Việc sử dụng phim khổ 70mm được cho là “chìa khóa” để đạo diễn thực hiện những thước phim đẹp trong bom tấn chiến tranh.
Bom tấn chiến tranh “Dunkirk” của đạo diễn Christopher Nolan vừa ra mắt đã nhận nhiều lời khen của giới phê bình. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh về thị giác với nhiều cảnh quay rộng, phô diễn quy mô lớn và phức tạp của chiến tranh. Đằng sau thành công này là nỗ lực của đạo diễn trong việc sử dụng bản phim khổ rộng 70mm.
So với bản phim 35mm, phim 70mm ghi nhận nhiều điểm nét hơn, qua đó hình ảnh phim được thể hiện chi tiết hơn. Trên CNN, David Schwartz, quản lý Bảo tàng Hình ảnh chuyển động ở New York, giải thích: Sử dụng bản phim 70mm, bạn có hình ảnh lớn hơn, nhiều chi tiết hơn, nhiều ánh sáng đi qua cuộn phim từ máy chiếu hơn. Về cơ bản, hình ảnh sáng và sống động hơn. “Dunkirk” là một phim về Thế chiến thứ hai và cố đưa bạn vào trải nghiệm đó. Nó cần phim 70mm để làm được điều này. Khán giả thông thường không nhận rõ sự khác biệt, nhưng cảm thấy như đang lọt vào thế giới của câu chuyện. Họ sẽ có trải nghiệm tuyệt hơn bình thường, nhưng không hiểu tại sao”, Schwartz nói.
Phần lớn rạp không có máy chiếu để phát phim 70mm nên phải dùng các bản in 35mm với tỉ lệ 2,35:1 hoặc chiếu bản kỹ thuật số. Dù chiếu với các định dạng này, phần hình ảnh của “Dunkirk” cũng giàu chi tiết hơn phim thông thường. Trên Vox, cây bút Alyssa Wilkinson mô tả sự khác biệt trong trải nghiệm phim. “Trong đoạn giới thiệu tên phim xuất hiện, những chữ trắng xuất hiện trên nền đen. Trong bản chiếu kỹ thuật số, ký tự đứng yên và cứng cáp, nhưng ở bản phim 70mm, chúng dường như đang rung”.
Tồn tại từ thuở khai sinh của điện ảnh (cuối thế kỷ XIX) nhưng phải đến khoảng năm 1950-1970, phim 70mm mới bước vào thời hoàng kim. Một số kiệt tác như “Lawrence of Arabia” (1962) hay “The Sound of Music” (1965) được quay hoàn toàn với định dạng này. Đến thập niên 1970, nó dần thất thế trước phim 35mm bởi chi phí cao trong nguyên liệu và việc trình chiếu. Sang thế kỷ XXI, khi lối chiếu bằng kỹ thuật số lên ngôi, bản phim 70mm trở thành hoài niệm.
Gần đây, chỉ còn một số đạo diễn vẫn sử dụng phim 70mm như Paul Thomas Anderson (The Master), Quentin Tarantino (The Hateful Eight) hay Ron Fricke (Samsara). Thiên tài điện ảnh Terrence Malick cũng quay một số cảnh trong “The New World” (2005) với bản phim này.
Tuy nhiên, hiếm ai ủng hộ phim 70mm nhiệt thành như Christopher Nolan bởi niềm say mê những giá trị nguyên bản của điện ảnh. Anh từng quay lưng với công nghệ 3D cũng như phương thức phát hành trực tuyến nhiều tranh cãi của Netflix.
Trang Hollywood Reporter cho rằng “Dunkirk” có thể tạo ra cuộc phục hưng cho loại phim cũ đang bị lãng quên ở Hollywood này. Hãng phim Kodak đang xúc tiến việc chiếu lại các tác phẩm kinh điển dùng bản phim 70mm.
Tuy nhiên, nhà bình luận Rich Haridy của New Atlas cho rằng kỷ nguyên của phim 70mm khó trở lại. Nolan - với danh tiếng có sẵn cùng việc sẵn sàng chi một số tiền - đã được các nhà đầu tư cấp khoản vốn lớn để làm phim. Ngân sách phim cuối cùng lên đến 150 triệu USD, không kém các bom tấn giải trí Hollywood.
“Dù “Dunkirk” là một thử nghiệm thành công, thật khó để các nhà làm phim khác được trao cho khoản kinh phí khổng lồ này. Trải nghiệm độc đáo này sẽ không sớm được lặp lại”, Haridy nói.
MỸ AN (tổng hợp)