Thứ Hai, 14/10/2024 07:28 SA
Cái nôi và ân tình
Thứ Bảy, 20/08/2016 15:00 CH

Các đại biểu xem trưng bày báo chí Phú Yên - Ảnh: TƯ LIỆU

Tôi bước vào nghề báo cũng khá tình cờ và bất ngờ. Thời điểm đó, tôi từ Lâm Ðồng về Phú Yên tìm việc.

 

Mất mấy tháng trời nhưng tôi vẫn chưa có việc. Có lần, tôi ghé vào Báo Phú Yên thăm bạn thân là nhà báo Nguyễn Quốc Khương (nay là phóng viên Báo Tuổi Trẻ) đang công tác ở Phòng Thư ký biên tập. Tôi nhìn công việc của bạn mình mà chẳng hiểu mô tê gì cả, chỉ thấy hắn cứ loay hoay gạch, rồi viết, rồi vòng tròn lại… Tôi hỏi “ông đang làm gì vậy”, bạn tôi trả lời “đang biên tập”. Tôi dòm vào, rồi tự hiểu “à ra thế, biên tập là vậy”. Hiểu là hiểu vậy, chứ hai chữ “biên tập” khá xa lạ với tôi, vì những công việc trước đây tôi làm chỉ ở lĩnh vực tư pháp, kinh doanh và hành chính, không liên quan gì đến báo chí cả.

 

Sau một hồi hàn huyên tâm sự, bạn tôi đưa ra đề nghị khá bất ngờ: “Thôi ông về làm ở Báo Phú Yên nhé!”. Thấy tôi ngơ ngác, bạn tôi nói tiếp: “Ông làm tạm, nếu họ (nơi tôi đang xin việc) tiếp nhận thì ông chuyển sang, chứ có mất mát gì đâu”. Thật sự lúc đó, tôi chẳng hề suy nghĩ làm báo như thế nào, công việc ra sao. Thấy tôi ngây người ra, bạn tôi mới giải thích tại sao có đề xuất như vậy. Vì là thế này, lúc đó trong tòa soạn có ông anh đang công tác ở Phòng Kỹ thuật xuất bản nghỉ việc nên trống chỗ. Công việc của anh ấy là gõ vi tính (đánh chữ từ bản thảo của phóng viên vào máy vi tính). Tôi thoáng nghĩ, cũng được miễn là có việc làm cái đã rồi tính sau.

 

Thế là hôm sau, tôi mang hồ sơ đến Báo Phú Yên đưa cho bạn tôi, rồi ngồi trong phòng chờ đợi. Tôi thấy bạn tôi gõ cửa, rồi mở cửa vào phòng Tổng Biên tập. Một lát sau, bạn tôi ra báo tin “Anh Phi (anh Phạm Ngọc Phi, Tổng Biên tập Báo Phú Yên thời đó) nhận mày rồi”. Tôi mừng thầm, nhưng trong lòng thấy lo, không biết mình có làm nổi không.

 

Và rồi, tôi về công tác ở Phòng Kỹ thuật xuất bản, lấp ngay vào chỗ còn thiếu. Những người ở đây như chị Khóa, Kiều Loan, Phương Nam, gõ trên bàn phím mà tay thanh thoát như đang chơi đàn, trong khi tôi gõ như mổ cò. Những ngày tập tành cũng qua, nhưng lại xảy ra sự cố khá hi hữu khiến mọi người cười lăn cười bò. Trong lúc tôi nhập vào máy tính truyện ngắn của một cộng tác viên cho tờ Chủ Nhật, đến đoạn cô gái “cầm cái mũ lững thững đi trong mưa”. Tôi không hiểu lúc đó như thế nào mà lại gõ thiếu dấu (~) nên báo hại mọi người trong Phòng Kỹ thuật xuất bản ngồi cầm bút đen điền thêm dấu (~).

 

Sau khi quen dần việc, tôi bắt đầu tập viết báo. Người chỉ dẫn tôi là bạn thân của tôi - nhà báo Nguyễn Quốc Khương. Tôi viết cái tin cỏn con về nuôi tôm sú ở Hòa Hiệp Nam, nhưng bạn ấy biên tập xanh cả trang giấy. Hầu như, cái tin đó tôi chỉ còn có vài chữ. Thật lòng, lúc đó tôi cũng bi quan lắm, nhưng mà trấn an “công việc chính là đánh máy, chứ viết tin chỉ là làm thêm ấy mà”. Trấn an mình vậy, nhưng tôi cố gắng đọc tin, bài các anh chị phóng viên viết và tin, bài Phòng Thư ký biên tập đã biên tập lại. Ngoài ra, tranh thủ những lúc rảnh rỗi (vì lúc đó báo cách nhật), tôi đi công tác cùng bạn tôi nên lâu ngày cũng ngộ ra nghề báo.

 

Đùng một cái, Ban Biên tập điều động anh Lê Tấn Lộc từ Phòng Bạn đọc lên Phòng Thư ký biên tập và tôi được phân công về làm phóng viên phụ trách mảng nội chính của Phòng Bạn đọc. Cũng từ đó, tôi mới trở thành phóng viên thực thụ. Và để trở thành phóng viên Báo Thanh Niên như hôm nay, tôi được các anh chị ở Báo Phú Yên giúp đỡ rất nhiều, đặc biệt là Phòng Thư ký biên tập. Với tôi, Báo Phú Yên là cái nôi, là ngôi nhà mà tôi đã trưởng thành từ đó. Với các anh chị ở Báo Phú Yên, tôi nợ một ân tình lớn, vì đã dìu dắt tôi từ thằng “cù lần” thành một phóng viên thực thụ. Cảm ơn Báo Phú Yên, cảm ơn những người anh, người chị và những đứa em thân thương! 

 

 

ĐỨC THÔNG

 

Ðộng lực giữ lửa với nghề

 

Lần ấy, chúng tôi về Nông trường Cà phê Ea Bá để viết bài về những người khai phá vùng đất bazan giáp với Tây Nguyên trong thời kỳ chuẩn bị thành lập huyện miền núi Sông Hinh. Người đầu tiên chúng tôi cần gặp là bác Trung, người lãnh đạo Nông trường Cà phê Ea Bá từ những ngày đầu mở đất xây dựng nông trường này. Lúc này, bác Trung đã nghỉ, đang sinh sống tại nông trường. Thế là chúng tôi lặn lội tìm đến nhà bác.

 

Điều thú vị là mặc dù tôi chưa có dịp tiếp xúc với bác trước đó, nhưng khi gặp nhau, chúng tôi như người thân quen lâu ngày gặp lại. Khi tôi tự giới thiệu, bác ồ lên vui vẻ: “Nhà báo Nguyên Trường à, biết rồi, biết rồi!”. Và rồi theo yêu cầu của tôi, bác Trung trình bày cặn kẽ về thời kỳ hình thành nông trường như tâm sự với người thân. Sổ tay chúng tôi đầy ắp những thông tin quý giá của “nhân chứng sống” đáng kính này.

 

Cô phóng viên trẻ đi với tôi trong chuyến công tác đó tỏ ra không ít ngạc nhiên. Trên đường về, cô ta bảo: “Sao chú đi đâu, ai cũng biết chú vậy? Họ còn tin tưởng, cởi mở chia sẻ mọi chuyện với chú nữa?”. Tôi chỉ cười trả lời ngắn gọn: “Khi sống lâu trong nghề, cháu sẽ biết”. Song trong thâm tâm tôi nghĩ đây là động lực để nhà báo giữ lửa với nghề.

 

Bạn đọc biết nhà báo qua tác phẩm trên mặt báo. Khi nhà báo có những tác phẩm gây ấn tượng, đọng lại trong lòng bạn đọc thì từ đó, họ sẽ nhớ và tin tưởng tác giả bài báo đó. Đây là kết quả của quá trình lao động đầy nhiệt huyết có “tâm và tầm” với nghề. “Nhà báo là chiến sĩ trinh sát cuộc sống”, khi anh bám sát hơi thở cuộc sống có được những tác phẩm giàu sức chiến đấu, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân một cách sinh động thì anh sẽ để lại ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc.

 

Sau này làm công tác biên tập tại tòa soạn, tôi nhận thức rõ hơn chức năng tuyên truyền của báo đảng địa phương và những áp lực “chạy trang” của anh em phóng viên trong tình cảnh báo “ăn đong” hàng ngày. Đây là những điều hạn chế làm phóng viên không có nhiều thời gian “lăn lộn” ở cơ sở để có thể tạo ra những tác phẩm giàu tính phát hiện hoặc phản biện, thể hiện tính chiến đấu của báo chí.

 

Trong thời gian làm báo, mặc dù có vinh dự được tác nghiệp ở những sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc, song đối với tôi, kỷ niệm khó quên vẫn là những chuyến đi tiếp cận đầu nguồn sự kiện như luồn rừng đến điểm nóng phá rừng, đi thuyền đến vùng bị lũ lụt chia cắt, đến cùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa… Những chuyến đi đó không chỉ mang lại những tác phẩm báo chí sinh động mà còn làm giàu thêm vốn sống cho bản thân và giúp tôi càng tự hào về nghề hơn.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

Ngày ấy nghèo, nhưng vui

 

Tôi về Báo Phú Yên cách mấy tháng sau khi cơn bão dữ cuối năm 1993 đổ bộ vào, gây nhiều thiệt hại cho người dân ở vựa lúa miền Trung. Bước qua khỏi mấy đám rạ bê bết bùn đất, hầu hết anh em làm báo đều nghèo. Để coi: Huỳnh Hiếu, Trần Tĩnh, Nguyên Lưu, Tiên Minh, Tấn Lộc, năm anh em trẻ trong số 10 phóng viên của tòa soạn lúc bấy giờ đều thế. Vì thế, trụ sở tòa soạn ở số nhà 193 Trần Hưng Đạo, TX Tuy Hòa trở thành nơi tá túc cho mấy anh em. Còn nhớ khi đó chỉ có chiếc giường trong căn phòng nhỏ ở tầng 2, hôm nào tập trung đủ cả thì phải… “tùy nghi di tản”, người ngủ dưới đất, người lăn trên bàn làm việc. Nguyên Lưu về trước tôi mấy tháng, nhưng không hiểu sao chiếc mùng hắn sở hữu lại đen nhẻm, thủng lỗ chỗ. Mỗi sáng ngủ dậy, ai nấy đều thi nhau đập muỗi đến rát tay, con nào cũng căng tròn, bụng đỏ ửng. Cũng may, sau mỗi ngày làm việc bận rộn, anh em hay bù khú ở mấy quán rượu, khập khiễng về đến nơi thì cơn buồn ngủ cũng cận kề.

 

Nhớ bài viết đầu tiên trong nghề có tựa “Những người chẻ đá dưới chân đèo Cả”, tôi phải đi hơn 20km bằng xe đạp mới đến hiện trường. Có lẽ vì đồng cảm với cảnh khó khăn của những nhân vật trong phóng sự, bài viết chứa nhiều cảm xúc, được đồng nghiệp và bạn đọc cho lời khen tặng, khích lệ. Tôi đâm ra say nghề từ đó.

 

Mấy anh em mới vào nghề lương cực thấp, nhuận bút cũng chẳng là bao, nên tiền tiêu nhanh như… bị mất cắp. May mà mấy cô nàng trong cơ quan, như Ái My, Kim Liên cũng thương mến các anh, người thì cho gửi tiền nấu cơm giúp, người thì rút hầu bao tạm ứng mỗi khi anh nào bị nhẵn túi, giúp anh em vượt qua lúc khó khăn.

 

Thành ngữ có câu: “Ba năm không bằng một cái chớp mắt”. Nhưng nhiều khi hồi tưởng lại nơi mình chập chững bước vào nghề báo, 3 năm làm việc ở Báo Phú Yên, tôi có rất nhiều trải nghiệm, đầy ắp ân tình và là bước trưởng thành lớn giúp tôi tiếp tục rong ruổi với nghề.

 

TIÊN MINH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ký ức và tình yêu
Thứ Hai, 22/08/2016 10:42 SA
15 năm ấy, biết bao nhiêu tình…
Thứ Hai, 22/08/2016 00:00 SA
Đà Lạt và những cơn mưa chiều
Chủ Nhật, 21/08/2016 11:04 SA
G-Dragon - Tường thành Kpop
Chủ Nhật, 21/08/2016 10:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek