Thứ Sáu, 04/10/2024 16:32 CH
Cho cánh thơ bay xa…
Chủ Nhật, 25/11/2007 13:30 CH

Một điều rất dễ nhận thấy là những đêm thơ để lại ấn tượng tốt trong lòng người dự thường không thiếu các giọng ngâm đẹp. Ở đó, trong tiếng nhạc du dương trầm bổng, tiếng sáo réo rắt, từng lời thơ như được chắp cánh bay xa, hút hồn người nghe bởi những giọng ngâm truyền cảm. Có ai đó nói rằng, sức lan tỏa của bài thơ sẽ lớn hơn khi được trình bày bởi các “ngâm sĩ” đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết.

 

NÂNG CÁNH THƠ BAY

 

Lâu nay, trong các đêm thơ ở Phú Yên, hai giọng ngâm khá quen thuộc với khán giả là Ngọc Hà (Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên) và Vân Phi (Trung tâm Văn hoá -Thông tin -Triển lãm tỉnh). Bên cạnh đó còn có Thu Thủy (giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ), Bích Trâm (phường 2, TP Tuy Hoà)…Vốn là hai giọng ca trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, tự tin và duyên dáng trước ánh đèn sân khấu nên Ngọc Hà, Vân Phi gặp nhiều thuận lợi khi chuyển qua làm “ngâm sĩ” trong những buổi sinh hoạt thơ của các câu lạc bộ thơ Diên Hồng, Sông Ba, đặc biệt là đêm thơ truyền thống được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm trên núi Nhạn. Nếu như sở trường của Vân Phi là ngâm Nam thì Ngọc Hà lại có thế mạnh trong ngâm Bắc, ngâm sa mạc… Nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, Phó Chủ  tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên, đánh giá: Ngọc Hà, Vân Phi, Thu Thủy, Bích Trâm là những giọng ngâm có khả năng biểu đạt cảm xúc cao. Ngọc Hà, với giọng Huế dịu nhẹ, ngọt ngào, nhấn nhá, luyến láy rất tốt đã thể hiện thành công nhiều bài thơ. Vân Phi và Bích Trâm, với chất giọng đặc trưng xứ “Nẫu” thể hiện sự mộc mạc, tạo dấu ấn rất riêng của mình. Còn Thu Thủy đậm đà với chất giọng Nghệ Tĩnh mang âm sắc dân ca khu 4. Vì vậy, nhiều tác giả rất yên tâm khi “giao khoán” đứa con tinh thần của mình cho họ thể hiện trong các đêm thơ.

 

Ông Nguyên Đạt, một “sáo sĩ” rất ít khi vắng mặt trong các đêm thơ, nhận xét:  “Đây là bốn giọng ngâm nữ ở Phú Yên rất có trách nhiệm với công việc của mình. Làm việc với các chị, những người trong  dàn nhạc đệm chúng tôi rất yên tâm”.

 

Theo Ngọc Hà, muốn ngâm thơ đạt yêu cầu, trước hết phải thuộc bài thơ, tìm hiểu cho được ý đồ nghệ thuật, tình cảm mà tác giả muốn chuyển tải trong đó. Khâu  quan trọng tiếp theo là chọn cách ngâm cho phù hợp, thơ lục bát phải trình bày khác với thơ tự do, thơ thất ngôn. Và quan trọng nhất là người ngâm phải làm thăng hoa  từng câu chữ với tất cả tâm trạng, cảm xúc thật của mình.

 

NGÂM THƠ: CHUYỆN NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ!

 

Thời gian qua, trong nhiều đêm thơ, ta vẫn thường bắt gặp cảnh tác giả lên sân khấu, tay cầm tờ giấy chép bài thơ và trình bày theo kiểu “nửa ngâm nửa đọc” không giống ai. Tệ hơn, có người tuy đã mang theo “tài liệu” nhưng trình bày vấp lên vấp xuống, cứ như là thơ của ai đó chứ không phải do mình “mang nặng đẻ đau” mà thành! Ông Lê Văn Tân (phường 1, TP Tuy Hoà) nói: Từ khi có đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn, tôi ít khi bỏ sót lần nào. Và tôi thấy việc một số tác giả lên đọc thơ, ngâm thơ rất tơ lơ mơ vẫn chưa chấm dứt. Đây là hội thơ xuân của nhân dân, tính đại chúng rất cần nhưng khi giới thiệu thơ với đông đảo công chúng, nhất thiết phải trình bày sao cho bài bản đàng hoàng. Tôi tha thiết đề nghị Ban tổ chức đêm thơ năm nay cần “nghiêm cấm” hiện tượng nói trên để đêm thơ đẹp hơn.

 

Theo lời ông Nguyên Đạt, muốn ngâm thơ thu hút được sự chú ý của người nghe, bên cạnh khả năng cảm thụ văn học, lòng yêu thơ, nhất thiết các “ngâm sĩ” phải tự học và dày công tập luyện. Bởi vì ngâm thơ sao cho đạt yêu cầu không phải là chuyện “bất chiến tự nhiên thành” mà là một nghệ thuật. Hiện nay, tại các cửa hàng sách ở TP Tuy Hoà có bán các tài liệu hướng dẫn cách tự học ngâm thơ, thổi sáo. Đó là Phương pháp tự học thổi sáo và ngâm thơ (Nguyễn Đình Nghĩa), Tự học thổi sáo, ngâm thơ và đệm sáo cho thơ (Tô Kiều Ngân)… Ngoài ra, vào Google trên internet gõ “Cách ngâm thơ” sẽ gặp nhiều websitse đề cập đến vấn đề này...

 

Ở Phú Yên hiện nay, nói như nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, có tình trạng “âm thịnh dương suy” trong giới “ngâm sĩ” bởi các giọng ngâm được biết đến đều là nữ, còn nam giới tuyệt nhiên chẳng có ai! Có lẽ do ngâm thơ là một loại hình nghệ thuật cần sự mềm mại, uyển chuyển và nhạy cảm của tâm hồn phụ nữ nên chị em dễ tiếp cận và thể hiện tốt hơn các bậc mày râu chăng?

 

THẠCH BÍCH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek