Thứ Hai, 14/10/2024 05:18 SA
Giáo sư Trần Văn Giàu: Trí thức cách mạng tiêu biểu
Thứ Ba, 13/09/2016 14:00 CH

Nếu có cuộc bầu chọn nhân vật tiêu biểu nhất của Sài Gòn - Nam Bộ thế kỷ XX thì tôi tin rằng GS, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu sẽ là một trong những cái tên đầu tiên được bình chọn.

 

Du học trời Tây và bước vào con đường cách mạng

 

Giáo sư Trần Văn Giàu

Ngày 6/9 vừa qua là kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của GS Trần Văn Giàu (1911-2016). Quê ông ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An, nay thuộc tỉnh Long An. Là con của một gia đình trung nông, ông học tiểu học ở Tầm Vu, năm 1925, ông lên Sài Gòn học Trường trung học Chasseloup Laubat, tức Trường THPT Lê Quý Đôn sau này.

 

Năm 1928, Trần Văn Giàu sang du học Trường đại học Toulouse ở miền Nam nước Pháp. Trần Văn Giàu nhanh chóng gia nhập Đảng Cộng sản Pháp khi mới 19 tuổi.

 

Vào tháng 2/1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo bùng nổ, gây chấn động dư luận trong nước lẫn thế giới. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man lực lượng khởi nghĩa. Ông cùng 19 người khác đã bị bắt giam 1 tháng, rồi bị tòa án xử trục xuất khỏi nước Pháp vào tháng 6/1930.

 

Trở về nước không phải với tấm bằng cử nhân hay tiến sĩ mà là một cái án chính trị, giữa năm 1931, Trần Văn Giàu bí mật sang Pháp lần thứ hai, rồi được tổ chức đưa sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông ở Moskva. Năm 1933, ông tốt nghiệp thủ khoa sau khi bảo vệ thành công luận án Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương.

 

Tổng đại diện của tù nhân và tổ chức vượt ngục

 

Những hoạt động yêu nước công khai của Trần Văn Giàu là mối đe dọa nguy hiểm cho chính quyền thuộc địa. Vì vậy, cuối năm 1933, ông bị tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù treo, rồi gần 2 năm sau, ông lại bị địch bắt kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc tội hoạt động lật đổ chính quyền trong phiên tòa ngày 25/6/1935.

 

Ở trong tù, Trần Văn Giàu được các bạn tù cử làm tổng đại diện, lãnh đạo đấu tranh với chúa ngục đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù. Cuối tháng 4/1940, mãn hạn tù, trở về đất liền mới được 9 ngày thì ông lại bị chính quyền thực dân bắt đưa đi “an trí” ở vùng rừng sâu Tà Lài trên thượng nguồn sông Đồng Nai.

 

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 thất bại, bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Ở trong tù nghe hung tin, Trần Văn Giàu và các đồng chí của ông vô cùng đau đớn, lo lắng cho phong trào.

 

 Đảng ủy căng (trại giam) Tà Lài do Trần Văn Giàu đứng đầu đã quyết định tổ chức cho một số đảng viên vượt ngục để gầy dựng lại cơ sở cách mạng. Đợt 2 vào đầu tháng 3/1941, có 8 người vượt ngục gồm các ông: Trần Văn Giàu, Dương Văn Phúc, Châu Văn Giác, Trần Văn Kiệt, Trương Quang Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Văn Đức và Tô Ký.

 

Ông Trần Văn Giàu thoát lên Đà Lạt, sau đó về quê hương Tân An, xuống U Minh ẩn náu, tránh sự truy lùng gắt gao của địch, rồi lên Mỹ Tho và Sài Gòn tìm cách hoạt động trở lại, nhận trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

 

Tự vạch đường riêng cho cách mạng ở Nam Kỳ

 

Đầu năm 1941, Bí thư Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy Nam Kỳ đã tự vạch ra một đường lối cách mạng phù hợp với hoàn cảnh của mình trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 11/1939 - Hội nghị Trung ương cuối cùng họp trên đất Nam Kỳ.

 

Xứ ủy đã tự đề ra khẩu hiệu mang tính chiến lược: “Đánh đổ đế quốc Nhật, bài trừ phản động Pháp, Đông Dương độc lập muôn năm”.

 

Ngay sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, Ủy ban Kháng chiến toàn quốc do Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu ra đã phát lệnh tổng khởi nghĩa từ ngày 16/8/1945. Bí thư Trần Văn Giàu liền triệu tập Hội nghị đặc biệt Xứ ủy Nam Kỳ ở Chợ Đệm ngày 15/8, xác định nhiệm vụ cấp bách là khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khởi nghĩa năm 1940 thất bại nên có những ý kiến phân vân, phải đến phiên hội nghị thứ ba mới đi đến thống nhất quyết tâm khởi nghĩa, chọn tỉnh Tân An làm thí điểm.

 

Sau khởi nghĩa thành công ở Tân An ngày 23/8, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Trần Văn Giàu đã chỉ đạo Thanh niên Tiền Phong và các lực lượng xung kích chiếm lĩnh các nơi xung yếu của Sài Gòn vào đêm 24, rạng sáng 25/8/1945. Khâm sai Nguyễn Văn Sâm của Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật đã bị bắt tại dinh Thống đốc Nam Kỳ. Cùng lúc với Sài Gòn, các tỉnh khác ở Nam Kỳ cũng khởi nghĩa giành chính quyền thành công…

 

Chuông mình nhỏ nhưng gióng lên tiếng vang lớn

 

Vào tháng 8/1995, tròn nửa thế kỷ sau Cách mạng Tháng Tám, khi trò chuyện với chúng tôi, nhà lãnh đạo Trần Văn Giàu tràn đầy cảm xúc: “Tôi rất tự hào và hạnh phúc vì mình được trực tiếp tham gia và góp phần vào sự thành công của sự kiện lịch sử trọng đại này. Suốt thời tuổi trẻ, từ hồi còn đi học cho tới lúc làm cách mạng, tôi không nghe ai nói tới hai chữ Việt Nam cả. Trước năm 1945, tôi đi hàng chục nước trên thế giới cũng chưa từng nghe ai nói tới Việt Nam. Nhưng bây giờ trên thế giới không ai không biết Việt Nam. Và khi nói tới Việt Nam, người ta nói Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

 

GS Trần Văn Giàu bày tỏ thêm: “Thời cổ, người ta biết đến Trung Hoa, Ai Cập, La Mã, Ba Tư chứ không ai biết Việt Nam. Ai Cập có kim tự Tháp, Trung Hoa có Vạn lý trường thành, có Khổng Tử… Diện tích nước ta nhỏ, văn hóa thì chưa cao, thuộc hàng vô danh, nhưng đùng một cái, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam danh vang nhất thế giới”.

 

Phát lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến

 

Nói đến Cách mạng Tháng Tám không thể không nói đến Nam Bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc trường kỳ 9 năm chống Pháp tái xâm lược. Lúc bấy giờ, với trọng trách Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, nhà lãnh đạo Trần Văn Giàu đã trực tiếp viết bản kêu gọi kháng chiến lịch sử.

 

Sau khi viết bản kêu gọi nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến vào ngày 23/9/1945, nhà cách mạng Trần Văn Giàu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ lãnh đạo nhân dân cương quyết đánh Pháp tái xâm lược. Sau đó, từ năm 1946-1948, ông được Trung ương điều sang giúp tổ chức lực lượng kháng chiến ở nước bạn Campuchia, vận động mua sắm vũ khí ở Thái Lan và Malaysia chuyển về tiếp tế cho chiến trường Nam Bộ theo con đường Xuyên Tây.

 

Năm 1949, ông trở ra chiến khu Việt Bắc nhận chức vụ Tổng Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền, tới năm 1951 theo yêu cầu của tổ chức muốn chuyển ông sang quân đội làm binh vận, nhưng ông xin sang ngành Giáo dục, vì ông thích dạy học và nghiên cứu khoa học hơn.

 

Từ đó, ông lần lượt thực thi sứ mệnh mới mẻ của mình ở các trường Dự bị đại học, Đại học Sư phạm văn khoa, Đại học Tổng hợp, Viện Sử học. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời GS Trần Văn Giàu, khi chuyển từ một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp sang nhà nghiên cứu, giảng dạy sử học; cho dù với ông làm khoa học cũng là làm cách mạng, hai lĩnh vực này hòa quyện với nhau, và những đóng góp của ông trong khoa học cũng to lớn không kém công lao của ông trên hành trình làm cách mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, trong tác phẩm “Cách mạng 1945 của Việt Nam” (The Viet­namese Revolution of 1945), nhà sử học nổi tiếng của Bắc Âu Stein Tonnesson đã rất đúng khi gọi Trần Văn Giàu là “giáo sư - nhà cách mạng”.

 

Những năm tháng cuối đời trước khi vĩnh viễn ra đi vào cuối năm 2010, GS Trần Văn Giàu còn nặng lòng với lịch sử văn hóa vùng đất mới phương Nam, đã bán nhà hiến tặng 1.000 lượng vàng để thành lập giải thưởng sử học nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu thế hệ sau. Tài năng xuất chúng, nhân cách cao thượng, sự nghiệp phong phú và cuộc đời đầy thăng trầm của bậc đại trí thức lỗi lạc Trần Văn Giàu là một bộ tiểu thuyết đồ sộ, xứng đáng trở thành niềm tự hào của Sài Gòn và Nam Bộ.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek