Thứ Sáu, 11/10/2024 19:24 CH
Tản mạn nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 8
Thứ Bảy, 02/09/2017 14:00 CH

Những ngày qua trong tiết trời chớm thu, cơn mưa đến xua tan cái nóng oi bức. Nắng vàng nhẹ tênh. Các hoạt động mừng Quốc khánh 2/9 thật rộn ràng! Các hoạt động đó như cùng đồng hành với Ngày Âm nhạc Việt Nam, liền kề sau ngày Quốc khánh.

 

Ca sĩ Thanh Huệ (Chi hội Âm nhạc) giao lưu với Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long trong một chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức - Ảnh: YÊN LAN

1. Những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc có quyền tự hào về công việc của mình, về Ngày Âm nhạc Việt Nam vì ngày đó gắn với ngày lịch sử của đất nước. Ngày 3/9/1960, tại vườn Bách Thảo Hà Nội, trong buổi hòa nhạc kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước và mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cầm đũa nhạc, chỉ huy dàn nhạc, dàn hợp xướng và quần chúng hát bài Kết đoàn. Hình ảnh đó đã khắc ghi sâu đậm trong lòng người dân Việt. Âm nhạc đã đóng góp rất lớn trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước và trong xây dựng lại quê hương sau chiến tranh, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, lấy ngày 3/9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.

 

Tại Phú Yên, từ những ngày đầu mới tái lập tỉnh, Chi hội Âm nhạc trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình giao lưu âm nhạc hàng năm, giới thiệu tác phẩm mới của anh chị em viết nhạc và các giọng ca trong tỉnh. Rồi “thừa thắng xông lên”, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Phú Yên mời đồng nghiệp ở Bình Định, Khánh Hòa tham gia, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Những chương trình này thực sự đã gây men, tạo hưng phấn cho các nhạc sĩ, ca sĩ có nhiều sáng tạo mới. Tam niên thành lệ, các anh em hoạt động âm nhạc ba tỉnh nhớ nhau, cứ đến hẹn lại lên, tạo thành một hoạt động âm nhạc tự nguyện, phong phú. Hồn phách của câu ca dao xưa “Anh về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em” đã gắn kết anh chị em nhạc sĩ 3 tỉnh, tạo không khí thân thiện, gắn bó trong những lần tổ chức. Có nhạc sĩ còn lấy nguyên 2 câu ấy phổ và phát triển thành bài hát, sau này được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

Ngày 3/9/2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn Phú Yên cùng với 15 tỉnh, thành phố trong toàn quốc tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ nhất; nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phó Chủ tịch Hội, đã về dự, phát biểu khai mạc, giao lưu với anh chị em nghệ sĩ và những người yêu ca nhạc ở Phú Yên. Từ khi có “danh chính, ngôn thuận”, Ngày Âm nhạc Việt Nam ở Phú Yên được tổ chức mỗi năm một quy mô hơn. Nếu trước đây có Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa thì sau này thu hút thêm anh chị em hoạt động âm nhạc ở Gia Lai, Kon Tum và Quảng Ngãi. Phú Yên trở thành một điểm hẹn tin cậy của các anh em nhạc sĩ, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tin tưởng, đánh giá cao. Thời gian “con én đưa thoi”, 3/9 năm nay là năm thứ tám, chúng ta sẽ lại bận rộn, phấn khởi tổ chức biểu diễn giới thiệu các tác phẩm mới, giới thiệu với công chúng những thành tựu âm nhạc trong năm qua. Đặc biệt, năm 2017, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tròn 60 tuổi, một chu kỳ của “thập can, thập nhị chi” của âm lịch (Đinh Dậu (1957) - Đinh Dậu (2017); mọi hoạt động âm nhạc cũng phải được nâng tầm, để Ngày Âm nhạc Việt Nam thực sự trở thành ngày hội âm nhạc của công chúng yêu nhạc trong cả nước.

 

2. Nhìn lại những chặng đường đã đi qua của âm nhạc Phú Yên, chúng ta thấy nhiều niềm vui vì đã làm được nhiều việc: Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên và Chi hội Âm nhạc trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ngày càng phát triển; đội ngũ sư phạm âm nhạc có nhiều người đạt trình độ thạc sĩ và có khát vọng cao hơn; các tác phẩm có chất lượng đã vang xa trong nước và đến với bạn bè quốc tế; nhiều ca khúc đoạt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc trong toàn quốc; nhiều người được vinh danh Nghệ sĩ Ưu tú; nhiều giọng hát, nhiều nhạc công đã đoạt huy chương vàng, bạc, được khen thưởng tại các cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia. Các thế hệ nối tiếp nhau. Trước ngày giải phóng, nổi tiếng ở miền Bắc và vùng giải phóng có lớp đàn anh, đàn chị: Nhật Lai, Trương Tuyết Mai, Kpa Ylăng, Vũ Trung Uyên… Trước ngày giải phóng, Phú Yên có hai nhạc sĩ sinh sống và làm việc ở đây, có nhiều đóng góp cho phong trào âm nhạc của tỉnh khi đó là Phan Bá Chức và Văn Thanh. Sau ngày 1/4/1975, phong trào ca hát bùng lên mạnh mẽ, là liều thuốc bổ cho cuộc sống mới. Qua sự gạn lọc của thời gian, Phú Yên có những người thành danh, gắn bó với các hoạt động âm nhạc của tỉnh, là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Quang, Nghệ sĩ Ưu tú Cao Hữu Nhạc, nhạc sĩ Tấn Phát, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hải, nhạc sĩ Xuân Huy, nhạc sĩ Duy Tài. Các nhạc sĩ phong trào ở cơ sở có nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích như Lê Phú Hải, Đức Thanh, Ngọc Anh, Tuấn Lê và gần đây có Huỳnh Trọng Thống, Kim Huyền, Nguyễn Ngọc Thạch… Nhiều tuyển tập ca khúc in chung, in riêng, nhiều album nhạc đã đến với công chúng.

 

Trong lĩnh vực biểu diễn có Ngọc Hà, Mỹ Hạnh, Túy Ba, Hạnh Tri, Vũ The…, lớp sau thì có Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Trang, các ca sĩ: Lê Mỹ Như, Thanh Vân, Quốc Dũng, Thanh Huệ, Tất Đạt, Minh Khương, Quang Thơm, Y Viêng, Sô Chăm Huy, Lê Thanh Phong, Thụy Hằng… Còn một lực lượng mạnh nữa, phải kể đến là người quê gốc Phú Yên, thành danh trong lĩnh vực âm nhạc, đang sinh sống, làm việc ở TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, như Vũ Quốc Việt, Hoàng Lê Vi, Dương Khắc Linh, Lâm Vũ, Bùi Ca Roon, Trúc Lai, Quỳnh Trang… Các ca khúc Phú Yên đến với công chúng bằng nhiều “ngả”: qua băng đĩa, qua sóng phát thanh, truyền hình, qua xem biểu diễn trực tiếp trên sân khấu mà Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển là đơn vị có công đầu.

 

Phú Yên là miền đất của âm nhạc - nơi có dòng sông Ba vang vọng đại ngàn, đi qua bao bến nước, man man điệu khan với không gian văn hóa cồng chiêng ngàn năm để lại; nơi bạt ngàn châu thổ, đồng đất phì nhiêu, một thời rực rỡ văn hóa Chămpa với thành quách, đền đài, tháp thiêng lưu dấu; nơi có rừng dừa sải cánh hòa với biển xanh, cát trắng, và gió và nắng; nơi có những nét chấm phá của nền văn hóa đá còn mãi với thời gian. Những điều đó đã mời gọi nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đến với Phú Yên. Nhạc sĩ Vĩnh An, Lư Nhất Vũ, Bảo Chấn, Dương Thụ, Đức Trịnh, Trần Minh, Quỳnh Hợp… đã có nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Các tác phẩm xuất sắc của các nhạc sĩ về dự trại sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt đã chọn in và dàn dựng biểu diễn, được công chúng yêu thích. Chưa kể, nhiều ca khúc về vùng đất Phú Yên (khi còn trong tỉnh Phú Khánh) của các nhạc sĩ: Văn Chừng, Bằng Linh, Tố Hải, Hoàng Thơ Huy, Hình Phước Long mãi đi cùng năm tháng. Nhạc sĩ Anh Bằng, Nguyễn Đức Quang ở nước ngoài cũng có bài hát nổi tiếng về Tuy Hòa, được người yêu nhạc trong và ngoài nước đón nhận.

 

Ngày Quốc khánh đang đến; Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 8 liền kề; sinh nhật lần thứ 60 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng gần tới. Những niềm vui xin được chia sẻ cùng đồng nghiệp và người yêu nhạc. Sự đồng cảm sẽ là những nốt nhạc vui tung bay trên bầu trời âm nhạc Phú Yên.

 

CAO HỮU NHẠC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek