Thứ Bảy, 05/10/2024 14:32 CH
Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Tây Nguyên – Nam Trung Bộ:
Số lượng chưa đi đôi với chất lượng
Thứ Tư, 10/10/2007 07:07 SA

Văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số (VHNTCDTTS) Tây Nguyên - Nam Trung Bộ trong suốt chặng đường hơn 20 năm đổi mới, nhìn toàn cục đã có những bước tiến dài, nhưng nếu nhìn nhận một cách kỹ lưỡng và sâu xa hơn thì nó vẫn chưa có một sự bứt phá để lại ấn tượng mạnh mẽ, chưa có những tác phẩm đặc sắc mang dấu ấn “để đời” như những gì mà trước đó đã từng có. Đây là những đánh giá mang tính xác thực cao của số đông các đại biểu trong Hội nghị VHNTCDTTS Tây Nguyên -–Nam Trung Bộ được tổ chức mới đây ở Kon Tum.

 

071010-tap-sach-1.jpg

Một số tác phẩm đã xuất bản của các tác giả người dân tộc thiểu số ở Phú Yên – Ảnh: MINH KÝ

 

Thời gian qua, VHNTCDTTS Tây Nguyên – Nam Trung Bộ đã có sự hiện diện đông đảo của đội ngũ sáng tác, lý luận phê bình, đa dạng về loại hình nghệ thuật như: Y Brơm, Linh Nga Niê Kdam, Đinh Xuân La… (âm nhạc, múa); Inrasara, Y Điêng, Nay Kỳ Hiệp, Linh Nga Niê Kdam… (văn học). Đáng nói nhất là về lĩnh vực hội họa, điêu khắc nếu trước đây gần như còn “trắng” các tên tuổi trong lĩnh vực này, thì nay đã nổi lên nhiều tên tuổi đáng chú ý: Xu Man, A Nhú, Ykô Niê, Đàng Năng Thọ… (hội họa). VHNTCDTTS Tây Nguyên – Nam Trung Bộ thời gian gần đây đã đoạt được một số giải thưởng tầm quốc gia và quốc tế, đó được coi là sự ghi nhận về những cách tân, tìm tòi, hình thành những phong cách mới…

 

Nhưng nếu nhìn nhận cặn kẽ hơn, thì những thành công đó cũng mới dừng lại ở mức ước lệ. Nhà thơ Văn Công Hùng nhận định: Tuy về số lượng có nhiều, đa dạng hơn nhưng về chất lượng thì VHNTCDTTS Tây Nguyên – Nam Trung Bộ gần đây vẫn chưa có những tác phẩm có thể sánh ngang tầm với những “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Bài ca chim Chơrao”… Vẫn theo nhà thơ Văn Công Hùng, “mảnh đất” VHNTCDTTS Tây Nguyên – Nam Trung Bộ là rất màu mỡ, nhưng do còn nhiều tác giả và tác phẩm chỉ nhìn nhận Tây Nguyên bằng cặp mắt hời hợt và sai lệch. Họ chỉ khai thác về Tây Nguyên ở khía cạnh những cái lạc hậu, nghe lạ tai, nhìn lạ mắt mà không chịu sống cùng Tây Nguyên; hoặc chỉ cưỡi ngựa xem hoa rồi phán xét. Những giá trị văn hoá, lễ hội truyền thống đặc sắc gắn liền với không gian độc đáo lại đang bị sân khấu hoá, hiện đại hoá. Nhiều nhà văn khi viết về Tây Nguyên hay dùng những đại từ nhân xưng kiểu: cái mày, cái tao, ưng cái bụng… như một thứ để phân biệt người Tây Nguyên với những người vùng, miền khác còn cái chất Tây Nguyên thực thụ trong tác phẩm của họ lại quá nhạt nhoà. Vì vậy, nhà văn Thu Loan chia sẻ: “Làm sao để hoà nhập vào cộng đồng người dân tộc để phản ánh đúng về họ, để tác phẩm của mình đọc lên không thấy giả giả? Đó là một quá trình học hỏi, tiếp xúc không ngừng”.

 

071010-y-dieng.jpg

Nhà văn Y Điêng, một tên tuổi quen thuộc của VHNT các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ - Tây Nguyên - Ảnh: K.Dung

Nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam lại đặt ra một vấn đề khác: Sáng tác văn học bằng tiếng dân tộc ở Tây Nguyên, có hay không? Và sau thời gian dày công tìm hiểu, cuối cùng bà đành lắc đầu: Ngoài một số tác phẩm nhỏ được dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc thiểu số, hoặc những cuốn sử thi song ngữ thì sáng tác đích thực bằng tiếng dân tộc gần như là con số không. Học sinh dân tộc thiểu số bây giờ không đọc được chữ bằng chính ngôn ngữ của dân tộc họ. Thanh thiếu niên Tây Nguyên hiện nay hầu như chỉ biết đến văn học Việt, hoặc văn học nước ngoài, còn mảng văn học sáng tác nơi cộng đồng của chính họ thì lại rất mù mờ. Bà Linh Nga Niê Kdam đưa ra một cách làm hay của nhà thơ Inrasara để đưa các tác phẩm của các tác giả người dân tộc thiểu số đến với chính cộng đồng mình, đó là mang sách về phát miễn phí tại các buôn làng Chăm, tặng sách cho các thầy cô giáo người dân tộc… Cách làm này rất hiệu quả, nhưng không phải nhà văn nào cũng có khả năng kinh tế để làm được.

 

Bà Linh Nga Niê Kdam bày tỏ với những người sáng tác văn học nghệ thuật: hãy chịu khó gửi tác phẩm của mình cho các nhà lý luận phê bình để họ giới thiệu lên các phương tiện thông tin. Hãy in những trường ca, sử thi đã được sưu tầm thành những tập sách song ngữ mỏng để phát hành rộng rãi trong các buôn làng. Còn nhà thơ Inrasara đề xuất: Hội VHNTCDTTS cần mở rộng cơ hội giao lưu, tạo cơ hội cho những người sáng tác trẻ công bố tác phẩm; cần phải tìm tòi, phát hiện những cây bút có triển vọng ngay trên ghế nhà trường để đào tạo, bồi dưỡng. Đó là những đề xuất, còn để có những tác phẩm của VHNTCDTTS Tây Nguyên – Nam Trung Bộ có thể tiếp tục toả sáng như những tác phẩm của các thế hệ đi trước thì đành phải chờ.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người đẹp và những ước mơ đẹp
Thứ Ba, 09/10/2007 11:30 SA
Áo dài Việt Nam lên Fashion TV từ 9-10
Thứ Ba, 09/10/2007 08:14 SA
Quê nhà cho tôi một giọng thơ
Chủ Nhật, 07/10/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek