Thứ Hai, 14/10/2024 09:46 SA
Bài báo đầu tiên về một thắng cảnh quốc gia
Thứ Sáu, 19/08/2016 08:00 SA

Ở Báo Phú Yên, lực lượng có thâm niên công tác trên 20 năm thì nhiều. Trên 30 năm bây giờ chỉ còn nhà báo “lão thành” Phan Thanh Bình. Còn “cộng gộp” lại thời gian từ lúc là cộng tác viên với Báo Phú Khánh cho tới hôm nay thành phóng viên vừa đủ 30 năm, chỉ có Dương Thanh Xuân. Bài báo đầu tiên tôi cộng tác với Báo Phú Khánh đến nay cũng vừa tròn 30 năm.

 

Bài báo viết về gành Đá Đĩa đăng trên Báo Phú Khánh ngày 19/9/1986 - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Năm 1983, tôi dạy học ở Trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An). Để cải thiện thêm ngoài đồng lương bao cấp, tôi sắm chiếc máy Minolta-101 khá tốt để chụp ảnh. Chụp mãi trong sân trường cũng chán, tôi chụp học sinh và các giáo viên chủ nhiệm khi đi picnic, lúc thì ở chùa Đá Trắng, lúc ở đập Tam Giang, lúc ở Hòn Yến… Thời ấy chưa có khái niệm di tích - lịch sử - thắng cảnh… các cấp như bây giờ. Và có lẽ sau chiến tranh, đất nước còn khó khăn, chúng tôi là những người trong số ít những người xa xỉ dám đi du lịch và chụp ảnh ở những thắng cảnh này.

 

Cuối năm 1985, tôi cùng các em học sinh lớp chủ nhiệm về thôn 6, xã An Ninh Đông chơi với gia đình em Phan Tùng Chiến nhân ngày giỗ. Ở nông thôn thời bấy giờ, ngày giỗ rất quan trọng vì có… làm heo. Quanh năm khắc khổ vì mua hàng theo tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch nên bà con ky cóp nuôi được con heo và ngày làm heo, cả họ, cả xóm đến chung vui như ngày hội. Thầy giáo lúc bấy giờ rất được ưu ái. Tôi đến trước ngày đám giỗ một hôm để thăm gia đình học sinh. Người dân biển ít cho con đi học nên cả xã An Ninh Đông chỉ có vài chục em được học đến THPT. Các em thuê nhà trọ ở lại Chí Thạnh, mỗi tuần về nhà một lần. Thôn 6 Phú Hạnh may mắn có đến 3 em đi học lớp 10. Tôi là giáo viên chủ nhiệm của cả 3 em này. Con đường đến xóm Bãi Bàng của thôn Phú Hạnh ngày ấy rất gian nan vì đường đá lởm chởm. Tôi phải gửi xe ở thôn 5 rồi đi bộ theo đường mòn, leo hết cái dốc có cái tên là Chó Đẻ lên đến đỉnh dốc, rồi lại xuống dốc để ra đến nhà ở sát mé biển.

 

Đi buổi sáng, giữa trưa thì đến nhà. Nghỉ trưa xong, buổi chiều thong thả, tôi được người anh cả gia đình em Chiến đưa ra chơi gành ở cách xóm nhà chừng vài trăm mét. Đó là lần đầu tiên tôi đến gành đá bây giờ được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia này. Tôi thật sự ngạc nhiên vì sự kỳ lạ của đá xếp trên gành. Tôi đã viết: “Cả một vùng khá lớn, đá xếp thành tầng, thành lớp bằng những khối đá hình trụ, có 5 hoặc 6 cạnh đều nhau. Từ xa nhìn lại, cả khối với những hình trụ này trông giống như chồng chén, đĩa trong các lò sành, sứ. Người ta gọi đây là gành Đá Đĩa”.

 

Sau khi đưa một số ảnh cho các học sinh trong trường xem, chúng đã “mê mẩn” vẻ đẹp này nên thỉnh thoảng rủ nhau đi chơi gành. Đầu năm học 1986-1987, tôi đi với học sinh lớp 12A1 xuống gành tham quan và chụp ảnh. Đến đây nhiều lần nên tôi đã phát hiện một số góc ảnh đẹp và bố trí “người mẫu” vào các vị trí đó như: soi bóng dưới mặt nước phẳng lặng, tạo dáng nhìn ra biển, chụp chân dung phía sau là đá với cấu tạo độc đáo… Tôi đã dàn dựng hai em một nam, một nữ (là Dân và Thu Nga) đứng nhìn ra biển, phía sau là góc đá tầng tầng, lớp lớp. Bóng hai em in xuống mặt nước và xung quanh là đá xếp hình vẩy nến, rất lạ mắt. Tôi đã viết: “Bước qua những tầng đầu tiên, lên khỏi một mô đá cao nhìn xuống, dưới chân là một vực xoáy, sóng biển từ xa đập vào vách đá, bọt tung trắng xóa. Phía bên kia vực xoáy là “khu trung tâm”. Tại đây, đá xung quanh thoai thoải, dốc dần vào bên trong, tạo thành một lõm rộng. Nước triều lên đập sóng vào gành, khi nước rút còn để lại một mặt gương trong vắt, phẳng lặng soi tỏ mặt người. Dưới làn nước trong vắt nổi rõ từng đàn cá nhỏ đủ màu lượn lờ quanh các khe đá. Những hốc đá nhiều tầng tạo thành những chiếc ghế thiên nhiên dành cho khách nghỉ chân sau một chặng đường dài”. Hóa ra, tôi đã nghĩ đến “du khách” từ khi gành đá này chưa có mấy người được đặt chân đến.

 

Tôi đã gửi bài báo đầu tiên của mình kèm theo bức ảnh đã chụp đến Báo Phú Khánh. Hồi hộp chờ báo in, đến ngày 19/9/1986 thì bài và ảnh được đăng ở mục “Đất nước - Con người Phú Khánh”. Đây là bài báo đầu tiên giới thiệu về gành Đá Đĩa. Năm 1994, tôi viết tiếp một bài khác kèm theo một ảnh đẹp đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Sau bài báo, các anh Hoàng Thế Nhiệm - vua ảnh phong cảnh Việt Nam và Nguyễn Bá Hân đã tìm đến nhà tôi nhờ đưa xuống gành chụp ảnh. Sau đó là các đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhà báo từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các nơi khác lần lượt đến gành săn ảnh, viết bài. Gành đã được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia và đường xuống gành hôm nay được mở rộng, trải nhựa cho du khách dễ đi lại, tham quan.

 

Chỉ còn 1 tháng nữa là bài báo này tròn 30 năm. Thời gian làm thay đổi nhiều thứ. Tôi từ một cộng tác viên trở thành phóng viên ảnh của báo. Gành Đá Đĩa ngày đó bây giờ không còn hoang sơ, trắc trở như trước. Mỗi lần nhìn các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”, tôi thấy phấn khởi vì đã làm được một việc khởi đầu trọn vẹn trong nhiều cái khởi đầu khác ở Phú Yên.

 

DƯƠNG THANH XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ký ức và tình yêu
Thứ Hai, 22/08/2016 10:42 SA
15 năm ấy, biết bao nhiêu tình…
Thứ Hai, 22/08/2016 00:00 SA
Đà Lạt và những cơn mưa chiều
Chủ Nhật, 21/08/2016 11:04 SA
G-Dragon - Tường thành Kpop
Chủ Nhật, 21/08/2016 10:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek