Chủ Nhật, 13/10/2024 11:23 SA
Đặc sắc phong tục đón xuân của người Ê Đê ở Krông Pa
Thứ Ba, 10/01/2017 09:00 SA

Đồng bào Ê Đê ở xã Krông Pa mở hội cồng chiêng mừng xuân mới - Ảnh: TRẦN LÊ KHA

Người Ê Đê ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa có sinh hoạt tinh thần rất đặc sắc. Chính những giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê nơi đây đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa của vùng đất phía tây Phú Yên giáp ranh với Tây Nguyên này.

 

Về xã Krông Pa trong những ngày đầu xuân mới, tôi được nghe người dân nơi đây cho biết nét đặc sắc trong phong tục đón xuân của người dân tộc Ê Đê. Đó là vào lúc giao thừa, người chủ làng đánh lên ba hồi chiêng để chào đón tổ tiên, đất trời, thần linh núi rừng về ăn tết cùng buôn làng, con cháu. Nghe tiếng chiêng của chủ làng, mọi nhà đều thức dậy nhóm lửa để đón chào năm mới. Văn hóa truyền thống người Ê Đê mang đậm tính mẫu hệ, nên vào ngày đầu năm mới, người phụ nữ đứng đầu trong gia đình là người nhóm lửa. Lửa cháy sáng xua đuổi bao điều xấu, đón nhận những điều may mắn trong năm mới. Đối với đồng bào Ê Đê ở xã Krông Pa, khi xuân về tết đến là mùa “ăn năm, uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mùa tìm bạn đời của những chàng trai cô gái, mùa tạ ơn các đấng thần linh, của đất trời đã chở che buôn làng được “an cư, lạc nghiệp”.

 

Sau vụ mùa thu hoạch và trong những ngày đầu năm mới, đồng bào dân tộc Ê Đê ở xã Krông Pa thường tổ chức lễ hội cồng chiêng. Nhiều lần được tham dự lễ hội này, chúng tôi thật sự ấn tượng và bị mê hoặc bởi âm thanh cồng chiêng vang vọng vào vách núi tạo không khí rộn ràng, vui tươi. Từ khi mới quy dân lập làng, người dân còn thưa thớt, núi rừng chập chùng hoang vu, tiếng cồng chiêng đã xua đuổi thú dữ. Tiếng cồng chiêng se duyên chồng vợ, cúng rước hồn lúa, là tín hiệu đón giao thừa, ngày hội đầu xuân… Cồng chiêng được diễn tấu tập thể mang đậm giá trị tâm linh. Khi âm thanh cồng chiêng vang lên cũng là lúc kết nối giữa Giàng (trời), thần linh, ông bà tổ tiên với con cháu.

 

Oi Chít năm nay gần 90 tuổi, ở buôn Lé A, cho biết: “Nhạc cụ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Ê Đê được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Ê Đê đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét dân tộc mình. Dàn cồng chiêng có từ 12-16 chiếc”.

 

Hiện ở xã Krông Pa có hơn 7 bộ cồng chiêng. Tuy đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm qua, người dân bên bờ sông Ba và sông Cà Lúi này luôn gìn giữ cồng chiêng, coi đó là nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Ma Thoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Pa, người “nắm giữ” tri thức cồng chiêng của người dân nơi đây, nói: “Khi vừa nhìn thấy mặt trời, chúng tôi đã có tình yêu cồng chiêng tha thiết. Cồng chiêng bao giờ cũng được cất giữ ở nơi trang trọng nhất, thường để gần bếp chủ. Việc bảo quản, sử dụng rất cẩn thận và sợ cồng chiêng mất tiếng, âm thanh không hay, không vang. Chúng tôi coi tiếng chiêng là mẹ, tiếng cồng là tiếng cha”.

 

Trong những ngày giáp tết, các buôn làng ở xã Krông Pa tổ chức lễ cúng tất niên. Lễ vật gồm một con heo và 5-7 ché rượu, cơm lúa mới, do bà con trong khu dân cư đóng góp. Ngày cúng năm hết tết đến, mọi người đều ngừng nghỉ việc ruộng rẫy, tập trung về nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ai cũng rạng rỡ, hân hoan niềm vui chúc mừng sức khỏe, chúc mừng được mùa, trong không khí ấm tình đoàn kết. Tiễn năm cũ và chuẩn bị đón mừng năm mới, họ hy vọng nhiều điều tốt đẹp hơn. Lúc này, mọi người quây quần uống rượu cần, nghe cồng chiêng và nghe kể khan.

 

Ma Nghin ở buôn Lé A là người kể khan hay nhất xã Krông Pa với biệt tài nhớ các bài sử thi cổ. Ma Nghin hớp rượu cần và bắt đầu kể. Làn hơi dài và giọng cao ngút, ông quyến rũ người nghe bằng câu chuyện về chàng Xing Chi Ngã tài giỏi đã diệt trừ tên Gia Rơ Bú độc ác, trả thù cho cha mẹ chàng. Ma Nghin chia sẻ: “Những bài khan kể vào ngày xuân là những khúc tráng ca truyền thống của người Ê Đê. Huyền thoại về những chiến công của các dũng sĩ Đăm San, Đăm Di, Xing Chi Ngã luôn là niềm hứng khởi và tự hào lôi cuốn sự chăm chú của người dân nơi đây. Cứ thế, ngày hội thỏa thuê trong rượu cần chảy tràn theo tiếng cồng chiêng và những câu hát, điệu múa nhịp nhàng thâu đêm suốt sáng”. 

 

Những phong tục của đồng bào Ê Đê nhằm kêu gọi cộng đồng chung sức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc họ, khơi dậy ý thức và niềm tự hào trong mỗi người dân của buôn làng. Đây là nét đẹp văn hóa của đồng bào Ê Đê khi mùa xuân đến.

 

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek