể viết về món ăn khiến người đọc muốn được ăn đến vậy?” Băng Sơn nói: “Với một nhà văn, khi giới thiệu một món ăn nào đó thì không phải đi miêu tả cách chế biến, mà làm sao cho người đọc cảm nhận được nét đẹp văn hóa chất chứa trong từng món ăn. Nếu ăn chỉ nhằm cho no bụng là anh phàm phu tục tử. Ăn cũng phải đẹp, mới là văn hóa”.

 

Băng Sơn không phủ nhận mình ảnh hưởng bởi Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng. Ông đọc rất nhiều, đọc sách nghệ thuật, sách của Vũ Bằng, Cao Bá Quát, đọc cổ sử… để rồi chắt lọc thành một mảng văn hóa, thành cái chất của Băng Sơn, mà ông từng nói là do sự kết hợp của một người sống qua nhiều giai đoạn.

 

Nếu nói về những kỷ niệm sâu sắc, thì có lẽ, Hà Nội là nơi chất chứa nhiều nhất kỷ niệm của ông. Từng ngôi nhà cổ, từng con phố, từng hàng cây hay dáng thanh lịch thiếu nữ thuở nào… đã đúc kết nên một Băng Sơn đầy hoài cảm phố phường. Ông thuộc từng chi tiết, đường sá của Hà Nội, bởi có một quá trình thấm dần như đứa trẻ lớn dần lên. Cuộc sống, sinh hoạt đất Hà thành trở nên gần gũi, thân quen. Nó cứ ngấm dần, ăn sâu vào máu thịt ông. Tôi hỏi: “Có phải ông rong ruổi phố phường là để có cảm hứng viết?” Nhà văn lắc đầu: “Chẳng phải thế, đi chỉ để rong chơi, để thấy mình gần gũi với cuộc đời. Đêm về thì viết, và thấy rằng Hà Nội ngấm vào mình thật.”

 

Ông quan niệm, nhà văn phải làm cho cuộc đời đẹp hơn lên. Có những cái rất gần gũi, ai cũng biết, nhưng chỉ nhà văn là phát hiện ra nó có điều gì đó đặc biệt. Ông đã phát hiện ra vẻ đẹp của hoa sữa, cây lộc vừng ở Hà Nội để rồi người ta yêu hoa, cứ tìm đến mà ngắm. Hoa thành đặc trưng, thành hồn của từng con phố. Những cây cối, loài hoa vốn đã mang trong mình vẻ đẹp, qua ngòi bút của ông, chúng càng trở nên đẹp đẽ hơn. Người ta lại cất công đi tìm chúng, chỉ để ngắm chơi, và nhận ra rằng, xung quanh mình vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ.

 

Nhắc đến Băng Sơn là nhắc đến người viết tùy bút. Một người từng viết hàng ngàn tùy bút, đoản văn. Cũng có nhiều người viết thể loại này, nhưng chỉ là rẽ ngang qua. Còn Băng Sơn, ông dồn tâm huyết cho tùy bút, gắn bó với nó, và bảo vệ nó. Ông có nói một câu làm tôi tâm đắc, đó là: “Người viết phải tinh tế để người đọc cũng tinh thế theo”. Những món ăn bình dị trên phố, dù là cơm nắm muối vừng, dù là củ sắn củ khoai, cũng đều cõng trên đó nắng mưa của con người, là văn hóa, cái đẹp, cái không bao giờ mất.

 

Ông vẫn yêu Hà Nội như xưa. Và tình yêu ấy của ông thắp lên trong những bài thơ, tùy bút đặc sắc, thể hiện nét đẹp tinh thần của con người. Đọc những bài viết đó, người ta lại thấy mình cần sống có ý nghĩa.

 

NGUYỄN VĂN HỌC 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek