Thứ Năm, 10/10/2024 15:19 CH
Tết về nhớ cây nêu xưa
Thứ Năm, 15/02/2018 18:00 CH

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Gần đến tết. Mẹ tôi, một phụ nữ ngoài 90, bỗng dưng tặc lưỡi: “Năm nay bão gãy tre hết lấy gì trồng nêu hả Nhất? Phải chi cha mày còn sống…”. Đã lâu, lâu lắm rồi, kể từ ngày cha tôi giã từ trần gian để về với tổ tiên, nhà mình có còn thấy bóng dáng cây nêu đâu mà mẹ nhớ! Cái nhớ bâng quơ của mẹ khiến cho lòng tôi dậy lên một nỗi nhớ cồn cào.

 

Tôi lững thững bước ra sau vườn, lặng nhìn bụi tre còn sót lại. Bụi tre mà mẹ tôi nhất quyết giữ để làm kỷ niệm. Cơn bão số 12 đi qua đã quật ngã mấy cây xoài, cây mít chỉ còn trơ lại gốc. Vậy mà bụi tre vẫn còn đó. Nó nhanh chóng hồi phục, tỏa ra những thân tre già vàng óng ả, cao vút, đan xen với những thân tre bánh tẻ lá xanh mướt, rồi đến những búp măng nhọn hoắt đội đất vươn lên như ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Ôi cái bụi tre mà năm nào, cứ đến chiều cuối năm là cha dẫn tôi ra, chọn một cây to, cao, thẳng và thật đẹp. Cha chặt sát gốc, phát hết nhánh, chỉ để lại một chùm lá nhỏ trên ngọn, rồi vác cây tre đến trước cổng nhà, chọn một chỗ đất sạch sẽ, bảo tôi đào một cái lỗ thật sâu. Cha vô nhà lấy ra mấy tấm vải đủ màu sắc, trong đó tấm lớn nhất màu đỏ có bốn sọc đứng và năm sọc ngang. Cha nói đó là lá bùa “tứ tung ngũ hành” của ông nội để lại, dùng để đuổi trừ ma quỷ. Cha làm một cái vòng tròn treo lên ngọn tre, rồi cột lá bùa cùng giỏ đựng trầu cau với mấy cái ống đồng và một lon sắt chứa mấy hòn bi chai, rồi dựng cây tre xuống lỗ. Cha bảo: Trồng nêu thì ngọn phải hướng về phía mái nhà, còn để ngọn nêu day ra phía ngoài thì lộc trời cho sẽ không vào nhà mà đi ra ngoài mất.

 

Khoảnh khắc vui nhất đối với tôi là lúc gốc cây nêu được đặt xuống hố, nén đất thật chặt. Lúc đó tôi chạy ra thật xa, đứng ngắm nhìn cây nêu cao vút với cái đạo bùa bay phấp phới giữa nắng chiều cuối năm. Những cơn gió thoáng qua lay động những ống đồng, và cái lon chạm vào nhau lanh canh nghe vừa vui vừa lạ lẫm. Tôi tưởng tượng ra bao điều kỳ lạ, lúc như là ông nội tôi đang dâng chiếc giỏ tre chứa vật phẩm cúng trời, lúc như là ông đang cầm cây phất trần rượt đuổi ma quỷ, không cho chúng bén mảng đến ngôi nhà của mình… Sự tưởng tượng đó ám ảnh tôi mãi cho đến khi trời tối, cả nhà quây quần sưởi ấm bên nồi bánh chưng sôi sùng sục. Tôi thập thò sau lưng cha, hỏi: Có phải cây nêu rượt đuổi ma quỷ không cha? Cha tôi cười khà khà. Ông cầm chiếc đũa bếp cời một que lửa đỏ làm tung những tia lửa lên cao rồi đốt điếu thuốc, rít một hơi dài, nhả ra những làn khói đặc sệt nhè nhẹ tan dần trong bóng tối bảng lảng sương đêm...

 

Cha xoa đầu tôi bảo: Không có ma quỷ đâu con. Có lẽ do ngày xưa, sự hiểu biết về thiên nhiên còn ít nên thần thánh ma quỷ luôn ám ảnh trong cuộc sống tâm linh của con người. Vì vậy, họ luôn nghĩ có một đấng toàn năng nào đó sẽ lắng nghe lời thỉnh cầu và giúp họ giải quyết những bế tắc trong cuộc sống. Chính vì thế mới có những câu chuyện cổ tích mà con đã nghe. Rồi cha chậm rãi kể sự tích về cây nêu: “Ngày xưa quỷ chiếm toàn bộ đất đai, loài người chỉ làm rẽ cho quỷ. Quỷ bóc lột rất tàn ác, luôn giành phần thu hoặc ăn được cho quỷ, còn phần bỏ đi thì chia cho người. Quá cơ cực, người mới cầu cứu Phật. Phật bày người: Khi nào quỷ đòi lấy phần ngọn thì trồng khoai lang, quỷ lấy phần gốc thì trồng lúa, quỷ lấy cả ngọn cả gốc thì trồng ngô. Vì thế lúc nào quỷ cũng chỉ được phần bỏ đi. Quỷ tức tối đòi lại đất. Phật bàn với người điều đình với quỷ, xin miếng đất bằng bóng của chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn rồi hóa phép làm cho cây tre cao vút đến tận trời, bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn quỷ phải dắt nhau chạy ra biển Đông. Do mất đất sống nên quỷ huy động đội quân hung dữ cùng ác thú vào cướp đất lại. Phật bày người dùng lá dứa, tỏi, vôi bột chống trả. Quỷ thất trận, lại bị Phật bắt đày ra biển Đông. Bọn quỷ cúi đầu xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước. Phật đồng ý.

 

Hàng năm, cứ đến Tết Nguyên đán là quỷ vào thăm đất liền, nên con người phải trồng nêu để cho quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên nêu có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn luôn nhắc bọn quỷ nghe mà tránh.

 

Câu chuyện cha kể thật đẹp, tất nhiên không phải ở sự chân thực hay hoang đường mà ở tính biểu tượng của nó. Quỷ được xem là những thế lực gian ác, Phật là bậc chí thiện, luôn luôn lấy từ bi cứu giúp người. Chuyện cổ tích thì hư ảo, nhưng ước nguyện của con người luôn lấy cái thiện để cảm hóa cái ác là chân lý, và trong cổ tích này, kết cục thật là nhân hậu. Một khi đối phương đã thất bại, đầu hàng thì hãy mở cho họ một con đường sống, hãy khoan thứ cho họ và đừng dồn họ vào bước đường cùng. Có như thế thì cuộc sống mới không có ân oán chồng chất, con người luôn biết yêu thương, tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau.

 

Lớn lên, được dịp đi đây đó, tôi mới hiểu rằng tục trồng cây nêu không chỉ có ở cộng đồng người Kinh, mà còn có ở cộng đồng người Ê Đê, Ba Na... Hầu hết các tộc người đều quan niệm cây nêu là biểu tượng Cây Vũ Trụ, nối liền Trời với Đất, còn những vật treo trên cây tượng trưng cho sự bảo vệ và cầu mong hạnh phúc đến với mọi người.

 

Một ước vọng thật đẹp và giản dị từ tâm hồn chất phác của người dân quê, là thi vị của một mùa xuân, là niềm vui an lành của ba ngày tết... Nhưng giờ đây, tục trồng cây nêu ngày tết ở quê tôi không còn nữa. Cha tôi đã về thiên cổ. Đêm giao thừa năm nay, lắng nghe tiếng thân tre chạm vào nhau, vọng về từ sâu thẳm ký ức, tôi có cảm giác như lời cha kể đang còn lẩn khuất đâu đây.

 

ĐỖ NHẤT TRÍ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek