Thứ Sáu, 11/10/2024 19:29 CH
Về một tháng Tám hào hùng trong lịch sử...
Thứ Bảy, 02/09/2017 07:00 SA

Mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội) những ngày Cách mạng Tháng Tám với sự tham gia của hàng chục nghìn người - Ảnh: TL

Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Khi tôi sinh ra thì tháng 8 năm 1945 đã lùi vào lịch sử. Những gì tôi biết được đều nhờ vào sách vở, bài giảng của thầy cô và những thước phim tư liệu quý báu đã phủ mờ lớp bụi thời gian. Nhưng không khí hào hùng của mùa thu năm ấy như vẫn còn vẹn nguyên mỗi khi bài hát: Tiến quân ca (Văn Cao), Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Mười chín Tháng Tám (Xuân Oanh)… vang lên. Ta tưởng như đang đi trong dòng người hân hoan niềm vui chiến thắng. Những khuôn mặt còn lấm lem bùn đất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang cười rạng rỡ khi lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam được ra đời. Bây giờ nhiều người chứng kiến những khoảnh khắc hào hùng ấy đã không còn. Nhưng tháng Tám thì luôn còn mãi với những trang sử vẻ vang…

 

Tôi nhớ mãi cuộc gặp gỡ với vị lão thành cách mạng trong một buổi chiều mùa thu nắng gió ngập trời. Giữa nhịp sống hiện đại, ông kể về những ngày tháng mới tham gia cách mạng khi còn là một chàng trai 21 tuổi. Kể về việc tham gia cướp chính quyền ở Nghĩa Hưng - Nam Định vào Tháng Tám năm 1945. Trong căn phòng chung cư tầng 20 nhìn xuống, thành phố ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Loa của phường phát những bài ca về Bác, dòng người dường như cũng trôi chầm chậm lại. Trong không khí ấy càng khiến người lính già nhớ về một thời hừng hực chí khí, không sợ gian nguy, một lòng một dạ chiến đấu cho ngày chiến thắng. Lưng ông giờ thường lên cơn đau nhức, việc đi lại cũng trở nên khó khăn hơn. Có nhiều chuyện lúc nhớ lúc quên. Nhưng trong nhà nhìn đâu cũng thấy bóng dáng của lịch sử. Những kỷ vật được ông nâng niu cất giữ. Những bài thơ mấy chục năm qua vẫn còn nguyên cảm xúc trong từng câu chữ. Những quyển nhật ký chữ nhỏ xíu, nét mực đã nhòe, qua vài lần chuyển nhà bị thất lạc mỗi nơi một ít. Vài mốc thời gian đã bị mối mọt nhấm mất. Nhưng ông vẫn kiên nhẫn đeo kính ngồi đọc lại rồi chấp nối từng giai đoạn, từng trận đánh. Cũng có lúc ông im lặng, mắt nhìn xa xăm như để mặc dòng cảm xúc kéo mình trôi tuột về quá khứ. Mắt ông nhòe đi khi kể về những người đồng chí, anh em đã cưu mang nhau giữa lúc đói kém, cơ hàn. Kể về những ngày còn tham gia làm cán bộ Việt Minh đi nói chuyện với nhân dân về chủ nghĩa Mác. Rồi giọng ông bỗng nhiên hồ hởi, phấn chấn khi kể về những ngày tỉnh đội mới lập đội võ trang tuyên truyền nằm trong vùng địch. Khi đó ông làm chính trị viên, cùng các đồng chí của mình làm nhiệm vụ liên lạc, in truyền đơn và các tài liệu bí mật. Ngồi với ông cả buổi chiều vẫn thấy thời gian sao ít ỏi quá chừng. Bao nhiêu trang sách vẫn không thể bằng ngồi cùng nhân chứng của lịch sử trong một ngày tháng Tám cờ hoa rực rỡ.

 

Chào tạm biệt người lính già tôi trở về trôi trong phố giờ tan tầm đông đúc. Mỗi một người lính như ông là một kho tư liệu sống quý báu mà nếu chúng ta không kịp lật dở, không kịp lắng nghe thì rất có thể sẽ muộn màng. Tôi mong người lính già ấy sống thật lâu, để một ngày tháng Tám nào đó sẽ lại được gõ cửa nhà ông. Để nghe lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam…

 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về thăm danh thắng Côn Sơn
Thứ Bảy, 02/09/2017 10:00 SA
Ấn tượng Hội thi Tuyên truyền lưu động
Thứ Sáu, 01/09/2017 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek