Thứ Sáu, 04/10/2024 12:25 CH
Cận cảnh những bộ phim đoạt giải
Thứ Bảy, 08/12/2007 13:30 CH

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15 đã khép lại nhưng dư âm vẫn chưa dứt bởi những xôn xao xung quanh giải thưởng thể loại phim nhựa. Sự quyết định của Ban Giám khảo có thể làm người này hài lòng hay người kia bực bội, nhưng công chúng sẽ có câu trả lời cho riêng mình khi cận cảnh từng bộ phim đoạt giải! 

 

071208-Ao-lua-Ha-Dong-1.jpg

Trương Ngọc Ánh trong phim Áo lụa Hà Đông

 

Với một Bông Sen Vàng trao cho bộ phim Hà Nội – Hà Nội, ba Bông Sen Bạc trao cho Mùa len trâu, Dòng máu anh hùng và Áo lụa Hà Đông chứng tỏ điện ảnh nước nhà đang được mùa thu hoạch. Thật vậy, kể từ khi điện ảnh được xã hội hóa đến nay, chưa bao giờ một liên hoan phim xuất hiện nhiều bộ phim tư nhân hoặc phim có yếu tố nước ngoài đến thế! Chỉ cần điều này, đã đủ để những người làm điện ảnh và khán giả hân hoan rồi.

 

Ở trên cao bao giờ cũng nhiều gió. Bộ phim Hà Nội – Hà Nội vì được trao Bông Sen Vàng đã phải gánh chịu nhiều tiếng bấc tiếng chì nhất. Với kinh phí 400.000 USD (thấp hơn rất nhiều so với ba bộ phim đoạt Bông Sen Bạc là Mùa len trâu, Dòng máu anh hùng và Áo lụa Hà Đông đều có vốn đầu tư xấp xỉ triệu đô la Mỹ), bộ phim Hà Nội – Hà Nội do Hãng phim Hội nhà văn VN phối hợp với Xưởng phim dân tộc Vân Nam - Trung Quốc sản xuất, đã chứng tỏ một ê-kíp làm phim chuyên nghiệp. Không những góc quay tinh tế, âm thanh chỉn chu, chi tiết trau chuốt, mà Hà Nội – Hà Nội mạch lạc từ đầu đến cuối. Bộ phim kể lại mối tình của một cô gái Trung Quốc và một chàng trai Việt Nam, bị chia cắt do hoàn cảnh chiến tranh. Mang theo đứa con riêng của chồng trở về Trung Quốc lánh nạn, người vợ trong suốt gần 40 năm sau đó không có dịp trở lại quê chồng và luôn sống trong nỗi dày vò vì để lạc mất đứa con riêng mà chồng đã gửi gắm. Lòng nhớ thương da diết của bà gửi cho chồng theo những cánh thư đều bị trả lại. Thương bà, đứa cháu gái quyết định khăn gói sang Việt Nam tìm người ông chưa một lần biết mặt, mà chỉ biết qua cuốn nhật ký đầy ắp chuyện kể của bà. Cuộc hành trình đến một nơi hoàn toàn lạ lẫm khiến cô không khỏi bỡ ngỡ, nhưng những biến cố và trải nghiệm trong chuyến đi dài ấy thêm một lần khẳng định trái tim con người mênh mang trên trái đất này. Hà Nội- Hà Nội không có những cảnh khốc liệt như Mùa len trâu, không có những pha đánh đấm như Dòng máu anh hùng và cũng không có những trường đoạn lâm ly như Áo lụa Hà Đông, nhưng rời khỏi bộ phim, người xem vẫn đọng lại cảm giác ấm áp về những số phận run rủi giữa cõi đời tưởng chừng bất tận hội ngộ và chia ly!

 

Trong ba Bông Sen Bạc, đắn đo lắm thì may ra có Mùa len trâu đủ sức so kè với Hà Nội – Hà Nội. Đáng tiếc, yếu tố kịch bản đã giúp Hà Nội – Hà Nội vượt lên Mùa len trâu. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đưa lên màn ảnh một rừng trâu rùng rùng chuyển động qua cuộc đời hiu hắt của nhân vật Kìm, không khí dồn dập tạo nên khoảnh khắc đáng nhớ. Ngược lại, đồng tác giả kịch bản Cao Húc Phàm – Lê Ngọc Minh và cặp đạo diễn Lý Vỹ- Trương Kinh (thực ra hai ông đạo diễn “thay ngựa giữa dòng”, nhưng cũng may bộ phim vẫn không lâm cảnh đầu voi đuôi chuột!) đã gắn kết những hình ảnh bình dị trở thành một xâu chuỗi day dứt và nhân văn. Mùa len trâu cuồn cuộn một khoảnh khắc, còn Hà Nội – Hà Nội nhịp nhàng những âm ba. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh được giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất là xứng đáng. Và chắc chắn những ai đã xem cả hai bộ phim đều nhận thấy rằng, giọt nước mắt lặng lẽ của bà già bị treo ngược rớt xuống mặt nước trong Mùa len trâu như một đoạn kết tiếc thương, còn những cuộc đời rượt đuổi nhau trong Hà Nội – Hà Nội mở ra nhiều cảm xúc chờ đợi hơn.

 

071208-Dong-mau-anh-hung-2.jpg

Ngô Thanh Vân (phải) trong phim Dòng máu anh hùng

 

Hai bộ phim cùng đoạt Bông Sen Bạc nữa là Dòng máu anh hùng và Áo lụa Hà Đông đã thể hiện sự lớn mạnh của phim tư nhân. Thế nhưng, nếu khắt khe một chút thì phải thành thật rằng, cả hai đều chứa đựng không ít lúng túng. Trước hết, xin nói ngay, Dòng máu anh hùng của Hãng phim Chánh Phương là bộ phim võ thuật tốt nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Xem phim Dòng máu anh hùng thấy vui mừng cho nền điện ảnh nước nhà đã thoát khỏi những cảnh múa may “võ sĩ bất đắc dĩ”. Lần đầu tiên, diễn viên Việt Nam mới có thể đánh đấm trên phim không thua gì các nước trong khu vực. Điểm yếu của Dòng máu anh hùng là chưa tạo không gian thích hợp cho diễn viên biểu đạt cảm xúc. Bên cạnh nhân vật lạnh lùng do Dustin Nguyễn thể hiện, thì cặp diễn viên Ngô Thanh Vân – Jonhny Trí Nguyễn chưa phô diễn được tâm lý nhân vật. Giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc trao cho Ngô Thanh Vân đồng nghĩa cổ vũ nữ nghệ sĩ đóng phim hành động, chứ những góc quay cận cảnh thì nhân vật của Ngô Thanh Vân rất khô cứng và vụng về.

 

Tính sự cực nhọc cho vai diễn, thì Trương Ngọc Ánh trong Áo lụa Hà Đông không thua kém gì Ngô Thanh Vân. Có những trường đoạn, Trương Ngọc Ánh diễn rất đạt. Oan uổng thay, bộ phim Áo lụa Hà Đông quá dàn trải, đã khiến chân dung cô Dần của Trương Ngọc Ánh cũng bị phân tán cảm xúc. Vì vậy, Trương Ngọc Ánh bị vuột mất một cơ hội nhận giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc (mà với công sức đã bỏ ra cho Áo lụa Hà Đông, cô đủ tiêu chuẩn để được vinh danh!) đành phải thông cảm mà tha thứ cho… kịch bản và đạo diễn. Lẽ ra, kịch bản phải chặt hơn, gói ghém cảm xúc lại chứ không thể kéo dài để minh họa ý tưởng bộ phim. Lẽ ra, bộ phim đã nên dừng ở đoạn cô con gái của Dần đọc bài tập làm văn nói về chiếc áo dài mà mẹ đã chiu chắt cho mình đến trường, thì bộ phim sẽ thuyết phục hơn. Tiếc quá, tiếc như thấy một cái truyện ngắn rất hay bị biến thành cái tiểu thuyết thường thường bậc trung.

 

Xét về tình tiết, Áo lụa Hà Đông quyến rũ hơn hẳn Dòng máu anh hùng. Vậy mà, những người làm phim Áo lụa Hà Đông lại để nhiều tình tiết trôi qua một cách nhạt nhòa. Đơn cử tình huống cô Dần đi cho lão Thoòng… bú để kiếm tiền may áo dài cho con, nhưng rồi cuối cùng xôi hỏng bỏng không, phải mang chiếc áo cưới của mình đi sửa lại cho con mặc và… bị tai nạn rách tả tơi. Khi chiếc áo được vá lại bằng đôi tay thô nhám của hai con người hẩm hiu, Dần và anh chồng gù đã ra ngồi ở góc sân an ủi nhau. Anh chồng gù hối hận và Dần thì động viên, cả hai đều diễn bằng… lời thoại. Mấu chốt mâu thuẫn được giải quyết mà sao đơn giản và tẻ nhạt thế, mà sao nói qua nói lại thế? Ngôn ngữ điện ảnh đâu, ống kính quay phim đâu, âm nhạc đâu? Sao không cận cảnh anh chồng gù thương vợ mà lực bất tòng tâm đang ngân ngấn giọt nước mắt không trào ra được? Sao không quay phía trên đầu họ đang treo vầng trăng khuyết của thứ hạnh phúc mong manh những người nghèo? Sao không quay cây cau mà họ đã cùng trồng xào xạo qua đợt giông bão nhân tình?

 

Bộ phim Áo lụa Hà Đông nhiều tình huống hay, đầu tư công phu mà thiếu vắng điểm nhấn xúc cảm thẩm mỹ cần thiết của một tác phẩm đỉnh cao! Trong ba phim đoạt Bông Sen Bạc, đáng tiếc cho bộ phim đậm chất Việt Áo lụa Hà Đông nhất, mà cũng chính vì thế mà đầy hy vọng những tác phẩm tiếp theo của ê-kíp làm phim này!

 

TUY HÒA 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek