Thứ Hai, 14/10/2024 05:18 SA
Tri ân tổ nghiệp và chia sẻ niềm đam mê sân khấu
Chủ Nhật, 11/09/2016 07:57 SA

Chiều 12/9, tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, Sở VH-TT-DL phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổ chức dâng hương tổ nghiệp và gặp mặt các nghệ sĩ sân khấu nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch). Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn ông Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên, về hoạt động này.

 

Ông Lê Văn Hiếu - Ảnh: CTV

* Giỗ Tổ Sân khấu và hoạt động chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam năm nay có gì khác biệt, thưa ông?

 

- Giỗ Tổ Sân khấu năm nay có sự khác biệt rất lớn. Những năm trước, Chi hội Sân khấu phối hợp với Hội Sử học Phú Yên và một số đơn vị tổ chức giỗ Tổ. Năm nay, lần đầu tiên, Sở VH-TT-DL và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức hoạt động này với sự tham mưu của Chi hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Phú Yên và Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển.

 

Không chỉ dâng hương tổ nghiệp và gặp gỡ nghệ sĩ như nhiều năm trước, giỗ tổ năm nay có khoảng 30 nghệ sĩ không chuyên tiêu biểu sẽ được tặng quà, nhằm khích lệ tinh thần những người đã vượt qua khó khăn, gắn bó với sân khấu.

 

* Ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động của các sân khấu truyền thống ở Phú Yên trong thời gian qua?

 

- Có thể nói Phú Yên là một trong những cái nôi của tuồng và bài chòi. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phú Yên đã có những gánh hát tuồng. Trong kháng chiến, Phú Yên có hai đoàn tuồng. Theo đánh giá của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhiều nghệ sĩ ở Phú Yên đã nổi danh, có nhiều đóng góp cho sân khấu nước nhà, như ông Chín Đạm, Năm Ngang, Bá Kỷ, Thế Linh Chánh ca Chạng, Thúy Hồng, Trần Thị Bảy, (bà) Xanh (ông) Sửu - những người lập ra Đoàn tuồng Xanh Sửu… Phú Yên có những nghệ sĩ nổi tiếng khắp cả nước, như Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên, Nghệ sĩ Ưu tú Đàm Thanh, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sang…

 

Trong giai đoạn Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, nghệ thuật tuồng và cải lương phát triển mạnh, có đoàn công lập. Đặc biệt, trong phong trào nghệ thuật quần chúng lớn mạnh khi đó, hầu như địa phương nào cũng có đoàn cải lương. Sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, tuy đoàn tuồng, cải lương công lập không còn nhưng nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn được gìn giữ và phát triển một cách lặng lẽ qua việc mẹ dạy cho con, anh dạy cho em… Những người đam mê sân khấu truyền thống thì đi các nơi, “đầu quân” vào những đoàn tuồng, cải lương như chị Hồng Cúc, các anh Tuấn Minh, Quốc Dũng, Thanh Phong… Một số người cùng nhau thành lập các câu lạc bộ, nhóm. Gần đây, sân khấu truyền thống ở Phú Yên đã sáng lên, tuy chưa rực rỡ như trước đây. Đến thời điểm này, Phú Yên có hơn 10 CLB tuồng, đờn ca tài tử; “trẻ” nhất là CLB Đàn hát dân ca nhạc cổ xã Hòa An (huyện Phú Hòa), mới thành lập vào dịp kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2/9, với hơn 10 thành viên.

 

* Đời sống của các nghệ sĩ “chân quê” hiện nay ra sao, thưa ông?

 

 - Tham gia các CLB, khi nào có thời gian thì anh chị em cùng nhau tập luyện, khán giả có nhu cầu thì anh chị em biểu diễn, còn thường ngày họ kiếm sống bằng những công việc khác nhau. Chị Đào Thị Thu Sen, thành viên CLB Nghệ thuật tuồng truyền thống 10/5 ở huyện Phú Hòa thì ngày ngày vẫn đi làm ruộng, đến mùa hát lăng thì đi hát. Thành viên các CLB, có người chạy xe thồ, có người làm nghề hớt tóc, có người làm nghề y… Họ đến với sân khấu vì niềm đam mê nghệ thuật truyền thống.

 

CLB Nghệ thuật tuồng truyền thống 10/5 biểu diễn ở Phú Hòa - Ảnh: TUYẾT DIỆU

 

* Theo ông, làm thế nào để các sân khấu truyền thống sáng đèn thường xuyên hơn và các nghệ sĩ “chân quê” cảm thấy ấm lòng hơn?

 

 - Đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống nên anh chị em gắn bó với nghề. Nếu có sự quan tâm thì họ sẽ được khích lệ rất nhiều. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã có sự quan tâm, thể hiện ở việc kết nạp những người không phải là thành viên đoàn hát, nhà hát vào hội. Năm nay, việc Sở VH-TT-DL phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức dâng hương tổ nghiệp và gặp mặt các nghệ sĩ sân khấu là một cách để động viên tinh thần anh chị em nghệ sĩ. Và nếu có sự quan tâm, động viên về vật chất thì càng tốt hơn nữa. Trong khó khăn, nếu ứng xử bằng tình cảm, bằng sự động viên thì vô cùng đáng quý.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng có kết luận về việc lấy ngày giỗ Tổ Sân khấu 12/8 (âm lịch) hàng năm là Ngày Sân khấu Việt Nam, nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, sáng tạo nhiều tác phẩm và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Tại Phú Yên, từ năm 2006, Chi hội Sân khấu (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) đã tổ chức giỗ Tổ Sân khấu. Đây là năm thứ 11 hoạt động này được tổ chức, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm chung tay gìn giữ nghệ thuật truyền thống do người xưa để lại.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek