Thứ Hai, 14/10/2024 11:27 SA
Nguyễn Hoài Sơn - người tìm ngọc lặng thầm
Thứ Năm, 28/07/2016 13:00 CH

30 năm gắn bó với vùng đất đầy nắng gió, Ths Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Phú Yên, đã ra mắt nhiều công trình, tác phẩm có giá trị về đất và người nơi đây. 30 năm, người trí thức đến từ đất Tổ cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp và dành tình yêu cho xứ sở này.

 

Đặc biệt, với những thành tích xuất sắc trong 5 năm qua, Nguyễn Hoài Sơn là người duy nhất ở Phú Yên được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen và cúp “Trí thức Khoa học - Công nghệ tiêu biểu năm 2015”.

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn (giữa) là cá nhân duy nhất ở Phú Yên được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức KH-CN tiêu biểu năm 2015 do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức - Ảnh: CTV

 

Xa quê lập nghiệp

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn là người duy nhất ở Phú Yên vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen và cúp “Trí thức Khoa học - Công nghệ tiêu biểu năm 2015” vì đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm qua. Trong thời gian này, Liên hiệp Hội đã tổ chức thành công 6 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, trong đó có nhiều giải pháp sáng tạo được trao giải toàn quốc và cấp tỉnh được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong 5 năm (2010-2015), anh có 42 lần được các sở, ban ngành và các trường đại học ở Phú Yên mời tham gia Hội đồng Khoa học phản biện thuyết minh, nghiệm thu cơ sở, nghiệm thu chính thức các đề tài nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, anh còn tích cực hoạt động trong lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật. Riêng năm 2011, anh có trên 50 bài viết được đăng trong mục Kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2011) và một số đầu sách riêng đã được xuất bản. Trong giai đoạn này, ThS Nguyễn Hoài Sơn cũng đã thực hiện 6 đề tài khoa học và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học khác.

Tôi ấn tượng về anh từ những lần dự họp xét duyệt, nghiệm thu các đề tài, dự án ở Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh. Khi thì chủ nhiệm đề tài, lúc thì phản biện..., bao giờ anh cũng giữ được cách nói chuyện nhẹ nhàng, điềm tĩnh nhưng tinh tế và sâu sắc. Những ai đã tiếp xúc với Nguyễn Hoài Sơn đều có chung nhận xét, anh là người vui vẻ, hòa đồng, chân tình, uy tín trong quan hệ đời thường còn với công việc, anh luôn cần mẫn, chỉn chu, năng nổ, có trách nhiệm và có những phương cách đột phá.

 

Sinh ra và lớn lên ở xã Khải Xuân (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), 18 tuổi, Nguyễn Hoài Sơn tạm biệt quê nhà để lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, anh xuất ngũ và tiếp tục ôn thi, đậu vào Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Năm cuối đại học, anh đến Phú Yên thăm người cô họ lấy chồng về đây. Rất nhanh chóng, cảnh vật và con người nơi này đã cuốn hút chàng trai đất Tổ. Đi xe đạp từ Phú Lâm lên đến xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), qua những cánh đồng mướt xanh, bát ngát, mương nước chạy dọc dài, anh đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình, thơ mộng.

 

Thấy cô sống hạnh phúc, người dân đôn hậu, thật thà và mến khách, Nguyễn Hoài Sơn nảy sinh ý định gắn bó đời mình với vùng đất mới. Cuối năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định xin về công tác tại huyện Tuy Hòa (nay được tách thành hai huyện Tây Hòa và Đông Hòa).

 

Công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, về các xã chiếu video là một phần việc của Nguyễn Hoài Sơn khi đó. Được đến khá nhiều xã ở huyện lúa Tuy Hòa, anh thích thú trước cảnh sắc nên thơ của nơi này. Ban đêm chiếu video phục vụ bà con, ban ngày anh lân la gặp gỡ người dân, nghe họ kể nhiều câu chuyện và ghi chép lại. Những chuyến đi thâm nhập thực tế của Nguyễn Hoài Sơn càng nhiều, thì hơi thở của vùng đất này càng “thẩm thấu” vào anh. Và chàng trai đến từ đất Tổ dần cảm nhận một vẻ đẹp khác, sâu sắc hơn những gì đang hiện hữu trước mắt. Đó là vẻ đẹp về văn hóa.

 

Mong muốn làm những điều thật có ý nghĩa cho nơi mình đã gắn bó, năm 1992, Nguyễn Hoài Sơn xin đi thi cao học. Lãnh đạo huyện đã quan tâm, tạo điều kiện cho anh thực hiện điều mà bấy lâu anh ấp ủ. “Tôi xác định, việc học lúc này không phải cho riêng mình mà phải làm điều gì đó đáp lại vùng đất đã cưu mang mình cũng như tình cảm của lãnh đạo và nhân dân địa phương dành cho mình”, anh thổ lộ.

 

Gửi tình yêu cho đất và người

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn

Được trang bị thêm kiến thức cộng với niềm đam mê sẵn có và sự thích thú lâu nay, Nguyễn Hoài Sơn tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu, viết lách. Nhiều công trình nghiên cứu nối nhau ra đời: Truyện cổ Tuy Hòa, Tuy Hòa môi trường văn hóa và phát triển, Phong tục - Tín ngưỡng dân gian làng biển Đông Tác, Văn hóa dân gian làng cổ Hoành Lâm, Lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm ở Phú Yên, Cầu ngư - lễ hội truyền thống đặc sắc ở miền biển Phú Yên, Giữ gìn nét độc đáo của lễ hội Phú Yên… Đây là những công trình không chỉ có giá trị về mặt văn hóa mà còn thể hiện ân tình sâu nặng của một người con sinh ra nơi đất Tổ và đã trưởng thành trên mảnh đất Phú Yên.

 

Cuối năm 2011, Nguyễn Hoài Sơn chủ biên tác phẩm Di sản văn hóa đá ở Phú Yên, tạo được ấn tượng rất tốt với giới nghiên cứu và bạn đọc. Đầu năm 2013, tập sách Đá Bia huyền ảo của Nguyễn Hoài Sơn được NXB Khoa học xã hội ấn hành, cho thấy năng lực và niềm đam mê nghiên cứu, khám phá của tác giả. Trong tập sách này, anh không chỉ chứng minh núi Đá Bia là một di tích văn hóa đặc sắc mà còn hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch. Anh đã nhận định: “Một ngày không xa, quần thể Đá Bia trở thành di tích lịch sử…”. ThS Nguyễn Hoài Sơn rất thích Đá Bia và đã leo lên ngọn núi này nhiều lần, khi chưa có con đường dẫn lên đỉnh núi, và việc chinh phục Thạch Bi Sơn là một thử thách thực sự. Anh chia sẻ: “Hơn 20 năm hoạt động trong ngành Văn hóa - Thông tin, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều di sản văn hóa trong và ngoài tỉnh. Trong số đó, các di sản bằng đá ở Phú Yên luôn để lại trong tôi ấn tượng mạnh và thôi thúc tôi tìm hiểu về chúng”.

 

Những công trình nghiên cứu của Nguyễn Hoài Sơn không chỉ có sức thuyết phục bạn đọc mà còn là nguồn tư liệu quý góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa một vùng đất. TS Đào Nhật Kim (Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế Trường đại học Phú Yên) nhận xét: “ThS Nguyễn Hoài Sơn đã đưa vào công trình nghiên cứu của mình những hiểu biết sâu sắc và những đúc kết tinh tế từ nhiều chuyến đi điền dã. Hàng loạt công trình, bài viết của anh thể hiện năng lực, sự đam mê nghiên cứu về văn hóa và hơn nữa là tình yêu anh dành cho vùng đất Phú Yên, nơi anh đã xem là quê hương thứ hai của mình”. ThS Nguyễn Hoài Sơn đang cùng TS Nguyễn Xuân Đàm hoàn thiện đề tài Tiến sĩ Phú Yên, và cùng các đồng nghiệp ở Phú Yên từng bước hoàn thiện bộ địa chí văn hóa Phú Yên từ tỉnh đến cơ sở.

 

Không chỉ thành công ở lĩnh vực nghiên cứu, ThS Nguyễn Hoài Sơn còn có duyên với nghiệp viết lách. Năm 1999, Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Tuy Hòa được thành lập, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ định Nguyễn Hoài Sơn làm chi hội trưởng. Một năm sau, tập hợp đủ hội viên, chi hội tổ chức đại hội và xin xuất bản tập san Đá Bia. Đó là một tập san xinh xắn và mang đến cho bạn đọc nhiều điều lý thú nhân dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng Tuy Hòa - Phú Yên.

 

Xuất bản được 9 số tập san, 3 tập thơ và thành lập 6 chi hội văn học nghệ thuật cấp xã, Nguyễn Hoài Sơn được điều chuyển công tác về Sở VH-TT-DL, rồi gắn bó với tờ Toàn dân đoàn kết trong vai trò thường trực biên tập. Năm 2007, chuyển sang Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, anh gắn bó với tạp chí Trí thức. Hiện anh là Tổng Biên tập tạp chí do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép, được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ cấp Mã số chuẩn quốc tế. Cách đây không lâu, Nguyễn Hoài Sơn dũng cảm nhận thực hiện sản phẩm văn hóa do Bộ GTVT và Ban Quản lý Hầm đường bộ đèo Cả đặt hàng, với ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Việt chỉ trong vòng một tháng.

 

Thủy chung cùng năm tháng

 

Lập nghiệp ở vùng đất mới, gia đình Nguyễn Hoài Sơn gặp không ít khó khăn. Vợ anh, một giáo viên người Phú Thọ, vô Phú Yên không xin được việc làm. Sau đó, chị vào làm thu ngân ở một đơn vị chừng một năm thì ngã bệnh nhưng không có kết quả chẩn đoán chính xác. Vợ bệnh, con thì còn nhỏ, cuộc sống khá bức bách. Nghe người ta mách về một bài thuốc dân gian, mỗi chiều anh đến quán cháo vịt xin túi mật vịt về chữa trị cho vợ. “Tổng cộng có đến hơn ba ngàn túi mật vịt và chạy chữa nhiều nơi, cuối cùng sức khỏe của bà xã cũng ổn”, anh Hoài Sơn kể.

 

Cuộc sống khó khăn, Nguyễn Hoài Sơn phải nhận “chi viện” từ gia đình ở Phú Thọ để trang trải trong một thời gian. Cảm thấy xốn xang nhưng rồi anh nghĩ, mọi việc sẽ ổn thôi và anh quyết tâm thực hiện điều đó. Ngoài giờ làm việc, anh rong ruổi khắp các xã ở huyện Tây Hòa để bỏ hàng nhằm cải thiện thu nhập, còn vợ buôn bán nhỏ.

 

Những người bạn thân thiết của anh khá thành đạt trong sự nghiệp, trong lần ghé thăm anh đã tỏ ra cám cảnh. “Đêm ấy điện cúp, nhà tối om, lụp xụp; đường vào nhà là đường đất, xung quanh là bãi cát mênh mông, nhà cửa thưa thớt nên trông khá buồn”, anh nhớ lại. Nhiều lần anh em, bạn bè rủ vợ chồng anh trở về Phú Thọ để gần gũi gia đình nhưng anh đều từ chối vì trót yêu xứ sở này.

 

Nửa đời người gắn bó với Phú Yên, Nguyễn Hoài Sơn đã thành người đất Phú!

 

Xuất thân từ cán bộ văn hóa - thông tin, được đào tạo bài bản về lĩnh vực này, Hoài Sơn cảm nhận rất sâu về văn minh lúa nước sông Ba. Anh đã dành nhiều tâm huyết để tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bằng Tuy Hòa. Anh chủ biên và đồng chủ biên nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, đặc biệt là công trình về di sản văn hóa đá ở Phú Yên - một đề tài mà giới nghiên cứu đều đánh giá là rất khó nhưng thể hiện rất sâu sắc. Với vai trò Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, anh có khả năng tập hợp rộng rãi đội ngũ trí thức của tỉnh, cuốn hút họ vào các chương trình, hoạt động của Liên hiệp Hội nhằm phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Phú Yên. Là Tổng Biên tập tạp chí Trí thức, anh đã có nhiều sáng tạo để đưa tạp chí đến với rộng rãi công chúng. ThS Nguyễn Hoài Sơn cảm nhận và đánh giá rất cao đóng góp của lực lượng trí thức Phú Yên, đặc biệt anh rất quan tâm đến những “mầm xanh” trí thức.

 

ThS Phan Thanh Bình,

Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ dân gian Phú Yên

 

MINH CHÂU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm “bản sao” để làm gì?
Thứ Năm, 28/07/2016 14:00 CH
Tiếng hát tri ân những người ngã xuống
Thứ Năm, 28/07/2016 08:15 SA
Tổ quốc ghi công – thơ PHAN THÀNH MINH
Thứ Tư, 27/07/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek