Thứ Năm, 03/10/2024 13:22 CH
Giữ gìn vốn quý của người xưa
Thứ Ba, 15/01/2008 07:38 SA

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Phú Yên vẫn giữ gìn được một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, quý giá. Đặc biệt, các di chỉ khảo cổ Gò Ốc, Cồn Đình, Eo Bồng, thành Hồ, thành An Thổ và một số địa điểm được phát hiện trên địa bàn Phú Yên chứng tỏ người tiền sử đã có mặt trên vùng đất Phú Yên từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ Chăm pa. Quá trình phát triển đó đã làm cho Phú Yên có được sự đa dạng về cấu trúc dân cư, dân tộc, văn hóa.

 

080116-lecuoi.jpg

Đám cưới của đồng bào Chăm - một nét văn hóa truyền thống. - Ảnh: P.V

 

Phú Yên hiện có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, trong đó có 13 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Thông qua các hoạt động tham quan lễ hội, các di tích lịch sử, văn hóa đã góp phần vào việc giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.

 

Bên cạnh đó, Phú Yên còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể - một trong những yếu tố cơ bản tạo nên tâm hồn và tính cách con người. Giá trị văn hóa truyền thống Phú Yên được kết tinh trong phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống, hành vi ứng xử… của các cộng đồng dân cư. Ngoài ra, bản sắc và truyền thống văn hóa của Phú Yên còn thể hiện qua sự phong phú và đa dạng của những lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, nghi lễ của đồng bào từ vùng đồng bằng, ven biển đến miền núi…,  góp phần làm phong phú thêm các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

 

Theo khảo sát của Bảo tàng Phú Yên, trong suốt chiều dài lịch sử gần 400 năm qua, các cộng đồng dân cư sinh sống trên đất Phú Yên gồm Kinh, Ba Na, Ê Đê, Chăm H’Roi, Hoa,… đã có sự giao thoa về văn hóa, kết tinh thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Các hiện vật quý hiếm được bảo tàng phát hiện, sưu tầm, lưu giữ có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa của Phú Yên như đàn đá, kèn đá, trống đồng, tiền cổ… Ngoài những hiện vật trên, Phú Yên còn là nơi lưu giữ những di sản, công trình kiến  trúc có giá trị như đình làng, chùa, mộ cổ..., góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt.  

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phú Yên là địa bàn quan trọng về quân sự, cửa ngõ lên Tây Nguyên, căn cứ địa của cách mạng. Nhiều địa danh, chiến tích đã đi vào lịch sử như địa đạo Gò Thì Thùng, Suối Cối, Vũng Rô, Hòa Thịnh, đường 5…, mãi mãi là mốc son chói lọi, niềm tự hào của nhân dân Phú Yên.

 

Với kho tàng văn hóa đặc sắc, Phú Yên có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa. Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, thời gian qua, mặc dù tỉnh, các ngành đã có nhiều cố gắng, song chưa thật sự năng động, sáng tạo trong việc xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Vì vậy, để giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ, hiểu được giá trị các di sản văn hóa của địa phương, của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, trân trọng di sản mà ông cha ta để lại, cần lưu giữ và bảo quản các hiện vật quý hiếm, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, trưng bày. Đồng thời, vai trò quản lý của nhà nước cần nâng cao, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, công trình đô thị với bảo vệ di sản văn hóa; chọn lọc và khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu.

 

HOÀNG LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek