Thứ Năm, 10/10/2024 17:29 CH
Món quà mùa xuân – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Thứ Sáu, 16/02/2018 07:00 SA

1. - Ngày nào cũng chim với chóc!

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

Chồng vừa xách lồng ra khỏi cửa, chị Sam nhìn theo làu bàu. Miệng ràm tay gỡ cái lồng móc trên cao xuống. Nhẹ nhàng dọn vệ sinh từng lồng chim, châm thêm nước, móc lồng ra vườn cây, nơi ánh nắng buổi sáng chiếu lấp lánh qua những tán lá rồi chị vào nhà bê cái hộp nhựa, lấy muỗng xúc sâu bỏ vào chiếc ô nhỏ trong lồng.

 

Chú chào mào mới rất dạn dĩ, tỉnh bơ ngẩng mặt nhìn chị; mấy con sâu trơn bóng lúc nhúc, nhìn bắt ớn. Thấy chú chào mào bông không đụng mỏ, chị mắng:

 

- Chê à? Có biết tao đã phải tập bao nhiêu lâu mới dám đưa tay múc mấy con sâu này cho mày không?

 

Chú chim vẫn lơ đễnh nhìn đi đâu. Con chim mới mua sao mà đỏng đảnh đến vậy! Sâu người ta nuôi không thèm ăn; nhà lại không còn trái chuối, miếng đu đủ nào. Trong túi hết tiền, vì có bao nhiêu đã dốc hết để tậu chú chim này về, giờ lấy gì để chạy ra chợ mua trái cây đây? Ổng về thấy chim đói thì đằng nào cũng hầm hè. Bụng nghĩ, tay làm. Chị chạy ra cây ổi nếp sau nhà, sục sạo một hồi cũng ra trái ổi chín, thở phào đem bỏ vào lồng, chim chóc no nê chị mới yên thân với lão chồng quý chim hơn vợ.

 

Anh Khiêm ngày trước củ mỉ cù mì, chỉ biết ruộng đồng, bò bê chứ có bao giờ quan tâm đến chim hoa. (Ngày trước chị gọi chồng bằng “anh”; từ ngày ảnh mê chim, chị quay ra gọi “lão”, nói sau lưng). Với Khiêm, việc anh chơi chim cũng là cái duyên. Một lần đến nhà bạn chơi, thấy anh ta cho chim ăn, rỉ rả nói chuyện, anh thấy hay hay, tự dưng cũng muốn làm bạn với chim. Người bạn sẵn sàng tặng một con chào mào. Tiếng hót của chú chào mào nhỏ đã thổi bừng đam mê bấy lâu bị nỗi cơ cực chèn lấp. Anh gia nhập thế giới của những người nuôi chim sau đó.

 

Chơi chim là thú chơi không dễ dãi. Đam mê nhưng phải kiên trì, siêng năng, đó là chưa nói, cũng phải có ít tiền. Chắc cũng vì những lý do đó mà đàn bà thường không mặn mà với trò phù phiếm này. Anh Khiêm nuôi chủ yếu chào mào, giá chim dao động từ hai mươi ngàn cho tới bạc triệu. Suốt ngày quanh quẩn với chim, chăm bẵm chúng như những đứa con cưng.

 

Chị Sam khổ sở với lũ chim này. Chị vốn sợ sâu. Ngày nhỏ xách bao ra đồng cắt cỏ, nếu bờ ruộng cỏ xanh tốt nhưng xìa đít ngồi xuống để câu liêm vào, chỉ cần thấy một con sâu là chị sẽ đứng dậy đi một lèo, đi cho đến khi nào hết run mới ngồi xuống cắt tiếp.

 

Lấy chồng sinh con, cái tật vẫn to hơn tuổi. Mỗi lần thấy sâu thì oai oái la, mặt xanh như đít nhái.

 

Đời đổi thay thì ta phải thay đổi. Chồng quay ra si mê mấy con chào mào, mỗi khi đi ngồi tụm ba tụm bảy với những người có cùng sở thích thì sẽ giao chị ở nhà lo mấy con chim. Nhìn lũ sâu lúc nhúc ngọ ngoạy là sởn gai ốc, mặc kệ anh dặn dò kỹ càng, chị vẫn làm lơ, bỏ trái cây cho chim. Chồng về la ó om sòm. Rồi chị cũng phải xóa đi cái tật sợ sâu để tìm chút bình an.

 

Đêm lỏng lẻo, mèo vồ mất con chào mào bông. Giống chào mào đó đẹp nên giá cũng khá, anh rất quý, con mèo ác nhơn vồ mất, chị Sam bị vạ lây. Chồng chửi bới, chị thấy mình nát còn hơn con chim bị mèo vồ.

 

Rắc rối mà chim gây ra cho chị không ít nên giờ thấy mấy con chim trâng trẩng hót là ghét, y như ánh sáng chói chang với người bị đau mắt vậy. Cũng tại chim mà mắt chị từng bị ứ một cục máu trong lòng trắng và bây giờ chị sống với một con mắt lờ mờ. Di chứng của lần bị chồng đánh, không, chính xác đó là di chứng cái thú chơi chim của chồng.

 

Lần đó có người tới nhà, đúng lúc anh đi vắng. Người lạ giới thiệu với chị đây là giống chim chào mào quý, tên Bạch Tạng. Loài chim này giá có khi lên tới vài chục triệu nhưng vì kẹt tiền, vợ bệnh con đau nên đành đoạn bán. Bán ngoài thị trường thì tiếc vì bọn nhà giàu có của dư của để mới tìm đến thú chơi phong lưu. Nghĩ tới nghĩ lui rồi quyết định bán rẻ cho những người yêu chim tử tế. Gã gọi những người nghèo chơi chim là tử tế vì gã lý sự rằng, không dễ tìm người nghèo có thú chơi tao nhã, tốn kém. Chị Sam nghe hắn leo lẻo mà động lòng. Thực tình, cái thú chơi thanh cao này chẳng hợp với người móng chân vàng khè vì phèn như chị. Nghĩ đến khuôn mặt rạng rỡ của chồng khi nhận được quà, không một chút đắn đo, chị mót hết mấy đồng lẻ nhàu nát nữa là vừa đủ ba triệu để có chú chim Bạch Tạng.

 

Nhận được món quà từ vợ, anh Khiêm vui mừng khôn kể xiết. Có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được vợ ủng hộ cái đam mê bấy lâu bị công kích. Anh kéo tay chị, hôn cái chụt vào má. Từ hồi sinh thằng Tí tới giờ, đây là lần đầu tiên anh thể hiện tình cảm bằng một nụ hôn ở má đấy. Chị Sam từ đó cũng bớt cáu cẳn chuyện chồng suốt ngày ru rú với mấy con chim. Thi thoảng thấy anh trễ nải vụ “bài vở”, chị nói nửa đùa nửa thật “Mê chim quên vợ rồi!”.

 

Có con Bạch Tạng, anh Kh­iêm hí hửng, ngồi chỗ nào cũng nói về con chim này. Chăm bẵm nâng niu, được một thời gian thì con Bạch Tạng đổi sắc, lông từ trắng chuyển sang màu nâu vàng vàng. Anh nổi xung, túm tóc chị lôi sền sệt ra sân, tát cái như trời giáng rồi xô ngã dúi dụi và mắng:

 

- Không biết mà thày lay, xí xọn vừa phải thôi. Bỏ tiền triệu mua con Bạch Tạng giả chi? Mua về cúng mày hả?

 

Chị Sam đau đớn khóc. Phần khóc vì bị đòn đau, phần vì nghĩ tới việc bị gã lưu manh lừa cho một vố. Cái tên ham tiền thiếu đạo đức đã nhuộm con chim chào mào bình thường và dụ chị đó là con Bạch Tạng. Sự thật thì nước sơn dù có tốt đến đâu cũng không che được. Sau khi chim thay lông thì màu nhuộm không còn. Sau trận đánh đó, mắt chị tụ máu bầm, chữa chạy tốn kém và chịu tật với một con mắt có một màn mây ở giữa tròng.

 

2. Nắng mùa xuân len về mọi ngõ.

 

Người lớn trẻ con lao xao chuyện tết, chị Sam chẳng thiết gì. Điên cả đầu khi nghĩ đến quần áo mới cho con, mâm cỗ cúng ông bà, chậu hoa, ngũ quả. Tìm đâu ra tiền mà tết với nhứt, cũng tại con Bạch Tạng dở hơi. Nghĩ đến nó, máu ứ đầy lên mặt, chị chỉ muốn bắt con Bạch Tạng nhổ trụi lông và bầm nát ra luôn. Đầu đuôi cũng tại con chim giả mạo, sau khi đánh đập vợ nhừ tử, chưa bỏ tức, lão còn rút hết tiền tiết kiệm mua cho bằng được con Bạch Tạng để lấy lại sĩ diện với bạn bè. Con Bạch Tạng kia đã làm lão tẽn tò đến vậy mà.

 

Như mọi năm, vào thời gian này thì công việc ngập cổ nhưng năm nay chị Sam rảnh tay rảnh chân. Ngồi đăm đăm nhìn con Bạch Tạng. Nó lanh lợi, lí lắc, có chiếc mũ to đều từ gốc tới đỉnh mũ, cong cong y như sừng đầu lân vậy. Cặp chân to dài. Phải công nhận con chim này đẹp, đúng là tiền nào của nấy nhưng càng nhìn nó, chị càng lộn gan. Dù có tức giận, có ấm ức cũng chỉ biết hằm hằm cái mặt chứ biết làm gì. Không lẽ đâm đầu xuống sông sau nhà mà chết? Có ai lại đi tự tử vì nghĩ mình thua một con chim? Mẹ con chị không quý bằng cái lông chân của con Bạch Tạng. Tết không lo được gì cho con, nghĩ mà nẫu ruột. Đêm nằm lăn qua lăn lại, chiếc gối có mùi mặn của nước mắt… Mấy ngày như thế, mặt mày ủ ê, chị ra vô thinh lặng như chiếc bóng.

 

3. Sáng 20 tháng Chạp, anh Khiêm ngồi bên bàn nước ở hiên nhà, kêu chị lại bằng cái giọng ra lệnh:

 

- Ngồi xuống nói chút chuyện coi!

 

- Có gì nói nhanh đi! - Chị hất mặt lên vì những giọt nước mắt tủi thân cứ chực rớt ra khi đối diện với chồng, khi nhìn thấy anh hí hửng với mấy con chim.

 

- Kiếm bộ đồ nên nên mà mặc. Tết nhứt tới nơi rồi, bèm hem buốc huốc vậy không được đâu!

 

-Tiền ở đâu mà sắm với sửa. Chim ăn thì người nhịn chớ biết sao giờ. Mẹ con tui có bằng cái lông đuôi của con Bạch Tạng đâu mà. - Chị nhìn ra xa vì mắt đã ngậng nước.

 

Đợi vợ nói xong, anh cầm xấp tiền dúi vào tay:

 

Bao nhiêu đây đủ mẹ con ăn tết chưa?

 

Nhìn xấp tiền dày cộm trên tay, chị hốt hoảng:

 

Tiền ở đâu nhiều vậy?

 

Đi sắm tết cho nhiều vô.

 

- Nợ nần mệt lắm.

 

- Có người trả con Bạch Tạng với giá cao, tui đẩy rồi.

 

Chị nhìn ra gốc cây kề bên hiên, chỗ anh vẫn móc con Bạch Tạng bây giờ chỉ còn nắng.

 

Chị lấy ít tiền trên tay anh:

 

- Chừng này thôi. Số tiền còn lại cất đi, mai mốt có con nào vừa ý thì mua.

 

- Thôi, chim chóc gì. Mẹ con bà là tài sản quý nhất của tui...

 

Chị mím môi, cầm tay chồng không nỡ buông… 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek