Thứ Năm, 03/10/2024 16:17 CH
Sân khấu bao giờ đủ sức hội nhập?
Chủ Nhật, 13/01/2008 07:00 SA

Bước vào năm 2008, sân khấu Việt Nam đã đi qua một chặng đường nửa thế kỷ và cũng đã đi qua một cột mốc 10 năm thực hiện mục tiêu xã hội hóa. Thành tựu cũng nhiều mà băn khoăn cũng không ít. Nỗi ưu tư và niềm mơ ước cùng gặp nhau tại một điểm: bao giờ sân khấu Việt đủ sức hội nhập với quốc tế? 

 

080112-sk.jpg
Một cảnh trong vở kịch của Nhà hát kịch Hà Nội - Ảnh:L.T.N

 

Với đặc thù là loại hình nghệ thuật mang tính xung kích nhất trong đời sống nghệ thuật, không ai phủ nhận sân khấu Việt Nam đã thu hoạch được nhiều điều đáng kể. Dù muốn dù không cũng phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, sân khấu nước ta đã xây dựng thành công hai loại hình nhân vật: người mẹ và người lính. Từ sàn diễn chèo, tuồng cho đến cải lương, kịch nói thì hình ảnh người mẹ và hình ảnh người lính đã được thể hiện đậm nét. Không ít vở diễn nói về người mẹ và người lính đã tạo nên những tên tuổi nghệ sĩ lừng danh như Đào Mộng Long, Trọng Khôi, Huỳnh Nga, Kim Cương…Và trong giai đoạn đổi mới, những vở kịch gai góc và nóng bỏng của Lưu Quang Vũ đã làm nên một dòng chảy khác, dòng chảy khao khát và đồng điệu với đời sống nhân dân. Đến khi cơn lốc thị trường tràn qua các quầy bán vé, sàn diễn lại quay sang những tìm kiếm mang đầy toan tính đồng tiền bát gạo, giữa một không khí nghệ thuật chậm chạp và loay hoay.

 

Để đánh giá nội lực một nền sân khấu trước khi hội nhập, không thể không xét hai yếu tố: tác phẩm đỉnh cao và đội ngũ kế thừa. Xét về tác phẩm đỉnh cao thì tùy từng lúc, tùy từng thời, chúng ta có những vở diễn được đón nhận và được tôn vinh. Trên sân khấu truyền thống, chúng ta có thể tự hào về Quan Âm Thị Kính, Nghêu Sò Ốc Hến, Tô Ánh Nguyệt hay Đời cô Lựu…Trên sân khấu hiện đại, chúng ta có thể kể tên Vũ Như Tô, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan hay Hồn Trương Ba da hàng thịt… Xét về đội ngũ kế thừa, Liên hoan tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007 giống như một cuộc điểm danh ít ỏi, thực sự chúng ta đang thiếu vắng những gương mặt mới cho sàn diễn vốn ngày càng nhộn nhịp hơn.

 

Đứng ở vị trí năm 2008, khi mà Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nước trên thế giới về sự năng động, thì sân khấu về khả năng hội nhập hoàn toàn thua kém các bộ môn nghệ thuật khác như điện ảnh, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh…Một trong những lý do có vẻ chính đáng nhất nêu ra để phân bua với nhau là chúng ta chưa có những cơ sở vật chất cần thiết. Đúng, so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn, Việt Nam không có nhà hát tiện nghi cũng như không có kinh phí đầu tư dồi dào như họ. Thế nhưng, đây chỉ là sự tụt hậu về bề nổi, còn điều cốt lõi là sân khấu nước ta đã tự “đóng cửa” với bản thân. Những giáo trình cũ kỹ hàng chục năm trước vẫn còn được đem ra để nhồi nhét kiến thức cho sinh viên hai trung tâm đào tạo lớn nhất là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Chúng ta không hề có thông tin gì về sân khấu quốc tế. Chúng ta không hề biết sàn diễn ở các nước đã thay đổi như thế nào và thịnh hành những trào lưu gì. Chúng ta cũng không biết mình đang ở đâu trên bản đồ kịch nghệ thế giới những năm đầu thế kỷ 21. Chính trong tư thế tiến thoái lưỡng nan ấy, sân khấu Việt Nam trở nên tù đọng với hai phương thức hoạt động: sân khấu bao cấp hoạt động cầm chừng và sân khấu tư nhân chạy theo thị hiếu. Bản chất của sàn diễn xã hội hóa là để phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả, vì vậy không có quyền đòi hỏi tư nhân bỏ tiền thực hiện những vở lớn tạo nên diện mạo nghệ thuật một quốc gia. Tất cả gánh nặng vươn lên của sân khấu Việt Nam đè lên vai những sân khấu mỗi năm được rót cho một ít kinh phí ít ỏi. Số tiền của Nhà nước chắt chiu dành cho các nhà hát đã nhỏ mà còn chia đều “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”, nên không đủ để làm ra tấm ra món bất kỳ tác phẩm nào. Ví dụ, một đơn vị uy tín như Nhà hát Tuổi Trẻ, mỗi năm được khoán trọn gói 4,5 tỉ đồng. Tính toán chi li như sau: lương nghệ sĩ đã ngốn 3 tỉ đồng, chỉnh trang rạp diễn mất thêm 500 triệu, còn lại 1 tỉ đồng cho…4 đoàn kịch với kế hoạch phải ra mắt khán giả 10 chương trình. Rõ ràng, đã đến lúc cần có một tư duy khác cho sự phát triển của các nhà hát được bao cấp. Rõ ràng sự đầu tư phải cần chiến lược và mục đích cụ thể. Không thể tiếp tục nuôi nhiều đơn vị sân khấu sống ngoi ngóp, mà không dồn tài lực để có những vở hoành tráng mang dấu ấn Việt Nam thi thố với thiên hạ.

 

Muốn sân khấu Việt Nam không đứng ngoài sự hội nhập, không thể không quan tâm đến tài nguyên con người. Trước hết, khoan trách những diễn viên trẻ vẫn còn khoảng cách quá xa với những tài danh như Phùng Há, Song Kim, Trần Tiến, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Lê Khanh, Lan Hương, Hoàng Dũng… bởi lẽ thế hệ sau không phải ai cũng có phẩm chất “quái kiệt” như Thành Lộc để thành danh mà không cần bóng dáng một nhân vật từ sân khấu bước ra đời thường. Cũng khoan trách những đạo diễn trẻ vẫn còn phập phù năng lực như Vũ Minh, Đức Thịnh, Thái Hòa, Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai, Lý Khắc Linh…vì họ biết tìm đâu ra kịch bản có chất lượng để thỏa chí dàn dựng. Nỗi lo đáng báo động nhất của sân khấu hiện nay là khủng hoảng thiếu những nhà viết kịch. Quy luật “có tích mới dịch nên tuồng” thực sự ám ảnh chúng ta, khi mà nhìn lại những vở diễn có giá trị vượt thời gian đều mang tâm huyết của những tác giả lớn như Trần Hữu Trang, Nguyễn Huy Tưởng, Tào Mạt, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ… Khoảng hơn chục năm trước, chúng ta may mắn có thêm một đội ngũ viết kịch đáng kể như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Lập, Triệu Huấn, Lê Duy Hạnh… nhưng đến nay lớp người này đã chựng lại với sự già nua không cưỡng nổi. Bây giờ bản bi ca “kịch bản ở đâu” vẫn cứ hát đi hát lại, và sẽ tiếp tục tâm trạng tuyệt vọng ấy, nếu không có giải pháp khuyến khích tác giả trẻ gắn bó với sân khấu!

 

080112-san-khau.jpg

Cảnh trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi”  - Ảnh: L.T.N

 

Đã biết cách quảng bá để thu hút khán giả, đã biết chạy theo thị hiếu từ đề tài cười cợt cho đến đề tài kinh dị để bán vé, sân khấu Việt Nam đang tự thỏa mãn với số lượng công chúng dễ tính ở đô thị lớn sầm uất nhất nước có nhiều tụ điểm kịch tư nhân là TP HCM. Tương lai của sân khấu Việt Nam thực sự như một ẩn số. Hội nhập sân khấu không phải đơn giản chỉ cần dựng lại những danh tác nước ngoài như Nhà búp bê, Âm mưu và tình yêu hay Macbeth, Vua Lia, mà phải đánh thức được tiềm lực của những người còn tha thiết với sân khấu Việt Nam. Sân khấu không thể tiếp tục né tránh đời sống đến mức sàn diễn trở thành nơi phấn son xa lạ, vì khán giả không thể nào nhìn thấy chân dung người Việt thời WTO mỗi khi bức màn nhung đầy kiêu hãnh vén lên. Mặt khác Việt Nam cần mạnh dạn đăng cai hội diễn quốc tế để giới nghệ sĩ được dịp cọ xát và trau dồi cảm hứng đương đại. Vài năm trở lại đây, chúng ta chỉ có duy nhất một vở kịch nói công phu là Bí mật vườn Lệ Chi của Sân khấu IDECAF cũng như dám bỏ tiền tỉ để đầu tư hai vở cải lương Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga đủ để nhen một chút hy vọng và cũng đủ để suy nghĩ nhiều hơn cho ngày mai.

 

TUY HÒA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thăm nhà thơ Hoàng Cầm
Chủ Nhật, 13/01/2008 14:00 CH
Eva Longoria - bà nội trợ kiều diễm
Thứ Bảy, 12/01/2008 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek