Thứ Hai, 14/10/2024 05:17 SA
Từ vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” đến với xứ sương mù
Chủ Nhật, 11/09/2016 11:00 SA

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên trao các tác phẩm của hội viên cho đại diện Nhà sáng tác Đà Lạt, tại lễ bế mạc trại sáng tác - Ảnh: CTV

14 văn nghệ sĩ Phú Yên từ vùng biển xanh cát trắng nắng vàng, được tham gia trại sáng tác nơi thành phố ngàn hoa Đà Lạt là niềm vui không nhỏ. Xứ cao nguyên bạt ngàn thông reo, bạt ngàn hoa, có những kiến trúc đẹp và tiết trời se lạnh đan xen cùng nắng ấm đã tạo nguồn cảm xúc thăng hoa nhất cho các văn nghệ sĩ tham gia trại. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã ra đời từ nơi này, với đề tài về thiên nhiên, cuộc sống, tình yêu con người.

 

Tuy thời gian sáng tác tại trại không nhiều nhưng kết quả rất khả quan. Các văn nghệ sĩ Phú Yên đã hoàn thiện một tập bản thảo thơ, cho ra đời 11 bài thơ, 15 truyện ngắn và rất ngắn, 7 ca khúc, 5 kịch bản sân khấu, 15 ảnh nghệ thuật và 8 tác phẩm hội họa, điêu khắc.

Nhà thơ Triệu Lam Châu miệt mài làm việc và nộp tác phẩm sớm nhất. Anh đã hoàn chỉnh bản thảo tập thơ song ngữ Việt - Tày “Một vầng khao khát” và một chùm thơ 8 bài về Đà Lạt. Những nét đẹp của thành phố ngàn hoa được thể hiện trong các bài thơ: “Một loáng chiều Đà Lạt”, “Đà Lạt đẹp như nàng”, “Đà Lạt ủ tôi vào lòng”, “Một nét lòng tôi trên phố núi”…

 

Sau Triệu Lam Châu, Phan Kim Việt đã đưa hình ảnh phố núi vào các bài thơ: “Quà cho con”, “Trăng qua làng tôi”, “Chuyện người ta”. Điều đáng nói là trong trại sáng tác này, anh đã cho ra đời chùm truyện rất ngắn với “Lai Ma”, “Sếp của tôi”, “Rời ga”, “Dấu chấm lửng”... Cả thơ và văn của Phan Kim Việt đều nói về sự đời, về tình yêu đất nước; thơ văn đều rất cô đọng.

 

Mộc Miên, một cây bút trẻ chuyên viết văn xuôi và khai thác những đề tài nóng hổi, tham gia trại sáng tác lần này, cô viết về những hoài niệm. Có lẽ, vùng đất Đà Lạt khiến ta mềm lòng lại. Cả ba truyện ngắn “Tình sơn nữ”, “Người bảo vệ”, “Cổ tích của đêm” của Mộc Miên đều là những hoài niệm. Khi đọc, ta rưng rưng nước mắt về tình người. Phần kết trong tác phẩm của Mộc Miên luôn lửng lơ một cách đầy lôi cuốn, để bạn đọc tự suy ngẫm.

 

Tác giả Mạnh Minh Tâm có thế mạnh về bút ký, ký sự văn học và tùy bút. Tham gia trại sáng tác lần này, Mạnh Minh Tâm đã sáng tác, hoàn thiện ba tác phẩm: “Đà Lạt và những cơn mưa chiều”, “Báu vật của buôn làng”, “Thầy lang và lạng cao khỉ”. Mạnh Minh Tâm viết không nhiều nhưng mỗi tác phẩm đều “đắt”. Huỳnh Thạch Thảo tham gia đợt sáng tác này cũng có hai truyện ngắn góp mặt với anh chị em trong trại.

 

Ở mảng âm nhạc, nhạc sĩ Tấn Phát là người đến trại sáng tác sớm nhất, sau khi dự họp ở TP Hồ Chí Minh. Anh đã gặp những đợt mưa Đà Lạt dịu dàng để rồi bật lên ca khúc “Chiều mưa Đà Lạt” nhẹ nhàng, tinh khôi như người con gái vùng cao nguyên. Ca khúc “Bài ca nông nghiệp” mang âm hưởng dân ca khu 5 được sáng tác ngay tại Đà Lạt yên ả, có dòng sông, câu hò, nương dâu và cả những nhà máy. Huỳnh Trọng Thống có năm ca khúc, trong đó “Đà Lạt thành phố ngàn hoa” đã đưa ta về Đà Lạt mộng mơ với nhiều địa điểm nổi tiếng: Langbian kiêu hãnh, đồi Mộng Mơ thơ mộng, hồ Xuân Hương mơ màng, ngàn thông lộng gió… Huỳnh Trọng Thống tính hiền, có trách nhiệm với đoàn, chăm chỉ sáng tác và hướng dẫn anh em từng lời nhạc để biểu diễn khi tổng kết.

 

Ở mảng sân khấu, có hai tác giả vừa sáng tác vừa hoạt động biểu diễn tham gia trại sáng tác lần này. Nữ nghệ sĩ Phương Liên lần đầu đến Đà Lạt đã có tác phẩm tân cổ “Đà Lạt nỗi nhớ” với những con đường quanh co dưới ngàn thông xanh lá, với Thiền viện Trúc Lâm đẹp và trang nghiêm, với Đồi Cù thẳm xanh màu cỏ. Chị cùng tác giả Huỳnh Trọng Thống chuyển thể ca khúc “Đà Lạt thành phố tôi yêu” sang tân cổ rất hay, mượt mà. Ngoài ra, nghệ sĩ Phương Liên cũng đã đưa dân ca khu 5 vào tác phẩm “Luyến cảnh Ngũ Thạch Sơn”. Bên cạnh Phương Liên là nghệ sĩ Phùng Long Ẩn đa tài có bút danh Hoàng Long, đã sáng tác bài chòi “Đà Lạt tôi yêu” và bản vọng cổ “Tình yêu với Đà Lạt”.

 

Mảng nhiếp ảnh có hai thành viên tham gia là nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Ánh và Ngô Viết Minh. Hai người này không kể nắng, mưa vẫn rời trại đi sáng tác. Tác giả Ngọc Ánh đã có một album ảnh phong cảnh Đà Lạt. Ngoài việc lo cho đoàn trong sinh hoạt thì chị là người chịu khó lặn lội, tìm kiếm và đưa những vẻ đẹp của Đà Lạt vào ống kính. Tác giả Ngô Viết Minh chuyên về chân dung. Lặng lẽ một mình, một máy, anh tìm cảm hứng từ những sinh hoạt đời thường và cho ra đời các loạt ảnh: “Những du khách Đà Lạt”, “Tình bạn”, “Hàng rong bên đường”, “Vớt rác trên hồ Xuân Hương”, “Lên phố”… Mỗi tấm ảnh là một lát cắt cuộc sống.

 

Ở mảng mỹ thuật, 3 tác giả đến với Nhà sáng tác Đà Lạt đều có phong cách riêng. Họa sĩ Lê Lượng chăm chú vẽ hai bức tranh sơn dầu “Đà Lạt phố” và “Lồng đèn vàng Đà Lạt”. Lồng đèn là loài hoa đặc trưng ở vùng đất này. Phố trong tranh của Lê Lượng với sương mù, dốc núi…, rất thanh nhã và chỉ có ở Đà Lạt nên thơ.

 

Họa sĩ Trương Thị Đạt, người có tiếng cười hào sảng, là dân thể thao chính hiệu dù đang là giáo viên dạy họa. Khác hẳn với vẻ ngoài của chị, các tác phẩm màu nước đều mềm mại, nhẹ nhàng thanh thoát, đi liền hai gam màu nóng và lạnh làm nổi bật nội dung. Bốn tác phẩm ra đời, trong đó có hai bức tranh phong cảnh “Đồng quê trên cao nguyên”, “Thác Prenn” một tĩnh một động và hai bức tranh về hoa bờ rào cùng hoa ly, một dân dã một kiêu sa tương phản, cho thấy Trương Thị Đạt rất biết chọn đề tài. Họa sĩ Thành Vinh có hai phác thảo bằng chất liệu compuosic là “Đà Lạt thơ”, tái hiện một Đà Lạt thơ mộng, lãng mạn bằng ngôn ngữ điêu khắc, cùng với tác phẩm “Đời cá”.

 

Trong thời gian tham gia trại sáng tác, ngoài những lúc miệt mài cho tác phẩm, các thành viên đã tranh thủ đi đến các nơi nổi tiếng ở Đà Lạt, từ Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, ga xe lửa, Dinh Bảo Đại, vườn hoa thành phố… đến Langbian, ngắm cảnh ở độ cao 1.950m. Bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ Phú Yên còn tham quan vườn dâu Đà Lạt, thác Bonpua tại Đức Trọng…

 

LÝ BỘI THUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek