Thứ Sáu, 11/10/2024 23:28 CH
Hà Nội là máu thịt, Tây Nguyên là miền mơ
Thứ Năm, 03/08/2017 17:00 CH

Nhạc sĩ Nguyễn Cường hát với sinh viên tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung - Ảnh: YÊN LAN

Được yêu mến, ngưỡng mộ qua hàng loạt ca khúc mang hơi thở mãnh liệt của Tây Nguyên, nhưng Nguyễn Cường không chỉ là “nhạc sĩ của đại ngàn”. Bên cạnh những Anh muốn sống bên em trọn đời, Ly cà phê Ban Mê, Và ta đã thấy mặt trời, H’ren lên rẫy, Gió bay về ngàn… lúc rực lửa, lúc dào dạt nắng gió, còn đó một Nguyễn Cường thâm trầm và tinh tế với những nhạc phẩm mà mỗi khi cất lên lại thấm vào từng mạch máu trong trái tim người nghe.

 

Trong chuyến đi thực tế sáng tác ở Phú Yên, nhạc sĩ tài hoa này đã giao lưu với sinh viên tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung và chia sẻ với người hâm mộ nhiều điều thú vị.  

 

* Ông đã đi thực tế sáng tác ở Phú Yên và điều gì ở mảnh đất này mang lại cho ông nhiều cảm xúc?

 

- Có một kỷ niệm mà đến hôm nay tôi mới bật mí. Cách đây 33 năm, tôi được bộ đội hải quân mời đi sáng tác về những người lính biển và những chiến công của họ. Chiến công vĩ đại nhất của lính biển Việt Nam là những chuyến tàu Không số. Chúng tôi, một đoàn gồm 20 nhạc sĩ đã xuống Hải Phòng. Sau khi thâm nhập thực tế ở đơn vị hải quân, chúng tôi sẽ vào Phú Yên, đến Vũng Rô.

 

Thật không may, tham quan ở Hải Phòng xong thì tôi có công tác, phải về. Sau 33 năm, tôi mới đến Vũng Rô, hoàn thành chuyến đi thực tế đó. Rất may là ngày ấy tuy không đi được nhưng tôi đã kịp viết một bài hát vinh dự được bộ đội hải quân đón nhận như một trong những bài ca truyền thống của lực lượng. Đó là bài Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

 

* Nhạc sĩ từng chia sẻ rằng với ông, Tây Nguyên như một người tình còn Hà Nội như người vợ. Vậy điều gì ở “người tình Tây Nguyên” khiến ông say đắm và sáng tác nhiều ca khúc được công chúng đón nhận, yêu thích đến thế?

 

- Tây Nguyên là miền đất đã ghi nhiều dấu ấn trong các tác phẩm của tôi. Tôi hay nói “em cao nguyên huyền thoại, em cao nguyên cỏ dại, một cao nguyên ở trong tôi vừa thật gần vừa xa xôi”. Vừa thật gần vừa xa nên ví như một người tình. Đấy là cách nói hình tượng. Tôi là người con của Hà Nội. Gia đình tôi 7 đời sống ở Hà Nội, cho nên Hà Nội đối với tôi là máu thịt, còn Tây Nguyên là một miền mơ. Ở đấy tôi bộc lộ các xúc cảm của mình trước vẻ đẹp của Tây Nguyên.

 

* Nhạc sĩ rất yêu và gắn bó với Hà Nội. Trong số những ca khúc mang vẻ đẹp riêng của Hà Nội, ca khúc nào gắn với nhiều kỷ niệm của ông?

 

- Có một điều rất lạ là khi tôi đến và viết về Tây Nguyên thì viết rất nhanh, nhưng viết về Hà Nội thì thời gian rất dài. Một bài hát về Tây Nguyên, như bài H’ren lên rẫy, tôi viết chỉ trong vòng 15 phút, nhưng bài hát Vẫn mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội tôi trăn trở trong 10 năm.

 

Trong nghệ thuật, không phải cứ viết lâu thì hay, viết trong thời gian ngắn thì kém. Có lẽ do viết về Hà Nội thì mình kỹ quá, vì mình là người ở đấy mà, nên kỹ, chứ không phải 10 năm thì hơn 10 tháng hay 10 ngày.

 

* Không chỉ là “nhạc sĩ của đại ngàn”, dường như Nguyễn Cường còn là nhạc sĩ của biển, với các ca khúc “Mái đình làng biển”, “Hò biển”, “Hát về biển”... Ông có thể chia sẻ một chút về điều này?

 

- Thật ra, các đề tài chỉ là cái cớ để người nghệ sĩ bộc lộ tâm hồn mình, giao đãi với đời sống. Mỗi lần là một giao đãi khác nhau, bộc lộ ra để hiểu mình hơn. Đến biển thì được cái bao la, mênh mông của biển; đại ngàn thì có vẻ đẹp khác. Mỗi vùng đất cho mình một cảm nhận, từ đấy mình hiểu vùng đất, đồng thời hiểu cả chính mình hơn.

 

* Rất nhiều người yêu thích các ca khúc về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, riêng tôi ấn tượng nhất, “thấm” nhất là ca khúc “Mái đình làng biển”. Hoàn cảnh sáng tác ca khúc này như thế nào, thưa ông?

 

- Nếu có người nào đó hỏi rằng anh viết bao nhiêu bài hát, tôi không nhớ được. Còn khi người ta hỏi: Trong mấy trăm bài hát mà anh viết, nếu chỉ được đưa ra một bài thôi thì anh sẽ đưa bài nào? Tôi nói rằng tôi xin đưa bài hát Mái đình làng biển.

 

Lúc đó, tỉnh Quảng Ninh mời đoàn nhạc sĩ 20 người đi sáng tác ở Quảng Ninh. Sau khi tham quan biển, các nhạc sĩ được mời lên Móng Cái, sang Trung Quốc chơi, trong đó có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng. Chiều về, mọi người rủ nhau đi tắm biển Trà Cổ. Tính tôi thoải mái nên mặc đồ bơi, chân đất nhảy lên ô tô cùng mọi người đi tắm biển.

 

Biết tin đoàn nhạc sĩ đến, lãnh đạo địa phương chặn xe lại, bảo trước khi xuống biển bơi, mời các nhạc sĩ vào thăm một ngôi đình rất độc đáo của Trà Cổ. Lúc đó tôi chưa có cảm xúc gì nhiều, nhưng khi ông ấy nói câu này thì mình cảm động quá. Ông ấy bảo: “Cha ông chúng tôi đã mang gỗ, mang đá từ Thanh Hóa lên đến đây để xây một cái đình. Cái đình này là một cột mốc.

 

Cột mốc ở đằng kia tối đến người ta xê dịch, nhổ lên cắm vào phần đất của chúng ta đến 10m, sáng ra chúng ta phải cắm trở lại cho đúng vị trí. Nhưng mái đình này thì người ta không nhổ được, vì đó là cột mốc văn hóa”. Nghe đến đó, có điều gì rất lạ dâng lên trong tôi.

 

Mọi người xuống xe còn tôi không dám, vì mình chỉ mặc mỗi đồ bơi thì làm sao dám bước vào một công trình văn hóa đẹp như thế. Tôi ngồi trên xe và tiếc. 5 phút sau, tôi nghĩ: Tại sao nhỉ, quan trọng nhất là ở cái tâm của mình chứ đâu phải ở bộ quần áo mình mặc? Thế là tôi xuống xe, chắp tay vái đình 3 cái, rằng tôi không được báo trước nhưng trước vẻ đẹp này, tôi xin phép được vào. Và tôi cảm nhận tất cả vẻ đẹp của một mái đình làng biển.

 

Khi âm nhạc xuất hiện trong đầu, tôi không quên được, nhưng ca từ thì có thể quên, mà lúc đó tôi không mang giấy bút. May quá có nhạc sĩ Cát Vận vốn rất cẩn thận, đi bơi mà cũng mang cả giấy bút theo. Thế là tôi mượn giấy bút và viết một mạch xong bài Mái đình làng biển.  Khi tôi ra khỏi ngôi đình, bài hát đã hoàn thành.

 

Thêm một điều thú vị nữa là, ban đầu tôi viết “Mái đình xưa Trà Cổ, thênh thênh một góc trời...”. Sau đó, người trong nước chuyển thành “Mái đình xưa làng biển”, Việt kiều thì hát rằng “Mái đình xưa làng Việt”. Tôi nghĩ dù có những điểm khác nhau nhưng tâm hồn dân tộc thì là một.

 

* Ông cảm nhận như thế nào về các nhạc sĩ trẻ hiện nay?

 

- Khi âm nhạc của thế giới tràn vào, khi đất nước mình hội nhập thì các nhạc sĩ trẻ là những người tiếp thu. Nhưng hãy tin tưởng họ. Trong rất nhiều nhạc sĩ trẻ sẽ có những người vượt lên bằng tài năng của họ, đưa hồn của dân tộc vào tác phẩm âm nhạc.

 

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek