Thứ Năm, 10/10/2024 23:33 CH
Người Phú Yên phá thủy lôi và bom từ trường:
KỲ 1: Ra đi từ mái tranh nghèo
Thứ Hai, 15/01/2018 11:53 SA

Đại tá Phan Văn Kỉnh trò chuyện với tác giả tại nhà riêng ở Hà Nội - Ảnh: PV

Từng băng qua lửa đạn trên các chiến trường rồi được đào tạo vô tuyến hàng không tại Trung Quốc, sau khi về nước, người lính gan dạ ấy cùng đồng đội chuyên phá thủy lôi và bom từ trường - vũ khí hết sức lợi hại của quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường” của các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) có sự tham gia của ông, đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và được bạn bè quốc tế ngợi ca là công trình thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Ông là đại tá Phan Văn Kỉnh, nguyên Phó Viện trưởng, Chính ủy Viện Kỹ thuật quân sự Việt Nam. 

 

Xa quê hương khá lâu nhưng tuổi thơ vất vả mà thú vị ở Phú Yên vẫn còn in đậm trong ký ức đại tá Phan Văn Kỉnh. Ông hào hứng kể về những năm tháng học tập dưới mái trường Lương Văn Chánh - nơi nuôi dưỡng tâm hồn để rồi ông trở thành một người lính vệ quốc, một nhà quân sự.

 

Con nhà nghèo hiếu học

 

Lúc bấy giờ, Phú Yên chỉ có một trường trung học. Với những đứa trẻ cơm không đủ no, lại sống cách xa trường như Phan Văn Kỉnh, con đường đến với tri thức vô cùng gập ghềnh, khó khăn. Trong lần thầy Bùi Xuân Các, giáo viên Trường Lương Văn Chánh vào TX Tuy Hòa chơi, có đến nhà một người chị và tình cờ gặp Phan Văn Kỉnh. Hỏi han chuyện học hành, thấy Kỉnh lém lỉnh và lanh lợi nhưng không có điều kiện tiếp tục học, thầy Bùi Xuân Các bảo sẽ giúp cho.

 

Được vào Trường Lương Văn Chánh, cậu học trò ham học Phan Văn Kỉnh háo hức đi bộ hơn 30 cây số từ xã Bình Kiến (TX Tuy Hòa) ra đến Đồng Me (xã An Định, huyện Tuy An). Nhà trọ ở cạnh trường là nhà ông xã Thế. Lần đầu tiên xa nhà, cậu học trò thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Tháng 9. Ngay buổi chiều các trò đặt chân nơi đất khách, mưa đổ xuống ào ào, sáng ra mặt nước mênh mông như biển, cây cối bị cuốn trôi theo dòng nước.

 

Đôi bạn vừa mới quen là Phan Văn Kỉnh và Nguyễn Xuân Đàm ngơ ngác ra cửa đứng xem, phía đằng xa là ngôi trường vừa sụp xuống, cảnh sắc thật buồn. Hôm sau nước rút, trường học nhanh chóng được dựng lại, mọi thứ trở nên tươi tắn. Cậu học trò cảm nhận một chân trời mới mở ra với bao điều mới lạ.

 

Trường lớp thô sơ, học sinh còn ít nhưng đất núi mênh mông đủ chỗ cho học trò sinh hoạt, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao. Nhóm bạn lúc đó thán phục tài bắn bi của Phan Văn Kỉnh. Những viên bi to tròn được ghè từ hòn đá, các trò tập trung chơi vào mỗi trưa. TS Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, bạn học cùng lớp với đại tá Phan Văn Kỉnh, nhớ lại: “Kỉnh bắn bi bách phát bách thắng, dù thế bi khó đến mức nào anh cũng bắn trúng một cách tài tình. Có lẽ tư chất này cùng với việc học giỏi Toán đã giúp anh Kỉnh trở thành nhà quân sự tài giỏi”.

 

Cuối năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Hưởng ứng lời kêu gọi của tiền tuyến, với tình yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi, học sinh của trường kéo nhau lên tỉnh xin “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Năm ấy, Kỉnh mới học lớp đệ nhất niên nhưng cũng theo các anh xin gia nhập quân ngũ. Lúc này, tỉnh chỉ chọn 40 thanh niên đủ lập một trung đội vệ quốc quân, còn lại phải trở về lo học tập để kiến thiết Tổ quốc mai sau.

 

Được học tập và sống trong tình thương yêu, đoàn kết của bạn bè cùng thầy cô, đặc biệt là được thầy Bùi Xuân Các bỏ tiền lương ra lo hết các khoản, Phan Văn Kỉnh tự nhủ mình phải học tập cho thật tốt, thật tử tế để không phụ công lao của mọi người.

 

Thời Pháp thuộc, sách giáo khoa dành cho học sinh trung học được viết bằng tiếng Pháp, các thầy giáo Trường Lương Văn Chánh tự soạn ra tiếng Việt để dạy cho học trò. Soạn bài rồi thì phải in để phát cho học sinh thay sách. Thiết bị ấn loát của các thầy là 4-5 phiến đá cẩm thạch trắng. Thầy trò khiêng đá ra bên giếng hì hục mài cho nhẵn, cho sạch rồi phơi khô, sau đó dùng mực li tô chép bài trên mặt đá, viết chữ ngược.

 

Sau cùng là đến công đoạn lăn mực đen lên mặt chữ, đặt giấy trắng lên, lăn ru lô cho mực thấm vào giấy rồi gỡ giấy ra. Bài học hiện ra trên trang giấy. Thầy Bùi Xuân Các viết chữ cực đẹp! Chữ của Phan Văn Kỉnh, Nguyễn Xuân Đàm, Nguyễn Tài Sum… cũng khá đẹp nên được chọn viết trên bản đá. “Hồi đó, học sinh Lương Văn Chánh đều viết chữ rất đẹp. Đó là công lao rèn chữ, rèn người của “ông nghè bút thiếp” Bùi Xuân Các”, đại tá Phan Văn Kỉnh nói.

 

“Anh Phan Văn Kỉnh là người con có hiếu, chân thật, cần cù, chăm chỉ. Anh ít nói nhưng tư duy rất tốt, sâu sắc và dũng cảm. Giờ đây, chúng tôi vẫn gọi điện thăm hỏi nhau mỗi tháng hai, ba lần. Anh luôn quan tâm đến bằng hữu cũng như mọi người xung quanh”.

 

TS Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên

Năm sau, Trường Lương Văn Chánh được chuyển vào Đồng Tre (Tuy Hòa). Lúc này, thầy Bùi Xuân Các về Huế. Cậu học trò nhanh nhẹn, hoạt bát Phan Văn Kỉnh may mắn gặp ông Đặng Biền, quê ở Quảng Nam, Trưởng ty Nông Giang Phú Yên. Biết Kỉnh gặp khó khăn trong việc đến trường, ông liền bảo: “Con chỉ cần mang gạo đến ăn thôi, còn tiền học và mọi thứ chú sẽ lo”. Một lần nữa, Kỉnh lại được người xa lạ dang tay giúp đỡ.

 

Thời gian sau đó, thầy Bùi Xuân Các đưa vợ con từ Huế quay lại Phú Yên dạy học và mở xưởng in li tô. Phan Văn Kỉnh vào làm trong xưởng ấy. Cứ đi học về, Kỉnh lao vào làm để có tiền ăn học. “Thầy và trò lúc ấy vừa dạy - học, vừa tham gia hoạt động kháng chiến, cày ruộng, trồng khoai, tự túc lương thực, đi xóa mù chữ, tuyên truyền về đời sống mới…”, đại tá Phan Văn Kỉnh nhớ lại.

 

Trận đánh khó quên

 

Học hết lớp đệ tứ niên thì Phan Văn Kỉnh quay về. Cuối năm 1953, ông nhập ngũ, chỉ vài tuần sau đã tham gia đánh trận. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là trận đánh đầu tiên này. Năm ấy, quân Pháp mở chiến dịch Át lăng, tập trung lực lượng đánh chiếm TX Tuy Hòa. Lúc này, lực lượng bộ đội địa phương tiếp quản thị xã quá mỏng; chàng thanh niên Phan Văn Kỉnh lần đầu tiên tham gia Đại đội 377 đã chạm trán quân địch.

 

Ông cùng ông Hiệp, tiểu đội phó và lúc này là tổ trưởng án ngữ ngay cửa ngõ vào trung tâm thị xã. Quân địch ào ạt kéo vào, Phan Văn Kỉnh ném mấy quả lựu đạn rồi chạy vào một nhà dân. Lần đầu tiên đánh trận, cả tổ chưa có kinh nghiệm trong việc rút lui nên mỗi người tìm cách ẩn nấp riêng. Ông Hiệp chui xuống hầm, khỏa bã mía lên trên mặt hầm, trong khu vực Nhà văn hóa Diên Hồng bây giờ.

 

Không còn chỗ, chỉ có mỗi cái chuồng heo bên chái nhà thấp tè, bí quá, Phan Văn Kỉnh đu người trên nóc chuồng heo, chân đạp vào tường và các cây kèo chịu lực. Địch lùng sục bên ngoài. Ông đu cả tiếng đồng hồ, rất mỏi nhưng phải cố chịu. Địch vào tận nơi, sục sạo cả buổi vẫn không phát hiện được...

 

Trời chạng vạng, ông thoát ra, tìm lại căn hầm mà tiểu đội phó đang ẩn nấp. Tiểu đội phó Hiệp kể: “Chúng nó vào nhà, lấy áo có chứng minh thư của tao rồi đi qua đi lại, đọc tên nhưng tao không lên. Tao tưởng mày bị bắt rồi nhưng giờ lại gặp được, may quá!”. Sau đó, hai anh em bàn nhau: Nếu ở đây thì không được, mà thị xã đã bị bao vây, phong tỏa. Ông Hiệp bảo Kỉnh chạy sang đường Trần Hưng Đạo nằm chờ, có gì ông sẽ bắn yểm trợ.

 

Lúc ấy phố xá thưa thớt nhà, chỗ đó có đám khoai lang, nhà lụp xụp. Ông Kỉnh chạy sang đường, chui vào nhà có nuôi gà, chúng kêu lên quác quác làm ông thắt tim lo bị địch phát hiện. Ông nằm im, ông Hiệp cũng chạy ra, hai anh em gặp nhau bên kia đường. Đến tối, hai chiến sĩ tìm đường đi về phía biển, gặp được đơn vị trong đại đội rồi về thôn Liên Trì, xã Bình Kiến.

 

Sau trận đánh này, ông Phan Văn Kỉnh còn tham gia các trận đánh tại dốc Mít, núi Sầm, Phú Ân, Gò Tranh…, hoạt động tại khu vực Phước Khánh, Quy Hậu (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa nay) ngay giữa hai vùng địch chiếm đóng. Năm 1954, ông lên đường ra Bắc.

 

Trở thành quân nhân Trung Quốc

 

Năm 1955, Sư đoàn 305 cử Phan Văn Kỉnh tham gia đoàn học viên Việt Nam sang nước bạn Trung Quốc để được đào tạo về vô tuyến hàng không. Đây là lớp kỹ thuật hàng không đầu tiên mà Trung Quốc đào tạo cho quân nhân Việt Nam. Trưởng đoàn khi ấy là thượng tá Đào Đình Luyện (cố Tư lệnh Phòng không - Không quân). Sau khi học văn hóa tại trường Kiến An và được đào tạo vô tuyến hàng không, ông Phan Văn Kỉnh về sân bay Đông Giao (Bắc Kinh) để thực tập.

 

Quân khu đông bắc Trung Quốc mở lớp đào tạo chủ nhiệm kỹ thuật cấp trung, sư đoàn đóng tại Thẩm Dương. Ông Phan Văn Kỉnh được đơn vị bạn đề nghị báo lại với đại sứ quán tham gia khóa học với tư cách là một quân nhân… Trung Quốc. Ông không được xem là người Việt Nam nên bị nhà trường “bỏ quên” trong mùa đông đầu tiên. Chỉ được trang bị như người Hoa vốn quen với cái lạnh, ông không thể nào chịu nổi.

 

Mùa đông, nhiệt độ tụt xuống dưới 0OC. Khi ra thao trường làm kỹ thuật, cả một buổi ông không thể nào lắp nổi một con ốc máy bay vì bị tê cóng chân tay. Đến khi một thủ trưởng cũ của ông tham gia vào khóa học, ông mới nhờ người này xin cấp hai đôi giày ấm theo chế độ dành cho học viên Việt Nam và để cho ông một đôi. Thấy cũng không tiện, ông ấy chỉ xin hai chiếc giày cũ nhưng còn tốt cho ông. Khổ nỗi, hai chiếc giày… cùng một phía!

 

Phó Chủ nhiệm nhà trường thấy ông đi hai chiếc giày cùng phía, chợt nhớ ra học viên này đến từ xứ nóng nên trang bị cho ông những thứ cần thiết. Đó là kỷ niệm khó quên trong những ngày học tại Trung Quốc.

 

Kỳ cuối: Vô hiệu hóa “thần chết” của giặc Mỹ

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tạ ơn
Thứ Bảy, 13/01/2018 14:00 CH
Tình quân dân Xuân Mậu Thân 1968
Thứ Sáu, 12/01/2018 15:00 CH
Đất lành
Thứ Năm, 11/01/2018 09:03 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek