Thứ Năm, 10/10/2024 21:20 CH
Người Phú Yên phá thủy lôi và bom từ trường:
KỲ CUỐI: Vô hiệu hóa “thần chết” của giặc Mỹ
Thứ Ba, 16/01/2018 14:00 CH

Bằng trí sáng tạo, các nhà khoa học Viện Kỹ thuật Quân sự phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Công binh đã nghiên cứu, tìm ra nguyên lý hoạt động của bom từ trường, từ đó có cách đối phó, vô hiệu hóa loại vũ khí hiện đại của giặc Mỹ. Đại tá Phan Văn Kỉnh đã tham gia nghiên cứu và huấn luyện để các đơn vị bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong phá hủy hàng ngàn quả bom từ trường và thủy lôi.

 

 

Đại tá Phan Văn Kỉnh kể chuyện phá bom từ trường - Ảnh: MINH NGUYỆT

Từ “gót chân asin” của “thần chết”

 

Trở về Việt Nam vào năm 1960, ông Phan Văn Kỉnh gia nhập vào lực lượng không quân tại Trung đoàn 919. Sáu năm sau, ông vào Trường đại học Quân đội, tiền thân của Học viện Quân sự sau này. Đến năm 1970, ông trở thành cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự. Từ đây, người lính quê ở Phú Yên bắt đầu cùng đồng đội nghiên cứu cách phá bom từ trường - loại bom nổ chậm rất hiện đại, nguy hiểm của quân Mỹ.

 

Ông Kỉnh cho biết: Bom từ trường xuất hiện trên chiến trường Việt Nam từ năm 1968. Khi thả xuống dưới nước, bom làm chức năng của thủy lôi, phong tỏa đường sông, đường biển. Cho đến khi kết thúc chiến tranh phá hoại vào năm 1972, Mỹ đã thả xuống Việt Nam 4 thế hệ bom từ trường!

 

Đầu tiên là model 0. Bom từ trường model 0 được thả vào các tuyến đường và vùng biển của ta nhằm ngăn chặn việc vận chuyển khí tài, nhân lực từ miền Bắc vào miền Nam. Sau khi được thả, quả bom nằm im trong lòng đất, khi nào đoàn xe đi qua ngay chỗ có bom thì nó nổ. Muốn phá được bom thì phải tháo kíp nổ. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình này.

 

Cấu tạo của bom từ trường gồm ba phần: đầu bom gắn bộ phận kích nổ, đuôi bom gắn bộ điều khiển, thân bom có một phít hai lỗ dùng để đo đạc và kiểm tra khả năng hoạt động của quả bom. Nguyên lý hoạt động của loại vũ khí nguy hiểm này là theo biến thiên của xung từ trường. Khi kim loại phát ra từ trường, bom sẽ nhận tín hiệu và càng gần thì biến thiên từ trường tăng dần. Đến khi xung từ trường đạt cao nhất (bom và kim loại nằm cùng một điểm), bom vẫn ở trạng thái “ngủ”. Nhưng từ đây, biến thiên từ trường bắt đầu giảm và gây nổ ngay lập tức. Nổ ở cự ly gần nhất. Quy luật hoạt động của bom đã được phát hiện. Nếu từ trường có sự biến thiên đột ngột (tức delta T sườn = 0), bom cũng ở trạng thái “ngủ”. Chính từ những phát hiện này, quân đội ta bắt đầu tháo gỡ được bom.

 

Nỗi kinh hoàng mang tên Model 0 đã được khắc chế. Quân đội ta, sau khi rà có bom từ trường thì tạo biến thiên đột ngột và giữ xung từ trường ở đỉnh điểm làm cho bom ngưng hoạt động; các chuyến xe thoải mái đi qua. Sau đó, ta dùng dây thép khoanh vùng, lấy pin tạo biến thiên có sườn cho bom nổ hoặc kéo tôn, thép chạy qua khu vực có bom để gây nổ. Bom từ trường model 0 bị vô hiệu hóa, quân ta làm chủ được chiến trường. Đó là chuyện ở Viện trước khi ông Phan Văn Kỉnh gia nhập. Ông Kỉnh về, tiếp thu nghiên cứu đó để huấn luyện các đơn vị phá bom từ trường. Sau đó, Viện Kỹ thuật Quân sự còn thiết kế được loại xe phóng từ trường để phá bom. Đây là cách phá bom từ trường hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ, trong khi chính “cha đẻ” của loại bom này là quân đội Mỹ cũng không có. Cách phá bom của Mỹ là kéo kim loại chạy qua chỗ có bom và dùng trực thăng kéo kim loại chạy phía sau ở vùng đặt bom ngư lôi từ trường dưới nước.

 

Đến việc khắc chế các thế hệ bom từ trường

 

Từ model 0, quân đội Mỹ đã chế ra model 1 hoạt động theo sự biến thiên từ trường nhưng có chu kỳ 50 giây “thức” và 50 giây “ngủ”, nhằm chống xe phóng từ của ta. Khi phóng từ, model 1 đang trong trạng thái 50 giây hoạt động sẽ nổ. Những quả bom khác đang trong trạng thái “thức” và “ngủ” đều không nổ do quả nổ tạo biến thiên từ trường đột ngột. Một tính chất khác của model 1 là thả xuống đất sẽ không hoạt động ngay mà tùy theo sự cài đặt, bom có thể hoạt động sau 30, 60 hoặc 90 phút. Và bom từ trường được thả chung với bom nổ chậm, nếu ta không phân biệt được loại bom thì sẽ không phá được. Nhưng rồi model 1 cũng bị ta khắc chế, trong đó có sự đóng góp của ông Phan Văn Kỉnh.

 

Sau model 1, quân đội Mỹ tiếp tục cho ra model 2. Quy luật “thức”, “ngủ” của model 2 có chu kỳ 100 giây. Model 3 là sự tổng hợp của các model trước đó nhưng bom “thức” ở mức độ giảm nhạy hơn so với các thế hệ trước.

 

Để phá được các thế hệ bom từ trường 1, 2, 3, quân đội ta chọn cách dùng xe phóng từ phóng liên tục 3 xung liền cách nhau 30 giây. Và ta đã thành công trong việc vô hiệu hóa các thế hệ bom từ trường của Mỹ!

 

Sau này đến model 4 thì công tác nghiên cứu trở nên nguy hiểm, bởi bẫy chống phá càng tinh vi hơn. Đứng đầu nhóm nghiên cứu là ông Trịnh Đông A, ông Phan Văn Kỉnh tham gia nghiên cứu giai đoạn sau. Quan trọng nhất là phải tìm cách tháo ngòi nổ - công việc cực kỳ nguy hiểm. Một số cán bộ đã thiệt mạng khi tháo ngòi nổ. “Bom từ trường chỉ cần một cây kim ném qua hoặc có sấm sét là nó nổ ngay. Bom chui sâu dưới đất rồi, muốn tháo ngòi nổ thì phải đào. Trong khi đào, chỉ cần dịch chuyển quả bom là nó phát nổ. Khi tiếp cận với bom từ trường, dù trời lạnh cũng phải cởi đồ ra, phòng khi có sơ suất nhỏ”, ông Kỉnh kể lại. Những năm tháng ấy, ông đều tham gia huấn luyện, tháo ngòi nổ loại bom này.

 

“Năm 1972, Mỹ ký hiệp định ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc và chịu trách nhiệm rà phá, tháo gỡ bom từ trường trên biển. Riêng trên bộ và trên sông, Mỹ trang bị thiết bị rà phá cho ta. Tại buổi làm việc đầu tiên về vấn đề này, người trong quân đội Mỹ không tin chúng ta dám và tháo được kíp nổ bom từ trường. Sau khi chứng kiến cách phá bom từ trường của quân đội Mỹ, mới thấy rằng cách phá loại bom này của họ còn lạc hậu hơn ta nhiều”, đại tá sinh năm 1935 nhớ lại.

 

Dũng sĩ phá bom Hồ Trọng Nho (Nghệ An) đã phá được hàng trăm quả bom từ trường - Ảnh: TL

 

Hòa vào mùa xuân đại thắng

 

Ngay sau khi TX Buôn Ma Thuột được giải phóng, ông Phan Văn Kỉnh cùng thiếu tá, phó tiến sĩ thông tin Hoàng Xuân Mai và kỹ sư vô tuyến Hồ Công Châu được phân công tiếp quản đài phát thanh. Máy móc thiết bị bị phá hỏng hoặc mất gần hết. Tổ công tác đã cùng lực lượng tiếp quản tìm được viên trung úy ngụy là trưởng đài phát thanh chưa kịp di tản và kêu gọi nhân dân trả lại các thiết bị. Chỉ sau một ngày, đài hoạt động trở lại.

 

Đại tá Phan Văn Kỉnh bồi hồi: “Tôi đi ngay phía sau các cánh quân giải phóng miền Nam, lần đầu tiên cảm nhận được tự do trên đất nước mình. Không hỏa lực, không bị phục kích… từ đường 9, đường 14 đến Buôn Ma Thuột. Tuy vậy, tôi vẫn cảm nhận được sự ác liệt”. Từ Buôn Ma Thuột, tổ của ông xuống Nha Trang để vào giải phóng Sài Gòn. Tới chân đèo Phượng Hoàng, nơi có căn cứ Lam Sơn của ngụy, thấy người chết quá nhiều, ông hỏi một số người lính thì được biết: Quân ta hành quân với phương châm “không chống cự thì không đánh”, đi tới đâu cũng lập danh sách hàng binh và tiếp quản. Nhưng căn cứ Lam Sơn trá hàng, sau đó đánh trả quyết liệt làm rất nhiều đồng chí hy sinh nên đã diễn ra trận đánh ác liệt tại đây.

 

Vào Nha Trang, Cam Ranh, sau khi tiếp quản các kho tàng, bến bãi còn nguyên vẹn, ông Phan Văn Kỉnh xin phép thủ trưởng được về thăm nhà một ngày. Hơn 20 năm kể từ ngày ra Bắc, ông rưng rưng gặp lại gia đình. Bà mẹ già thoạt nhìn đã nhận ra con trai. Mừng mừng tủi tủi, mẹ ông kể rằng suốt mấy ngày bà ra đường đón từng đoàn quân mà ngóng tin con. Bà chỉ sợ cuộc hành quân chịu nhiều mất mát như chiến dịch Mậu Thân 1968. Tuy nhiên, những người lính giải phóng nói với bà rằng: “Tụi con đi chuyến này là đuổi địch tới Mũi Cà Mau, đuổi ra khỏi biên giới nên mẹ yên tâm”. Mẹ ông hạnh phúc vì đất nước sẽ hòa bình, thống nhất. Bà tin chắc rằng sẽ gặp lại con trai thân yêu!

 

Tại Sài Gòn, nhân dân tiếp đón quân giải phóng rất nhiệt tình. Tổ của ông Phan Văn Kỉnh được một hiệu trưởng trường tư thục đón về nhà, xem như thượng khách. Sau vài hôm, tổ của ông phải xin phép chủ nhà cho ra ngoài để sống như những anh em khác.

 

* * *

 

Sau khi kinh qua hai cuộc chiến, đại tá Phan Văn Kỉnh còn tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, đưa một số khí tài trong đó có điều khiển nổ từ xa đến các đơn vị bộ đội. Rồi ông có mặt ở chiến trường Tây Nam, chiến trường Campuchia. Sau này, ông nhiều lần ra Trường Sa để giúp dựng đài liên lạc về đất liền. Mỗi lần ra Trường Sa, ông ở lại chừng 2-3 tháng, đưa một số vật liệu mới nhằm bảo vệ pháo tại nhiều đảo: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn Đông…

 

Trong ngôi nhà yên tĩnh ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội), đại tá Phan Văn Kỉnh hồi tưởng về những năm tháng đẹp nhất đời mình. Không hề có nỗi khiếp sợ, không có những toan tính riêng tư khi ông đối mặt với hiểm nguy. Nghe ông kể chuyện cùng đồng đội phá bom từ trường và thủy lôi, tôi chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?”...

 

Ông Phan Văn Kỉnh đã không chọn việc nhẹ nhàng. Chính vì vậy mà cuộc đời ông càng có ý nghĩa!

 

 

Anh Phan Văn Kỉnh là người cương trực, thẳng thắn, sống rất tình cảm, có trách nhiệm với quê hương, bạn bè, đồng chí. Anh tham gia kháng chiến, có trình độ, kiến thức về kỹ thuật quân sự, nghiệp vụ chuyên môn và có công lao, đóng góp lớn trong quân sự.

 

Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một chuyến tàu đêm
Chủ Nhật, 14/01/2018 17:00 CH
Mùa lúa chét
Chủ Nhật, 14/01/2018 16:00 CH
Nhớ giọt mưa Mê Kông – thơ XUÂN SINH
Chủ Nhật, 14/01/2018 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek