Nhạc sĩ Trần Tiến, tác giả của những ca khúc: “Chiếc vòng cầu hôn”, “Tóc gió thôi bay”, “Chị tôi”, “Mặt trời bé con”… vừa ra mắt độc giả cuốn sách với tên gọi “Ngẫu hứng”. Sách dày 264 trang, do NXB Hội nhà văn ấn hành, gồm hai phần: Trần Tiến viết và viết về Trần Tiến.
Bìa sách “Ngẫu hứng” - Ảnh: MINH HUYỀN |
Ngẫu hứng” của Trần Tiến không phải là cuốn tự truyện, tản văn, tạp bút mà có thể gọi là ngẫu văn, được viết theo một cách rất riêng, ghi lại những mảnh ghép trong hành trình 70 năm cuộc đời của người nhạc sĩ du ca này. Một trong những nét duyên cuốn hút ở Trần Tiến là tính hài hước pha chút ngông. Chính vì vậy mà mở đầu cuốn sách, ông tếu táo: “Mình hay trêu đùa bạn bè: Ai chưa đọc văn Trần Tiến, người ấy mới sống nửa đời người. Còn đã đọc xong rồi thì… chẳng còn gì để sống nữa. He he”. Cứ thế, ông dẫn dắt độc giả đi vào những bài tản mạn, những câu chuyện kể rất “ngẫu hứng”.
Trong 27 khúc ngẫu hứng văn xuôi, đong đầy kỷ niệm của tác giả, có những “khúc ngẫu hứng” đọng lại với độc giả rất thật như chính con người nhạc sĩ Trần Tiến. Như lời nhạc sĩ tự sự: “Đời nghệ sĩ như cỏ tự mọc, như hoa tự thơm ở đâu đó. Hồn nhiên… Bao nhiêu vốn quý, tài sản, vẻ đẹp, sự thông minh, cần cù, nụ cười và nước mắt họ đã dành cho bạn trong tác phẩm hoặc trên sân khấu, dành cho bạn như tình cho không…” - ngẫu hứng “Đời nghệ sĩ”.
“Hãy cứ lên đường với những bất ngờ buồn vui phía trước, vết cỏ mòn để lại phía sau những con đường. Tuổi trẻ để lại phía sau chiếc gối êm, cho tuổi già úp mặt. Cuộc đời để lại phía sau một bản trường ca của mỗi số phận” - ngẫu hứng “Cuộc đời vẫn thế có ai định được con đường ta đi”.
Những tản mạn “ngẫu hứng” được viết theo một tư duy, văn phong thống nhất. Vì thế, dù Trần Tiến viết về bạn bè, về nghề hát, về tình cảm ông dành cho một nhân vật nào đó, độc giả vẫn có thể hình dung ra cuộc đời và chân dung ông. Đặc biệt nhất có lẽ là phần “Lưu ảnh ký” - nhạc sĩ Trần Tiến kể chuyện từ hồi ức của mình qua những tấm ảnh rất gợi mở từ thời còn học Trường Trưng Vương (Hà Nội) rồi những năm tháng tuổi trẻ quân trường đến những tháng ngày du ca khắp nơi trên mọi miền đất nước. Những tháng ngày ấy là chất xúc tác cho các tác phẩm âm nhạc mộc mạc, dân dã mang tính xã hội và đôi khi lại rất thơ không lẫn vào đâu được của Trần Tiến.
Trần Tiến tâm sự: “Khi sáng tác, tôi không có ý định tìm cho mình một con đường độc đạo để nhăm nhe đạt tới những đỉnh cao. Ngẫu hứng nhiều, đi nhiều thì thành đường thôi. Âm nhạc với tôi, lúc đầu là một nghề để kiếm sống. Làm riết rồi thành nghiệp, đến bây giờ bỏ cũng không được nữa”.
Thật hiếm có nhạc sĩ nào nửa thế kỷ viết nhạc mà chưa in sách nhạc như nhạc sĩ Trần Tiến. Có lẽ cũng vì vậy mà lúc trước, dư luận xôn xao việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hát sai lời bài hát “Chiếc vòng cầu hôn” trong chương trình Bài hát yêu thích trên VTV3 nhưng vẫn nhận giải thưởng cao nhất. Bởi nhạc sĩ Trần Tiến có bao giờ chịu in nhạc đâu để người ta hát cho đúng nhạc, đúng lời? Và anh hứa, sau khi cuốn “Ngẫu hứng” văn xuôi xuất bản trước, rồi mới tiếp đến cuốn nhạc ra sau.
Đọc “Ngẫu hứng” của Trần Tiến, độc giả sẽ thấy cả những góc khuất u ám, những dằn vặt, đau đớn không dễ gì bộc bạch của một “kiếp tằm rút ruột nhả tơ” cho những cháy sáng dưới ánh đèn sân khấu của người nhạc sĩ tài hoa này.
Nhạc sĩ Trần Tiến tên thật là Trần Việt Tiến, sinh ngày 16/5/1947, trong một gia đình khá giả ở thủ đô Hà Nội, hiện sống tại TP Vũng Tàu. Năm 16 tuổi, Trần Tiến làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sau 1 năm tự học, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa lúc bấy giờ như: Quảng Bình, Vĩnh Linh. Ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc và sáng tác năm 1978. Năm 1987, ông thành lập ban nhạc rock Đen - Trắng và lưu diễn dọc đất nước. Năm 2007, ông nhận giải thưởng Nhà nước về chuyên ngành âm nhạc.
Các album đã phát hành: “Du ca đồng quê”, “Tùy hứng lý qua cầu”, “Du ca tình yêu”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Ngẫu hứng - DVD liveshow”, “Tự họa - Trần Tiến và Trần Thu Hà”, “Có một thời như thế”, “Hà Trần - Trần Tiến”. |
MINH HUYỀN