Thứ Năm, 16/01/2025 18:04 CH
Ấn tượng đội diễn viên thôn Hà Rai
Chủ Nhật, 24/07/2016 14:00 CH

Đội diễn viên thôn Hà Rai biểu diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016 tại huyện Sông Hinh - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Những chàng trai đánh trống đôi, cồng ba, chiêng năm điệu nghệ. Những cô gái múa xoan nhịp nhàng, đều đặn say nhịp cồng chiêng. Họ đắm chìm trong không gian âm nhạc đầy màu sắc từ các lễ hội ở địa phương đến sân khấu biểu diễn. Họ chính là đội diễn viên thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân).

 

Diễn viên bước ra từ buôn làng

 

Cây nêu dựng vươn cao có treo những tua rua và các tấm dệt hoa văn trang trí được làm thủ công tỉ mỉ theo phong cách của người Chăm H’roi cùng những ché rượu cần được đặt xung quanh. Thầy cúng miệng lâm râm khấn vái, tay rót rượu cúng Giàng (trời) và các thần mây, thần gió, thần sấm cầu mưa rồi cùng dân làng hô to, nổi chiêng nhạc chào đón trời mưa.

 

Đội cồng chiêng gồm 13 người chơi. Hai nghệ nhân trống đôi biểu diễn thể hiện cảm xúc thăng hoa thông qua những động tác vê vuốt, đập vỗ trên mặt trống điệu nghệ. Những cô gái vào nhịp múa xoan với các động tác múa lúc dồn dập náo nức, lúc trang trọng nhẹ nhàng. Âm thanh của cồng chiêng tạo ra tiếng sấm, tiếng suối reo, nước chảy. Người nhảy múa hú gọi. Dáng điệu tượng trưng cho gió thổi, mây bay, sấm nổ, đón những giọt mưa từ Giàng ban cho. Tổng hòa tiết mục biểu diễn cầu mưa vừa mang tính trang nghiêm để biểu lộ lòng thành kính với thần linh vừa ma mị, huyền bí thể hiện tinh thần của người Chăm H’roi sống chan hòa với thiên nhiên.

 

Đội cồng chiêng và múa xoan của thôn Hà Rai một lần nữa tái hiện thành công hồn cốt của nghi thức cầu mưa - một nghi thức quan trọng trong sinh hoạt tinh thần và cuộc sống của người Chăm H’roi tại Ngày hội VH-TT-DL tỉnh Phú Yên năm 2016 vừa qua. Ban giám khảo của ngày hội đã chấm giải A, công nhận giá trị nghệ thuật của tiết mục cầu mưa tại hội diễn.

 

Tiết mục cầu mưa của đội diễn viên thôn Hà Rai đã nhiều lần được mang đi “thi đấu” ở nhiều hội diễn trong và ngoài tỉnh. Lần nào, tiết mục này cũng được đánh giá cao. Ông Mang Hòa, Trưởng thôn đồng thời là thành viên của đội cồng chiêng thôn Hà Rai, cho biết: “Không chỉ biểu diễn tiết mục cầu mưa, chúng tôi còn biểu diễn nhiều nghi thức khác như Tống quái, Lễ hội làng Chăm… trên sân khấu. Mới đây, đội diễn viên thôn Hà Rai đã mang về giải A tiết mục Lễ hội làng Chăm cho tỉnh Phú Yên tại Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Chăm lần thứ IV-2016 vừa diễn ra ở An Giang”.

 

Đội cồng chiêng và múa xoan của thôn Hà Rai có 23 người, trong đó có 13 nam chơi cồng chiêng, trống, xập xẻng và 10 cô gái, ai cũng múa xoan điệu nghệ. Thưởng thức các tiết mục trình diễn của đội diễn viên thôn Hà Rai, ít ai biết họ chỉ là những diễn viên đến từ buôn làng.

 

Cồng chiêng, múa xoan thấm vào máu

 

Bên ngôi nhà sàn truyền thống, ché rượu cần được bày sẵn thơm nồng, người trong thôn Hà Rai quây quần bên đống lửa bập bùng, cùng nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Người Chăm H’roi ở đây bao đời nay đã gắn bó với cồng chiêng từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Họ luôn tin vào Giàng và các vị thần sẽ ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà sung túc nên thường xuyên tổ chức nhiều nghi thức, lễ hội cúng tế thần linh. Có thể kể ra các lễ hội như: đâm trâu, cầu mưa, đổ đầu, bỏ mả, mừng lúa mới, mừng cơm mới…

 

Ông So Thanh Điền (53 tuổi), một thành viên của đội cồng chiêng thôn Hà Rai, cho biết: “Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu thích thú với âm điệu của cồng chiêng và theo cha và người lớn trong buôn học hỏi. Đến nay, cồng chiêng, trống đôi, xập xẻng, lục lạc đều chơi tốt. Thanh niên thôn Hà Rai chỉ cần thích nhạc cụ thì sẽ có môi trường để biểu diễn vì các lễ hội diễn ra thường xuyên trong thôn, mà lễ hội nào cũng có ca múa”.

 

Trong khi những chàng trai say mê cồng chiêng, trống đôi thì các thiếu nữ Chăm H’roi lại thích múa xoan. Cô gái nào trong thôn cũng biết diễn xoan theo nhịp cồng chiêng. Và việc chọn một đội múa xoan phụ họa tốt cho các buổi biểu diễn không có gì khó. Chị So Thị Diệm, phụ trách đội nữ múa xoan thôn Hà Rai, chia sẻ: “Múa xoan rất phổ biến trong cộng đồng người Chăm H’roi. Tuy nhiên, để các động tác múa được tinh tế, hợp với từng nghi thức, nội dung thì các cô gái phải biết và hiểu đúng tinh thần của từng điệu múa. Khi múa dâng cúng thần linh thì các động tác thể hiện sự trang trọng, khi múa đám cưới thì chan hòa, vui tươi. Người múa xoan nắm bắt được tinh thần của lễ hội thì điệu múa sẽ đẹp và hấp dẫn mọi người”.

 

Cuộc sống của người Chăm H’roi gắn liền với núi rừng và nương rẫy từ bao đời nay. Họ trân trọng các nghi thức cúng tế lễ nhạc của cộng đồng. Con trai học chơi cồng chiêng từ nhỏ, con gái e thẹn trong điệu múa xoan. Bởi vậy, đội biểu diễn cồng chiêng và múa xoan thôn Hà Rai không khó tập hợp người chơi và biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp. 

 

Thôn Hà Rai là nơi còn bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc của người Chăm H’roi trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Trong thôn có nhiều người giỏi trình diễn cồng chiêng và hát múa các điệu xoan truyền thống. Đội diễn viên thôn Hà Rai thường xuyên tham dự các ngày hội văn hóa các dân tộc trong và ngoài địa phương. Họ là những hạt nhân đóng góp vào sự phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng của huyện Đồng Xuân. 

 

Bà Lê Thị Như Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đồng Xuân

  

DIỆU ANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
SNSD, 9 năm 1 chặng đường
Chủ Nhật, 24/07/2016 09:31 SA
Đôi quán quân sống đẹp
Thứ Năm, 21/07/2016 13:00 CH
Nơi thời gian lắng đọng
Thứ Tư, 20/07/2016 11:00 SA
Phú Yên đoạt 5 giải A
Thứ Tư, 20/07/2016 08:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek