Thứ Sáu, 04/10/2024 14:35 CH
Siu Bút và tiếng trống của núi rừng
Thứ Bảy, 01/12/2007 13:00 CH

Trống đôi là một nhạc cụ khá đặc sắc của dân tộc Chăm H’Roi. Nói đến loại nhạc cụ này, người làm trong ngành văn hoá thông tin tỉnh Phú Yên không thể không nhắc đến Siu Bút ở thôn Tân Hiệp (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa), một nghệ nhân đoạt nhiều giải cao về trống đôi trong các kỳ Liên hoan văn hoá các dân tộc miền Trung và Tây Nguyên như giải nhất năm 2002, giải nhì năm 2007. Anh là một nông dân chân chất nhưng có ý thức rất cao trong việc gìn giữ vốn văn hoá của dân tộc mình.  

 

071201-Siu-But-1.jpg

Siu Bút đang trổ tài với chiếc trống đôi

 

TỪ ĐAM MÊ ÂM THANH CỦA NÚI RỪNG...…

 

Sau những ngày mưa, hôm nay Siu Bút mang cả 5 cái trống đôi đủ cỡ lớn nhỏ nhà mình ra hong lên giàn bếp. Hứng chí, anh ôm cái lớn nhất chơi một điệu trong lễ Pô-ai (lễ mừng sức khoẻ). Bếp nhà sàn bé nhỏ trống trước, hở sau đung đưa theo nhịp trống và tiếng hú gọi của anh. Nghe tiếng trống Siu Bút, thanh niên trong làng và cả già làng Ma Hà lại kéo đến nhà anh, mang cả cồng chiêng. Siu Bút cười hề hà bảo: “Làng mình mỗi khi hội họp đơn giản lắm. Nhờ có cái này”. Anh vỗ nhẹ lên mặt trống.

 

Nói đến trống đôi, người làm trong ngành văn hóa thông tin của tỉnh Phú Yên không thể không nhắc Siu Bút. Bởi anh không chỉ là người từng đoạt nhiều giải cao trong các kỳ Liên hoan văn hóa các dân tộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gần đây, mà hơn thế, theo anh Ngô Tất Tố - cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Hòa, chuyên trách văn hoá các dân tộc thiểu số thì: Siu Bút chơi rất có hồn. Mỗi khi Siu Bút ôm trống lên là người ta có cảm giác như cả cánh rừng Tân Hiệp đang chuyển động. Một con người ngày thường chân chất và sần sùi như đá tổ ong, nhưng khi ôm chiếc trống trước ngực, anh bỗng trở nên linh hoạt hẳn từ điệu nhảy, tay nhịp trống đến cả ánh mắt. Cùng với nhịp trống lúc rỉ rả, lúc dồn dập, lúc như cơn gió lướt vi vút qua cánh rừng, lúc như thác nước ầm ào đổ từ trên cao xuống, người ta lại thấy anh lúc như chú công cồ đang xòe đuôi, nghiêng mình múa để khoe mẽ cùng bầy công mái, lúc lại thấy anh như con sói với đầy đủ sự hoang dã của nó đang rượt đuổi con mồi gần đến đích. “Mình nghĩ tiếng trống đôi so với tiếng rừng là đầy đủ đấy. Mỗi khi chơi trống mình có cảm giác như đang đi lên núi”. Siu Bút nói về cảm giác khi chơi trống đôi của mình.

 

45 tuổi, nhưng Siu Bút kết bạn với đa số thanh niên. Anh đã truyền cho thanh niên Sơn Hội niềm đam mê những thanh âm của trống đôi, cồng chiêng và múa Arap. “Anh Siu Bút hay lắm. Ngày mùa xong hay có lễ bỏ mả nhà ai, anh đánh trống, thế là tụi em tập hợp, chơi suốt đêm luôn”. Siu Vấn- một học trò trống đôi của anh, cũng là một thành viên trong đội cồng chiêng Tân Hiệp nói về anh.

 

Siu Bút cho biết, anh đam mê trống đôi từ bé. Và người thầy dạy trống đôi cho anh lại chính là mí của anh. Anh thích lắm ngày còn nhỏ, mỗi khi mí lên nương, lưng mí địu em, còn Siu Bút thì khệ nệ vác trống đôi theo mẹ. Chiếc trống đôi to hơn cả Siu Bút, lại leo dốc, mệt bở hơi tai, thế nhưng đến nơi, đặt em xuống, mí vừa đánh trống đôi vừa nhảy, anh em lại thích thú, ngặt nghẽo cười. Tiếng trống đôi của mẹ lại ru em ngủ trên nương mỗi trưa. Và cũng thanh âm ấy đã kể cho Siu Bút nghe những câu chuyện của núi rừng. Ngày ấy, cả thôn Tân Hiệp chỉ có mí của Siu Bút biết chơi trống đôi. 

 

ĐẾN VIỆC GÌN GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

 

Khi mí của Siu Bút mất, cả thôn Tân Hiệp cũng chỉ một mình anh chơi trống đôi. Niềm đam mê trống đôi của anh đã chuyển dần sang ý thức giữ gìn vốn văn hóa của dân tộc. “Mí mình ngày xưa cũng mê trống đôi lắm. Nhưng sao mí lại mê? Vì nó là của dân tộc mình. Mình phải học rồi còn dạy cho trẻ nữa. Không có bỏ”. Siu Bút tâm sự.

Gia đình Siu Bút thuộc diện hộ nghèo trong xã, cái ăn cho vợ và 5 đứa con đôi khi còn thiếu, nhưng mỗi khi làng, thôn có chuyện cần anh chơi trống đôi, huyện, tỉnh cần anh để đại diện dân tộc Chăm H’Roi đi dự thi, anh lại gác mọi chuyện và khăn gói lên đường. “Miếng ăn hôm nay kiếm không được thì mai kiếm, nhưng văn hoá dân tộc mình thì bỏ không được” Anh cười thật hiền khi nói về điều ấy. Còn anh Nguyễn Xuân Hiệp- cán bộ phụ trách văn hoá thông tin xã Sơn Hội thì bảo: “Khổ vậy chứ Siu Bút rất nhiệt tình. Có hội diễn, hội thi gì cũng đi hết. Mấy ngày cũng đi”

 

Với lãnh đạo xã Sơn Hội, những người như Siu Bút là “của quý”. Quý không chỉ bởi mỗi khi dân làng cần thì anh có, không chỉ bởi khả năng tập hợp thanh niên của anh, mà vì có những người như Siu Bút thì không còn sợ vốn văn hoá các dân tộc ở đây bị mai một. Ông Phạm Quý Thái- Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội nói: “Những nghệ nhân như Siu Bút thì quý lắm. Chỉ con người ấy đã là một kho văn hoá dân tộc Chăm H’Roi rồi. Rất độc đáo!”

 

Giờ đây, ở xã Sơn Hội, Siu Bút là người duy nhất làm được những chiếc trống đôi. Là người biết rõ phải chọn những cây sung nào để gỗ vừa chắc, vừa nhẹ, khoét rỗng bên trong mà làm trống. Là người hiểu rõ da bò hơn da trâu ở điểm nào khi dùng làm mặt trống, gốc tre nào để làm đinh căng mặt trống. Và không chỉ làm trống, điều anh quan tâm nhiều là dạy lại cho các em biết chơi trống đôi. “Ở đây, Siu Bút là thầy. Ảnh đang dạy cho nhiều thanh niên chơi trống đôi lắm. Em nào muốn học thì ảnh dạy ngay”. Anh Hiệp cho biết.

 

Ngồi xem Siu Bút chơi trống đôi cùng thanh niên trong làng tấu cồng chiêng và múa Arap, già làng Ma Hà cứ khề khà, tấm tắc: “Hay! Hay! Hay lắm! Siu Bút là người của văn hoá Chăm H’Roi này. Được lắm!”

 

Tôi hiểu, trong cái “hay” mà già Ma Hà khen không chỉ là tiếng trống của Siu Bút hay, điệu nhảy của Siu Bút đẹp mà còn hàm ý cái hay của vốn văn hoá dân tộc mình, và cả cái hay khi vốn văn hoá ấy có được những người con như Siu Bút gìn giữ.

 

HỒNG ÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek