Họ, người thì gắn bó với Báo Phú Yên từ những ngày đầu tái lập tỉnh, người “đầu quân” về tòa soạn trong giai đoạn còn nhiều khó khăn. Mỗi người mỗi công việc, họ yêu nghề, xem Báo Phú Yên là ngôi nhà chung và cùng nhau xây dựng.
NHÀ BÁO HOÀNG CHƯƠNG: Làm nghề gì cũng phải tâm huyết
Năm 1990, tôi bắt đầu cộng tác với Báo Phú Yên bằng mấy bài thơ châm biếm ở mục “Gạn đục khơi trong” và mấy bài viết ở trang Bạn đọc của báo. Tháng 9/1991, tôi chuyển công tác từ Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) về làm việc tại báo. Mới đó mà đã một phần tư thế kỷ!
25 năm, từ một giáo viên dạy Văn cấp ba, tôi làm cái nghề mình chưa hề được đào tạo. 25 năm gắn bó với Báo Phú Yên, tôi đã có không ít vui buồn, được mất. Nghề báo đưa tôi đến rất nhiều nơi trên mảnh đất này, gặp gỡ rất nhiều người, cảm nhận muôn mặt của đời sống. Và tôi nghiệm ra một điều: Làm nghề gì cũng phải tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Những gì mình chưa biết, chưa hiểu thì phải cố gắng học tập, tìm hiểu qua sách, báo, qua internet, tập huấn, qua đồng nghiệp cơ quan. Đối với nghề báo, cái tâm sáng, biết tôn trọng khách quan, không bóp méo sự thật là quan trọng nhất, đồng thời phải chịu khó, chịu khổ, nỗ lực tối đa, cẩn trọng, chỉn chu, nghiêm túc ngay từ khâu nắm bắt, sàng lọc thông tin và thể hiện thành tác phẩm báo chí. Đáng tiếc là bây giờ vẫn còn nhiều phóng viên trẻ đã chọn nghề báo nhưng chưa chu đáo với công việc, với nhiệm vụ…
BÀ HUỲNH PHẠM ÁI MY: Nhớ những ngày đầu gian khó
Tôi gắn bó với tòa soạn từ những ngày đầu, khi Phú Yên vừa tái lập tỉnh. Điều kiện làm việc lúc đó hết sức khó khăn, thiếu thốn. Tòa soạn đặt tại nhà số 193 Trần Hưng Đạo; anh em tập trung làm việc trong một căn phòng. Hồi đó, cả cơ quan chỉ có một cái máy đánh chữ cũ được chia từ Báo Phú Khánh, một thời gian sau mới được trang bị thêm cái máy thứ hai. Các phóng viên viết bản thảo trên giấy rồi chuyển cho anh Nguyễn Thạnh đánh máy. Giấy vừa hẩm vừa mỏng, có khi máy đánh chữ gõ thủng cả giấy. Những khi phóng viên nộp nhiều bản thảo, tôi phụ đánh máy với anh Nguyễn Thạnh. Lúc đó, tôi mới 18 tuổi, là nhân viên văn phòng. Tôi ngán nhất là… cái cửa sắt. Mỗi khi tan tầm xong thì đóng cửa không được, nó cũ kỹ và liên tục bị kẹt.
Cuộc sống tuy khó khăn thiếu thốn nhưng anh em trong tòa soạn rất đoàn kết, quan tâm chia sẻ. Đến dịp lễ, mấy anh em xúm lại, cắt và dán băng rôn, khẩu hiệu. Lúc đó, tòa soạn chỉ có 9 người.
Tòa soạn ở vị trí thấp, năm nào cũng bị ngập lụt. Tôi nhớ sau khi kết thúc Giải Việt dã Báo Phú Yên lần đầu tiên, năm 1993, chúng tôi hối hả dọn lụt. Nước lên đến nửa tầng trệt. Tôi và một số anh tá túc tại cơ quan phải dời lên tầng trên. Gạo thiếu, nước cũng không có. Chúng tôi phải hứng nước mưa từ sân thượng để uống…
Bây giờ, cuộc sống có nhiều thay đổi, công nghệ làm báo hiện đại hơn trước rất nhiều, tòa soạn cũng đông hơn trước. Gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ về những ngày đầu làm báo hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn ấm áp tình đồng nghiệp.
NHÀ BÁO DƯƠNG THU THỦY: Hãy giữ cho trái tim còn biết đau
Gần 20 năm làm báo, tôi có lắm niềm vui, nỗi buồn đan xen. Dẫu sao, tôi và nghiệp cầm bút vẫn có một chữ duyên. Duyên được đi đến những ngóc ngách cuộc sống để chia sẻ nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, để học hỏi trau dồi và rèn chữ tâm; duyên với những giải thưởng lớn, nhỏ... làm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề được coi là nguy hiểm này.
Một thời gian khá dài, tôi âm thầm đến với những góc khuất của xã hội. Để rồi, qua những trang viết đau đáu lòng người, những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin… được nhận chính sách hỗ trợ của tỉnh và nhận được rất nhiều sự sẻ chia của cộng đồng. Tôi khó có thể quên được những con người bình dị mà mình đã viết về họ. Một phụ nữ bán đậu dầm lặng lẽ hơn 30 năm hiến máu cứu người; một bác sĩ không quản ngày đêm tận tụy với những ca phẫu thuật khó; một giáo viên đau đáu, hết lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng dân tộc thiểu số; những người khuyết tật lặng lẽ vươn lên… Từ họ, tôi đã học được rất nhiều điều. Xã hội như trường đời để tôi biết yêu thương và chia sẻ.
Thiết nghĩ, người làm báo là không bao giờ được vô cảm trước những vấn đề bức xúc, nỗi đau của người dân trong đời sống xã hội. Được viết, được thể hiện - đó là niềm tự hào của những người làm báo. Bởi vậy, tôi mong mình và đồng nghiệp hãy giữ cho trái tim còn biết đau.
NHÀ BÁO TRỊNH HOÀI TRUNG: Một lần làm tin “nóng”
Hơn một phần tư thế kỷ làm báo, tôi phải nhiều lần “đua” tin “nóng” cùng các đồng nghiệp. Kỷ niệm tác nghiệp mà tôi nhớ nhất là lần đưa tin về vụ tai nạn của đoàn VĐV bắn nỏ Phú Yên tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2010 làm 4 người chết. Nhắc lại sự kiện này, một lần nữa, tôi xin được thắp nén hương lòng cho những người không may bị mất trong vụ tai nạn thảm khốc nói trên.
Trưa 17/6/2010, chưa kịp ăn cơm, tôi nhận được tin báo của một người quen ở Bình Định. Trên đường đi công tác, anh đi ngang qua hiện trường vụ tai nạn khi nó vừa xảy ra khoảng 10 phút. Tôi vội bỏ bữa và lập tức nối máy với những người có trách nhiệm của Sở VH-TT-DL. Các anh bảo rằng cũng vừa nhận được tin và chuẩn bị họp khẩn để cử đoàn công tác ra Quảng Ngãi. Tôi cũng điện ngay cho người báo tin nhờ anh xác định vị trí vụ tai nạn, biển số xe, số người chết ban đầu để có những thông tin cần thiết cho một cái tin “nóng”. Mặc dù bị áp lực cạnh tranh thông tin nhưng tôi vẫn không cho phép mình cẩu thả nên liên tục nối máy đến những nơi cần thiết để kiểm chứng thông tin. Đến đầu giờ chiều, tin của tôi được tổng biên tập cho đăng lên Phú Yên Online sớm hơn các báo khác. Cả tỉnh bàng hoàng, bạn đọc liên tục gọi hỏi thêm thông tin. Làm xong tin này, tôi gần như rã rời. Và, thấm thía nỗi đau của vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng các nạn nhân, tôi cầu mong đừng bao giờ xảy ra những vụ tai nạn đau lòng.
Gần 30 năm làm báo, tôi luôn cố gắng bám sát thời sự, nắm bắt và đưa thông tin lên báo một cách nhanh nhạy, kịp thời. Tôi nghĩ rằng nếu mình hết lòng với nghề thì nghề sẽ không phụ.
YÊN LAN (ghi)